Những tranh cãi không hồi kết về cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục căng thẳng. Tổng thống Nga đã nhiều lần đưa ra “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ và Phương Tây. Rằng, nếu các ngài dấn thêm một bước nữa thì đừng có trách chúng tôi!
Nhưng “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”. “Một người” ấy là Phương Tây. Chính xác hơn là vờ như không hiểu, vì các bên đều có lợi ích riêng của mình. Ngay trong các nước Phương Tây cũng có sự phân rã, tiếng nói về cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng không hoàn toàn thống nhất. Nên chi con bài cuối cùng sử dụng vũ khí nguyên tử của Moscow vẫn khiến cho đối phương ngần ngại.
Trong khi cuộc chiến ngôn từ vẫn đang leo thang thì cuộc chiến bom đạn giữa Nga và Ukraine rất khốc liệt. Hôm 12/9, Tổng thống Nga lại một lần nữa đưa ra “lằn ranh đỏ”. Cái đầu ông như muốn nổ tung khi có tin Phương Tây chuẩn bị cho phép Kiev sử dụng hỏa tiễn tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga.
Ông Putin nói rõ, nếu phương Tây bật đèn xanh “có nghĩa là NATO tham chiến chống lại Nga”. Putin có lý để nổi giận vì từ nhiều tháng qua, Ukraine vẫn hối thúc Mỹ và Phương Tây cho phép được tự do sử dụng các loại hỏa tiễn tầm xa. Cụ thể là: Scalp và Storm Shadow có tầm bắn từ 250 đến 500 km của Pháp và Anh; ATACMS (từ 150 đến 300 km) do Mỹ cung cấp. Không chỉ có thế, Kiev còn muốn sở hữu các hỏa tiễn hành trình loại mới JASSM tầm bắn từ 300 đến 800 km.
Nếu có trong tay các loại vũ khí này, quân đội Ukraine có thể dễ dàng thọc sâu vào hậu cần quân Nga, vào các sân bay nơi các oanh tạc cơ cất cánh. Trước đề nghị khẩn thiết của Tổng thống Ukraine Zelensky, Phương Tây vẫn nhìn trước ngó sau và lắc đầu. Sau lời tuyên bố/đe dọa của Putin, các “Z-patriot” – những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nga- đã chớp thời cơ, kêu gọi: “Không nên sợ đối đầu với NATO”; “Xem lại chủ trương về vũ khí nguyên tử”!
Nước lũ đã mấp mé mặt đê. Washington lập tức lên tiếng. Nhà Trắng lên án Tổng thống Nga đã “đe dọa nguy cơ chiến tranh Nga-NATO”. Phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Karine Jean-Pierre đã chỉ trích những lời lẽ “vô trách nhiệm”, “vô cùng nguy hiểm” của Putin.
Đương nhiên Phương Tây cũng tìm cách “xả lũ” để tránh vỡ đê. Sau cuộc hội đàm hôm 13/9, tại Nhà Trắng, thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đi đến quyết định: Tạm hoãn quyết định cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Việc hệ trọng này sẽ được đưa ra thảo luận với các nước đồng minh khác bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng 9.
Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã không thuyết phục được Tổng thống Mỹ khi ông Biden chỉ còn tại vị vài tháng nữa. Biden đã không đồng ý cho Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga vì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Tổng thống Joe Biden muốn tránh mọi nguy cơ leo thang với điện Kremlin
Có điều Mỹ mới chi “tạm hoãn”. Và Ukraine vẫn đang…chờ. Thủ tướng Anh Starmer cũng chờ đợi Mỹ ra quyết định trong một vài tuần hay những tháng tới. Về vấn đề này, ông John Kirby – phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia – nói, Tổng thống Joe Biden khó có thể thay đổi lập trường trong việc sử dụng tên lửa phương Tây để oanh kích vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo trong chính quyền Kievsẽ sớm đến gặp Tổng thống Mỹ Biden để trình bày cho Biden hiểu kỹ hơn về tình hình chiến sự. Rằng cuộc tấn công của lực lượng Kiev vào vùng biên giới Kursk của Nga đã đạt được kết quả tốt, làm chậm lại đà tiến của quân Nga ở miền đông Ukraine.
Ông Zelensky sẽ đưa ra “một kế hoạch giành chiến thắng” cho Ukraine. Ông cho rằng, phương Tây “sợ” Moscow cho nên không dám nêu lên khả năng giúp Ukraine bắn hạ các tên lửa và drone của Nga, điều mà họ đang giúp Israel.
Quả bóng đang nằm dưới chân Tổng thống Mỹ Biden, sau đó là Tổng thống Nga Putin. Mọi quyết định lúc này đặc biệt khó khăn vì không chỉ là chuyện xung đột giữa hai quốc gia. Nó ảnh hưởng to lớn đến hòa bình, an ninh thế giới, đến công lý và lương tâm thời đại.
Thay vì góp phần duy trì hòa bình, vũ khí hạt nhân vẫn đang gieo rắc nỗi sợ hãi và sự nghi kỵ lẫn nhau, sự chia rẽ giữa các quốc gia.
H.Đ