Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhìn lại 25 năm Tam giác phát triển Campuchia - Lào -...

Nhìn lại 25 năm Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam

25 năm thành lập khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) ghi nhận nhiều dấu ấn thành công và mốc son hợp tác quan trọng.


Trong 25 năm qua, ba nước phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung, góp phần xây dựng khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam không chỉ trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối; mà còn thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa quốc hội, chính phủ 3 nước, các tổ chức và người dân 3 nước.

Sự phối hợp này thông qua hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực: giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.

Xuất xứ và hình thành
Tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia (TGPT CLV) được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia).

Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào TGPT CLV.

Mục tiêu của việc hình thành TGPT CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực. Hợp tác TGPT CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh – đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Về cơ chế hoạt động, bên cạnh các Hội nghị Cấp cao, ba nước CLV nhất trí thành lập Uỷ ban điều phối chung TGPT (với bốn tiểu ban: kinh tế, xã hội – môi trường, địa phương, an ninh – đối ngoại). Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Uỷ ban và uỷ viên Uỷ ban điều phối gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong Tam giác. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam giữ vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban.

Các văn bản quan trọng
Trong 25 năm hoạt động, TGPT CLV đã thông qua nhiều văn kiện hợp tác quan trọng.

  1. Tuyên bố Viêng Chăn về xây dựng Tam giác phát triển được Thủ tướng ba nước ký nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 10 (ngày 28/11/2004).
  2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội khu vực TGPT CLV được ba nước thông qua năm 2004. Tại Hội nghị Cấp cao CLV 6 (2010) tại Phnom Penh, Thủ tướng ba nước đã xem xét và thông qua Bản điều chỉnh Quy hoạch tổng thể đến năm 2020.
  3. Cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực TGPT CLV: Tại Hội nghị Cấp cao CLV lần 5 (2008) tại Viêng Chăn, ba nước ký Bản ghi nhớ về việc xây dựng các Chính sách Ưu đãi đặc biệt cho Khu vực TGPT CLV nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển trong khu vực và thu hút đầu tư bên ngoài. Đến HNCC CLV 6, Lãnh đạo cấp cao ba nước đã thông qua Bản Ghi nhớ sửa đổi về việc Xây dựng các Chính sách Ưu đãi cho khu vực.
  4. Tuyên bố chung lần đầu thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV (2022)

Kết quả hợp tác
Trong 25 năm hợp tác, 3 nước đã trải qua 11 hội nghị cấp cao (HNCC) với nhiều kết quả nổi bật.

HNCC CLV lần 3 (Siem Reap, 2004) khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tam giác CLV và nhất trí phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án. Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 10, ngày 28/11/2004, Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố Viên Chăn về xây dựng Tam giác phát triển và thông qua Quy hoạch tổng thể Tam giác phát triển.

HNCC CLV lần 4 (Đà Lạt, 2006) thông qua việc thành lập Uỷ ban điều phối chung; nhất trí tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường phối hợp trong huy động nguồn lực bên ngoài, nhất là từ Nhật Bản.

HNCC CLV lần 7 (Viêng Chăn, 2013): Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố chung về hợp tác khu vực Tam giác Phát triển CLV, khẳng định cam kết phát triển khu vực Tam giác thành một điển hình trong hợp tác khu vực của ba nước CLV; nhất trí đẩy mạnh huy động nguồn lực, trong đó có vận động các nhà tài trợ để phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng.

HNCC CLV 8 (Viêng Chăn, 11/2014) nhất trí một số điểm chính về tăng cường kết nối 3 nền kinh tế.

HNCC CLV 10 (Hà Nội, 3/2018) lần đầu tiên mời các đối tác phát triển dự và đều thể hiện trách nhiệm đối với khu vực CLV. Điều này khẳng định vai trò của khu vực Tam giác phát triển CLV trong cộng đồng ASEAN.

Hội nghị cấp cao CLV 11 (trực tuyến, 12/2020) trong bối cảnh ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Về giao thông, các tuyến đường liên kết các tỉnh của ba nước trong khu vực Tam giác Phát triển được ưu tiên phát triển như quốc lộ 40 nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kom Tum). Đối với Lào, đường 18B đã hoàn thành tháng 5/2006 để nối thông với Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y của Việt Nam. Đối với Campuchia, Việt Nam cho Campuchia vay ưu đãi xây dựng đường 78 từ Banlung (tỉnh Ratanakiri) đi Ou Ya Dav (tỉnh Ratanakiri) dài 70 km, vốn đầu tư khoảng 26 triệu USD, khởi công từ tháng 1/2007, hoàn thành tháng 3/2010. Hiện các nước tiếp tục hướng đến ưu tiên nguồn lực cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển, trung tâm thương mại.

Về năng lượng, Việt Nam đưa vào vận hành thủy điện Ialy (720MW); đầu tư các dự án thủy điện Xekaman 1 (XKM1) bao gồm các nhà máy XKM1 290MW và XKMXX 32MW và tuyến đường dây 230kV dài 70km từ XKM1 ra biên giới; Nhà máy XKM3 có công suất 250MW và 26,5km đường dây 230kV tới biên giới Việt Nam và Lào, cũng như nhiều dự án khác.

Về thương mại, đầu tư, tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 248 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam là 5,44 tỷ USD và 206 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 2,91 tỷ USD.

Trong khu vực tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia (gồm 4 tỉnh: Rattanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie của Campuchia và 4 tỉnh: Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak của Lào), Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 3,76 tỷ USD (chiếm 24,2% tổng số dự án và 44,3% vốn đăng ký đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung). Trong đó, đầu tư tại các tỉnh Tam giác phát triển của Lào là 65 dự án với số vốn là 2,09 tỷ USD, tại các tỉnh CLV của Campuchia là 45 dự án với số vốn là 1,67 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại khu vực này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện. Nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định, có những đóng góp và tác động tích cực đối với phát triển kinh tế của địa phương thông qua việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua các công trình dân dụng nhỏ như đường sá, trường học, trạm y tế, đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ tài chính, hoạt động giao lưu thăm hỏi, chương trình từ thiện…

Tại Việt Nam, 5 tỉnh thuộc Khu tam giác phát triển gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước thu hút 521 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó lớn nhất là tỉnh Bình Phước hiện có 455 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 4,7 tỷ USD; đây cũng là địa phương duy nhất thu hút 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp Campuchia tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.

Các dự án đầu tư vào khu vực CLV của Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp, cấp nước và xử lý chất thải, xây dựng, kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ. Các đối tác đầu tư chính là Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, 5 tỉnh này đã đầu tư sang Lào và Campuchia 48 dự án, với tổng vốn đăng ký là 1,91 tỷ USD, trong đó, chủ yếu là đầu tư vào khu vực CLV của Lào và Campuchia với 41 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,65 tỷ USD (chiếm 44% tổng đầu tư của Việt Nam trong khu vực CLV của Lào và Campuchia).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới