Trong cuộc họp cuối cùng với lãnh đạo nhóm ‘Bộ tứ kim cương’ (Quad) trước khi nhiệm kỳ kết thúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có tuyên bố cứng rắn khi đề cập Trung Quốc.
Tuyên bố của Tổng thống Biden ngày 21-9 được cho là có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyên bố chung của nhóm bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, vốn tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.
“Trung Quốc tiếp tục thử thách chúng ta trên khắp khu vực”, Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden phát biểu trong cuộc họp với nhóm Bộ tứ tại tư dinh của ông ở quê nhà Delaware (Mỹ) ngày 21-9.
Trước cuộc họp, ông cũng có cuộc họp báo về Trung Quốc, trong đó nói rằng Bắc Kinh đang thay đổi chiến thuật, nhưng vẫn giữ nguyên chiến lược, tiếp tục thách thức Mỹ ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. “Chúng tôi tin rằng (nhà lãnh đạo Trung Quốc) Tập Cận Bình đang tìm cách tập trung vào các thách thức kinh tế trong nước và giảm thiểu sự hỗn loạn trong các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định những nỗ lực mạnh mẽ gần đây của Washington nhằm giảm căng thẳng, bao gồm cả cuộc gọi của ông Biden với ông Tập vào tháng 4-2024, đang giúp ngăn ngừa xung đột.
Ông Biden cũng thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio về mối quan ngại chung về “các hoạt động cưỡng ép và gây mất ổn định” ở Biển Đông, theo Nhà Trắng. Ông Biden và ông Kishida nhắc lại quyết tâm duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan và cam kết phát triển và bảo vệ các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn.
Tuy nhiên những phát biểu này có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực ngoại giao thận trọng của các nước trong Hội nghị Thượng đỉnh Quad nhằm khẳng định rằng nhóm này không chỉ đơn thuần là một đối trọng với Trung Quốc.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh, 4 nước thành viên nhóm Quad đã bày tỏ lo ngại về tình hình quanh Trung Quốc, nhưng không đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh. “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông”, tuyên bố viết và lên án “các động thái cưỡng ép và đe dọa” ở Biển Đông.
Ngoài ra các nhà lãnh đạo đã đưa ra kế hoạch mở rộng sáng kiến “Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (IPMDA)” được công bố cách đây 2 năm. Theo đó, các nước đang lên kế hoạch cho các hoạt động tuần duyên chung, bao gồm cho phép lực lượng của Úc, Nhật Bản và Ấn Độ có mặt trên tàu tuần duyên. Ngoài ra, nhóm Bộ tứ cũng có kế hoạch tăng cường hợp tác hậu cần quân sự.
Trong các phát ngôn chính thức, Trung Quốc luôn phản đối Bộ tứ kim cương, xem nhóm này là nỗ lực bao vây Bắc Kinh và gia tăng xung đột.
T.P