Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới'Thiếu các quy định rõ ràng, đại bàng sẽ rời đi'

‘Thiếu các quy định rõ ràng, đại bàng sẽ rời đi’

Ông Darryl J. Dong – Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng TP.HCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng: Việc thiếu các quy định rõ ràng không chỉ khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn mà còn làm “đại bàng” – tập đoàn lớn rời đi. Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Nhiều tập đoàn lớn đã đến Việt Nam với mong muốn đầu tư, nhưng vì thiếu các quy định cụ thể nên họ đã quyết định rút lui.

ông Darryl J. Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng TP.HCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)


Tài chính khí hậu: Cách cửa mới hé mở
Cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kỷ lục về mức độ nắng nóng trong năm 2023. Trái Đất đã trải qua năm nóng nhất từ trước đến nay, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt qua các mức cao kỷ lục trước đó. Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy chuyển đổi xanh và giảm phát thải carbon trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Các quốc gia trên toàn cầu đang đẩy mạnh các biện pháp để đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Darryl J. Dong nhận định rằng, đây là mục tiêu lớn và sẽ cần tới 368 tỷ USD để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng, công nghệ mới, và các chương trình xã hội hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh cho đến năm 2040 (theo World Bank).

Theo dự báo của IFC, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần huy động hàng trăm tỷ USD để thực hiện các bước chuyển đổi này, và phần lớn nguồn vốn sẽ đến từ khu vực tư nhân, đóng vai trò tiên phong.

Tuy nhiên, ông Darryl J. Dong cũng cho rằng, khả năng tiếp cận tài chính khí hậu tại Việt Nam hiện vẫn còn rất hạn chế. Tín dụng xanh – các khoản vay liên quan đến phát triển bền vững tại các ngân hàng trong nước hiện chỉ chiếm tỷ lệ 4,5% hoặc thậm chí thấp hơn. Điều này đặt ra một thách thức lớn, vì các ngân hàng cần phải đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp vốn để phục vụ quá trình chuyển đổi này.

Ông Darryl J. Dong chia sẻ: “Dù nhu cầu vốn lớn như một bức tường khổng lồ, cánh cửa tài chính khí hậu tại Việt Nam mới chỉ hé mở một chút”.

Một trong những lĩnh vực cần lượng vốn lớn nhất là chuyển đổi năng lượng. Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp của Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết, theo Kế hoạch Phát triển Điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư cho việc chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 2021-2050 có thể lên tới 650 triệu USD.

Nguồn vốn này không chỉ quan trọng trong việc mở rộng công suất sản xuất năng lượng tái tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải điện, mà còn hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon, và cải tiến hiệu suất pin.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi xanh còn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong các lĩnh vực khác như giao thông vận tải và xây dựng. Việc chuyển đổi này yêu cầu một lượng lớn nguồn lực, đặc biệt là tài chính, để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến, giúp giảm lượng khí thải carbon trong các ngành công nghiệp chủ chốt.

Ông Lim Dyi Chang cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ không thể tự mình đáp ứng toàn bộ nhu cầu vốn cho quá trình chuyển đổi này. Việc tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng, vì họ sẽ là nguồn tài trợ chính cho các dự án xanh.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vốn cho các dự án bền vững. Với vai trò quản lý dòng vốn, ngân hàng có khả năng “hướng” dòng tiền đến những dự án có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế tài trợ cho các ngành công nghiệp có lượng phát thải carbon cao.

Thiếu quy định, “đại bàng” rời đi
Ngoài vấn đề về vốn, một thách thức khác mà tài chính khí hậu tại Việt Nam phải đối mặt là thiếu các quy định pháp lý rõ ràng.

Theo ông Darryl J. Dong, nếu không có một khung pháp lý đầy đủ, thị trường tài chính khí hậu sẽ rất khó phát triển. Ông cho rằng, không cần thiết phải xây dựng một khung pháp lý hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng cần thiết lập các quy định cơ bản để nhà đầu tư và các tổ chức tài chính có thể hiểu và tham gia thị trường.

Ông Darryl J. Dong dẫn chứng, trường hợp Thái Lan, quốc gia láng giềng của Việt Nam, đã thành công trong việc xây dựng các quy định đơn giản về chuyển đổi xanh. Ông cho rằng điểm mấu chốt là cần bắt đầu từ những quy định đơn giản, sau đó có thể bổ sung thêm chi tiết khi thị trường đã phát triển đủ mạnh.

Ngược lại, việc thiếu các quy định rõ ràng không chỉ khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn mà còn làm “đại bàng” – các tập đoàn lớn – rời đi. Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, nhiều tập đoàn lớn đã đến Việt Nam với mong muốn đầu tư, nhưng vì thiếu các quy định cụ thể nên họ đã quyết định rút lui.

Ngoài việc mở nút thắt về pháp lý, đại diện IFC còn đề cập tới 3 chìa khoá khác để mở nút thắt thị trường tài chính khí hậu.

Thứ nhất, cần triển khai giải pháp “tài chính hỗn hợp”, kết hợp giữa vốn ưu đãi và vốn thương mại. Mục tiêu của giải pháp này là giảm tổng chi phí giao dịch và cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận của các dự án xanh. Đây được xem là một công cụ hiệu quả để huy động nguồn vốn và giải quyết các giao dịch tài chính khí hậu khó khăn.

Thứ hai, đẩy mạnh việc phát triển các dự án có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà đầu tư và ngân hàng, bởi lĩnh vực tài chính khí hậu vẫn còn mới mẻ. Không chỉ nhà đầu tư cần cung cấp thông tin đầy đủ cho ngân hàng, mà chính các ngân hàng cũng cần nâng cao năng lực bản thân, không chỉ là tăng cường vốn mà còn là việc phát triển các kỹ năng như thẩm định dự án, quản lý rủi ro và đánh giá tính bền vững của các dự án.

Cuối cùng, ông Darryl J. Dong nhấn mạnh cần nâng cao “năng lực khí hậu” thông qua việc xây dựng năng lực xanh cho hệ thống tài chính tại Việt Nam. Điều này không chỉ bao gồm hệ thống tín dụng mà còn phải mở rộng sang các thị trường vốn, ví dụ như phát triển các nguyên tắc về trái phiếu xanh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới