Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTừ các vụ bạo loạn ở Bangladesh nghĩ về kinh nghiệm của...

Từ các vụ bạo loạn ở Bangladesh nghĩ về kinh nghiệm của Việt Nam

Thời gian qua, tình hình bạo loạn ở Bangladesh đã được nhiều người nhắc tới và so sánh nó như một phần trong những cuộc cách mạng màu. Tình hình này liệu có sự nhúng tay của những thế lực bên ngoài?

Người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh ở thủ đô Dhaka của Bangladesh

Tình hình tại Bangladesh khiến ta liên hệ tới Việt Nam. Năm 2018, QH Việt Nam thảo luận về Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế, trong đó quy định “cho nhà đầu tư được thuê đất trong vòng 99 năm mà không phân biệt quốc tịch nhà đầu tư”. Lúc đó, có một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng, dự luật này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thuê đất trong 99 năm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định trong dự thảo luật về các đặc khu kinh tế không có một chữ nào nói về Trung Quốc cả. Cùng thời điểm này, Quốc hội đã dự kiến thông qua luật An ninh mạng. Một bộ phận người dân chưa hiểu chuyện gì, bị kích động, đã xuống đường biểu tình vào ngày 10 – 11/6/2018. Thời điểm đó, những video được chính những đối tượng biểu tình đăng tải đã khiến người dân cả nước bức xúc. Không phải vì lý do biểu tình mà là do chính hành động của nhóm này khi họ đốt phá trụ sở của UBND tỉnh Bình Thuận, trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Thuận. Rất nhiều người đã lên tiếng kêu gọi: “Công an ở đâu mà lại để chuyện này xảy ra? Diễn tập rõ lắm mà tới khi có chuyện thì lại thế này?”

Tuy nhiên, ngày hôm sau, tình hình đã trở lại bình thường. Bộ Công an đã xác định được cả những đối tượng đứng đằng sau giật dây. Bộ Công an cũng đã triệt phá luôn những kẻ muốn tiếp tục kích động bạo loạn.

Ngày 16/6, Công An thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ 3 đối tượng giả danh công an, trong đó có đối tượng Nguyễn Hồng Thái (23 tuổi) để điều tra về hành vi đối tượng này mặc sắc phục đóng giả công an, trà trộn vào nhóm tụ tập đông người tại công viên Tao Đàn, quận 1 vào sáng cùng ngày. Thời điểm đó, bất kỳ ai dùng mạng xã hội cũng phẫn nộ với những hành vi đập phá và cảnh các lực lượng công an phải rút lui. Đồng thời, cảm thấy được hả hê phần nào khi các lực lượng này bị đánh tan trong vòng chưa đầy một ngày sau đó.

Giờ đây, bình tâm suy xét lại và nhìn vào những vụ việc diễn ra ở nước ngoài, có thể thấy được sự khôn khéo của Việt Nam trong vấn đề này. Vai trò của công an không phải chỉ là giải tán biểu tình mà họ còn phải đấu trí, đấu lực thực sự với những tổ chức ngầm kia. Khi các cuộc biểu tình không phải là tự phát mà có sự chỉ đạo điều khiển của một tổ chức nào đó, nếu xử lý không tốt sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

Nhìn lại cách Việt Nam xử lý, có thể thấy được nó có cả sự pha trộn giữa bài học của lịch sử. Sau thời điểm những hình ảnh người dân ném đá, vụt gậy vào cảnh sát cơ động mà lực lượng này chỉ đứng im chịu trận được tung lên mạng, rất nhiều người đã thể hiện thái độ bức xúc với việc làm của những người quá khích, thậm chí còn phẫn nộ với cả lực lượng cảnh sát cơ động. Cảm giác buồn bực của công chúng được đẩy lên cao thêm khi các bức ảnh chụp cảnh sát cơ động ở Tuy Phong phải cởi bỏ cả quân phục để rút ra ngoài trước áp lực của đám đông đang bị kích động. Sau đó một chút, trên các diễn đàn mạng, người ta chia sẻ những bức ảnh chụp lực lượng cảnh sát cơ động được không vận từ Hà Nội vào Bình Thuận.

Cư dân mạng lúc này bắt đầu thể hiện sự hy vọng, gọi những người lính cơ động Trung ương là “quân triều đình” hay là “Cẩm Y Vệ” vào để dẹp loạn. Đến đêm ngày 12/6, trên mạng xã hội xuất hiện những đoạn clip quay cảnh lính cơ động từ trung ương vào đang truy bắt những phần tử quá khích ở Bình Thuận. Xem những cảnh này, rất nhiều cư dân mạng tỏ thái độ hả hê.

Tóm lại, diễn biến của sự việc biểu tình gắn với diễn biến cảm xúc của cư dân mạng. Vậy những điều này nói lên điều gì?

Trước khi bàn chuyện này xin nói về câu chuyện xảy ra cách đây 235 năm. Đó là chuyện về nước cờ Tam Điệp của quân sư Ngô Thì Nhậm. Ông đã khuyên tướng Tây Sơn bỏ Thăng Long về Tam Điệp. Thời điểm đó, các tướng Tây Sơn như Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở đã kịch liệt phản đối. Họ đều là những dũng tướng trải trăm trận, sự dũng cảm có thừa. Họ một lòng muốn đối đầu trực tiếp với quân Thanh sang xâm lược nước ta.

Thế rồi, lịch sử cũng đã ghi nhận thất bại thảm hại của tướng Phan Văn Lân khi cố gắng “lấy trứng chọi đá”, đem một ngàn quân mà chống lại đạo quân cả mấy chục vạn của quân Thanh. Sau khi thấy đánh không được, tất cả mới phải làm theo kế của quân sư Ngô Thì Nhậm cho quân Thanh ngủ trọ ở Thăng Long vài đêm.

Việc quân Tây Sơn chủ động rút lui trước khi gặp quân Thanh, cho chúng vào thành Thăng Long dễ dàng mà không hao tổn chút sức lực, không mất một mũi tên, điều này làm tướng sĩ nhà Thanh đâm ra chủ quan, khinh địch, vì cho rằng quân Tây Sơn hóa ra chỉ là một đám giặc cỏ, nghe danh tiếng của quân Thanh đã khiếp vía bỏ chạy.

Sau này, đối chiếu với Thanh Thực Lục của Trung Quốc cũng đã cho thấy mọi thứ diễn ra đúng như những gì mà quân sư Ngô Thì Nhậm dự đoán. Khi Tôn Sĩ Nghị vào được thành Thăng Long, chúng đã không ngay lập tức chỉnh đốn hàng ngũ mà cho quân tỏa ra xung quanh mặc sức ăn chơi. Mặc cho cấp dưới là Hứa Thế Hanh ra sức khuyên can nên phải tốc chiến tốc thắng, nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn cho hoãn hành quân để quân Thanh ăn Tết xong rồi mới đánh.

Việc lui binh không những giúp bảo toàn lực lượng mà nó còn có tác dụng đánh vào tâm lý của tướng sĩ. Bởi vì như lời bộc bạch của Đô đốc Ngô Văn Sở: “Làm tướng giữ thành mà giặc tới chưa đánh đã chạy thì còn ai xem ra gì nữa?”. Hay như câu của dũng tướng Phan Văn Lân đã nói: “Xem người Nam và người Thanh ai khỏe hơn ai”. Những lời này chứng tỏ rằng trong mắt quân tướng Tây Sơn, quân Thanh cũng chẳng là có gì. Họ có thừa sự dũng cảm và tự tin để đương đầu với đám giặc kia.

Tuy nhiên, thực tế chiến trường lại cho thấy dũng cảm hay nhuệ khí vẫn là chưa đủ, mà còn cần có cả bộ não. Khi rút lui và được động viên rằng “đây là lùi một bước để tiến hai bước”, họ sẽ nung nấu mong ngóng ngày ra trận. Đến lúc đó, bản thân họ như được tiêm liều thuốc kích thích, lao lên mà chém giết không sợ hãi.

Mặt khác, đó còn là cách để vạch rõ bộ mặt bạc nhược, ươn hèn của nhà Lê và sự tàn bạo của giặc xâm lược đang mang lớp mặt nạ “phù Lê”. Đây mới là cái điều quan trọng nhất. Khi Lê Chiêu Thống mới được quân Thanh đưa về nước, đúng là đã có phần thu hút được đông đảo sĩ phu Bắc Hà ra hưởng ứng. Vậy nhưng, càng về sau, họ càng nhận ra rằng nhà Lê đã không còn nữa, và quân Thanh đã tỏ rõ bộ mặt thực là kẻ xâm lược, khiến người dân và sĩ phu quay sang ủng hộ Tây Sơn. Lịch sử đã chứng minh cho thành công của nước đi này với chiến thắng vang dội Ngọc Hồi – Đống Đa, đi vào sử sách.

Nếu nhìn lại, có thể thấy cách làm của Việt Nam trong việc dẹp các vụ bạo loạn cũng tương tự như nước cờ Tam Điệp của quân Tây Sơn khi xưa. Trong sự kiện biểu tình năm 2018, liên tiếp trong hai ngày 10 – 11/6, cảnh sát có đứng chịu trận thật mà không phản ứng mạnh ngay. Có thể nói rằng đó là một nước cờ có tính chất then chốt trong việc xử lý vụ việc.

Thứ nhất, từ trước tới nay, những kẻ xấu khi biểu tình thường suy diễn là cảnh sát “hèn với giặc, ác với dân”. Mỗi khi đi biểu tình, người ta cũng thường nhăm nhe để chộp lấy những cảnh giằng co, lôi kéo giữa người biểu tình với công an để làm bằng chứng chứng minh là những người công an đàn áp biểu tình.

Thế nhưng, bằng hành động nhẫn nhịn trong ngày 10 – 11/6, Công an Việt Nam đã chứng minh cho cả nước thấy rằng họ không hề ác với dân. Họ thấy rõ do bị kích động và thiếu hiểu biết đã khiến cho một số kẻ quá khích say máu, dần dần tự chuyển hóa mình từ dân thành giặc. Sự chuyển hóa thể hiện ở chỗ đốt phá trụ sở Ủy ban, đến việc dùng đá lớn ném thẳng vào một chiến sĩ công an khiến chiến sĩ này bị thương nặng. Chúng đốt phá xe cộ trong trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy và tấn công vào trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng.

Vậy là cùng với quá trình những kẻ quá khích tự bộc lộ mình ra thành những tên giặc, lực lượng chức năng cũng nhanh chóng mạnh tay dần lên để chứng minh nốt rằng họ không hề hèn với giặc. Nói vắn tắt có nghĩa là chừng nào các anh chị còn là người dân thì chúng tôi sẽ kiềm chế, nhưng khi các anh chị đã dần lộ rõ hành vi giặc cướp thì sẽ bị đấu tranh không khoan nhượng.

Thứ hai, sự nhẫn nhịn chịu trận của Công an đã làm thức tỉnh rất nhiều tầng lớp nhân dân để cái gọi là biểu tình ôn hòa, với những hình ảnh được livestream từ điện thoại của những người dân địa phương, nhân dân cả nước đã nhanh chóng nhận ra rằng đây là những hành động phá hoại và độc ác, chứ không phải ôn hòa.

Mặt khác, sự nhẫn nhịn đó cũng kích thích sự giận dữ của nhiều người dân đối với những hoạt động phá hoại an ninh trật tự, từ đó phần lớn người dân chuyển sang ủng hộ lực lượng công an. Thế mới nói có chuyện cư dân mạng vui mừng khi xem cảnh sát cơ động trấn áp những phần tử quá khích.

Thứ ba, sự nhẫn nhịn của những lực lượng chức năng trong những ngày đầu đã kích thích thêm sự ảo tưởng của các tổ chức ngầm, chỉ đạo biểu tình khiến họ nghĩ rằng có thể đẩy căng thẳng lên cao thêm. Trên cơ sở ảo tưởng đó, nhiều phần tử bị kích thích nên đã bộc lộ mình rõ hơn trước cả con mắt của an ninh lẫn trước ống kính livestream của người dân.

Khi những kẻ này bị lộ diện, chỉ ngay ngày hôm sau thôi, những phần tử này đã bị tóm ngay lập tức hoặc là phải ra đầu thú. Ngay cả những kẻ ngồi sau bàn phím kích động tưởng an toàn cũng đã bị sờ gáy, thậm chí là cả một kẻ ngoại bang Will Nguyễn (một người sinh năm 1985, mang quốc tịch Mỹ, hiện đang là du học sinh tại Singapore).

Như vậy, cách đây 235 năm, hổ tướng Phan Văn Lân chỉ vì một phút không thể nhẫn nhịn mà nướng mất đội quân tiên phong 1000 người. Còn trong sự việc ở Bình Thuận năm 2018, đâu phải là các lực lượng chức năng không đủ sức dẹp loạn đâu. Bằng chứng là họ chỉ mất đúng một ngày là xong.

Tuy nhiên, nếu mạnh tay ngay từ đầu thì sẽ rất khó nói trước được sự lu loa của những kẻ nhặt lá đá ống bơ bên kia bán cầu, được nhiều tờ báo phương Tây trợ uy. Cũng có thể ngay ở trong nước, cũng sẽ có nhiều tầng lớp người dân vì chưa hiểu rõ vấn đề đặc khu kinh tế là gì, dễ dàng cho rằng nhà nước đang đàn áp để bịt miệng người dân.

Tổng kết lại, bằng việc nhẫn nhịn, Việt Nam đã làm rõ trắng đen, ai là giặc, ai là dân, mọi việc trở nên hai năm rõ mười không thể chối cãi. Đồng thời, làm như vậy cũng đặt những kẻ giật dây vào thế khó, vì nếu cứ ẩn nấp thì sẽ không đạt được mục đích là gây bạo loạn mà buộc phải lộ diện, từ đó rơi vào tầm ngắm của lực lượng chức năng.

Ngay sau đó, những kẻ đứng đằng sau giật dây cũng đã bị sờ gáy. Khi được các phóng viên hỏi về vấn đề Will Nguyễn, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng rằng, “Anh đến đâu thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó”. Họ cũng chẳng có chứng cứ hay căn cứ gì để đòi nhà nước Việt Nam phải thế này và thế kia nữa. Từ đó, chính nghĩa hoàn toàn thuộc về lực lượng an ninh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới