Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Hun Manet lo sợ cách mạng màu?

Vì sao Hun Manet lo sợ cách mạng màu?

Sau khi làn sóng biểu tình bạo động dẫn đến việc lật đổ chính phủ của Thủ tướng ở Bangladesh, nước láng giềng Campuchia đang trải qua thời kỳ căng thẳng nhất kể từ khi Thủ tướng Hun Manet lên cầm quyền. Nguyên nhân được cho là liên quan đến cụm từ “cách mạng màu” đang rất phổ biến trong thế giới ngày nay. Tại Campuchia, cách mạng màu cũng liên tục được nhắc đến. Vậy cách mạng màu tại Campuchia nguy hiểm như thế nào? Ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?

Cách mạng màu (Color revolution)

Cách mạng màu là thuật ngữ để chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập.

Cách mạng màu thường có nhiều tên gọi khác nhau như Cách mạng Nhung, Cách mạng Cam, Cách mạng Hoa hồng, Cách mạng Tuylip, Cách mạng hạt dẻ…Trong lịch sử, có rất nhiều cuộc cách mạng màu như Cách mạng Vàng ở Philippines từ năm 1983, Cách mạng Đường phố ở Nam Tư năm 2000, Cách mạng Cam ở Ukraina năm 2004 và 2014, Cách mạng cây Tuyết tùng ở Libăng năm 2005, Cách mạng Xanh ở Iran năm 2009, Cách mạng Hoa sen ở Ai Cập từ năm 2011, và Cách mạng Ô dù ở Hồng Kông năm 2014.

Những diễn biến chính trị tại Bangladesh, Myanmar, Venezuela cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực bên ngoài vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại.

Tại Campuchia, ngày 15/8, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã cáo buộc phe đối lập ở nước ngoài âm mưu lật đổ chính phủ bằng cách kêu gọi người dân tập trung biểu tình tại thủ đô Phnom Penh. Mục tiêu gần nhất của các cuộc biểu tình là phản đối khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Xa hơn nữa, họ có ý định lật đổ chính phủ hiện tại của Campuchia.

Thủ tướng Campuchia thừa nhận các phe đối lập thường lợi dụng tình hình để kích động người dân biểu tình gây bạo loạn và tiến hành cách mạng màu nhằm lật đổ chính phủ. Không chỉ ở Campuchia, một số người Campuchia ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cũng đã biểu tình yêu cầu chính phủ Hun Manet rút khỏi khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.

Nguyên nhân cách mạng màu tại Campuchia

Theo các chuyên gia, cách mạng màu Campuchia liên quan đến khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, trong đó có Việt Nam. Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam là khu vực biên giới giữa 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam, bao gồm 13 tỉnh có liên quan đến khu vực biên giới chung, cụ thể các tỉnh này bao gồm: Mondulkiri, Stung Treng và Rattanakiri của Campuchia; Salavan, Champasak và Attapeu của Lào; Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước của Việt Nam. Tổng diện tích khu vực này là hơn 14.400 km².

Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam đã biến từ một vùng đất hẻo lánh thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư kể từ khi sáng kiến này bắt đầu vào năm 1999, nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.

Tổng giá trị đầu tư trong khu vực đã vượt 10 tỷ USD. Riêng Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp nhiều vào khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam với 120 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào và Campuchia về nông nghiệp, hạ tầng giao thông và năng lượng. Tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4 tỷ USD.

Chính phủ ba nước đã tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông với hơn 2.000 km đường bộ được xây mới hoặc nâng cấp tính đến năm 2023. Tổng vốn đầu tư lên tới hơn 3 tỷ USD. Điều này giúp kết nối các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển tốt hơn, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy giao thương. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt khoảng 9 tỷ USD trong năm 2023.

Dù tổng đầu tư trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam đã vượt 10 tỷ USD, sự phân bổ đầu tư không đồng đều giữa các tỉnh vẫn tồn tại, khiến một số khu vực vẫn còn khó khăn. Các thế lực đối lập chính phủ Campuchia thường dùng việc này để cáo buộc rằng khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam là cách để Việt Nam và các nước láng giềng kiểm soát kinh tế và chính trị của Campuchia.

Đó là một luận điệu hoàn toàn sai lệch. Tóm lại, khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam không chỉ là nơi hợp tác kinh tế mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và phát triển bền vững giữa ba quốc gia. Với hàng tỷ đô la Mỹ đầu tư, khu vực này đang dần trở thành một điểm sáng trong bản đồ kinh tế Đông Nam Á, nơi mỗi tấc đất đều có tiềm năng lớn cho những ai biết khai thác. Bên cạnh đó, nhiều người Campuchia đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về lịch sử Campuchia để bóp méo các sự kiện từ thập niên 70 và 80, từ đó kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sử dụng những thông tin sai lệch này để chống đối chính phủ Campuchia cũng như Việt Nam.

Mặc dù bằng chứng về tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ rất rõ ràng và bị cả thế giới lên án, chính phủ Hoàng gia Campuchia hàng năm vẫn cảm ơn Việt Nam vì sự giúp đỡ, nhưng tình hình vẫn phức tạp. Luận điệu lo sợ mất chủ quyền lãnh thổ nếu tham gia khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, đây là điều vô lý, bịa đặt và hoàn toàn không có cơ sở. Việt Nam luôn mong muốn sống hòa bình và phát triển cùng các nước láng giềng.

Về nguy cơ xung đột tại Campuchia thời gian qua, may mắn thay, khác với tình hình ở Bangladesh, quân đội Campuchia vẫn kiểm soát được an ninh và ủng hộ chính phủ Hun Manet. Đồng thời, chính phủ và các cơ quan quân đội Campuchia đã công khai ủng hộ khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và lên án các nhóm phản động.

Bộ Nội vụ Campuchia đã chỉ đạo thắt chặt an ninh từng ngày và hạn chế di chuyển đến Phnom Penh và các tỉnh lân cận. Do đó, tình hình an ninh nội bộ Campuchia hiện đang rất phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Phe đối lập tại Campuchia là ai?

Vương quốc Campuchia hiện là một nước quân chủ lập hiến theo hình thức quân chủ tuyển cử. Trên thực tế, Quốc vương không điều hành đất nước. Hiện tại, quyền lực chính trị nằm trong tay Thủ tướng. Thủ tướng Campuchia hiện nay là ông Hun Manet, người đã nhậm chức vào tháng 8/2023. Ông Hun Manet kế nhiệm cha mình, ông Hun Sen, người đã giữ chức Thủ tướng trong gần 40 năm. Trước đó, ông Hun Sen đã là Thủ tướng từ năm 1985 – 2023, giữ chức vụ này trong một thời gian dài kỷ lục. Khi bắt đầu cầm quyền, ông mới 32 tuổi, trở thành một trong những Thủ tướng trẻ nhất lúc bấy giờ. Trước khi trở thành Thủ tướng, ông đã tham gia quân đội và hoạt động chính trị từ rất sớm.

Năm 1977, khi mới 25 tuổi, ông đã rời khỏi Khmer Đỏ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ Việt Nam. Chỉ sau 8 năm, từ một lãnh đạo trẻ tuổi, ông đã trở thành người đứng đầu chính phủ Campuchia. Trong suốt thời gian tại vị, ông Hun Sen đã duy trì quyền lực bằng cách kiểm soát chặt chẽ các đối thủ chính trị và truyền thông.

Ví dụ, vào năm 2017, ông đã thúc đẩy việc giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia, đối thủ lớn nhất của Đảng do Hun Sen cầm quyền là Đảng Nhân dân Campuchia. Từ đó, Đảng Nhân dân Campuchia đã giành được quyền kiểm soát với tỉ lệ lớn các ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2018. Từ đó trở đi, các cuộc bầu cử tại Campuchia đều dành rất ít cơ hội cho phe đối lập.

Khi ông Hun Sen nhường ghế cho, con trai là Hun Manet, những người đứng sau cái gọi là “cách mạng màu” ở Campuchia chủ yếu là những đối thủ của gia đình ông Hun Sen, bao gồm các thành viên chủ chốt của Đảng Cứu Quốc Campuchia. Đảng này có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức và quốc gia phương Tây, họ kêu gọi sự can thiệp quốc tế để gây áp lực lên chính phủ của ông Hun Sen.

Dù Đảng Cứu Quốc Campuchia đã bị giải tán, các cựu thành viên và lãnh đạo của Đảng này vẫn tiếp tục hoạt động chính trị từ nước ngoài và kêu gọi sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế. Trong thời gian hoạt động, Đảng Cứu Quốc Campuchia đã có quan điểm phức tạp và nhạy cảm liên quan đến Việt Nam. Một số lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Sam Rainsy, đã đưa ra những phát ngôn và chính sách gây tranh cãi với Việt Nam.

Đảng Cứu Quốc Campuchia cũng có những quan điểm cứng rắn với cộng đồng người Việt sống ở Campuchia, thường kêu gọi kiểm soát chặt chẽ người Việt nhập cư. Đôi khi, họ cũng sử dụng vấn đề này để thu hút sự ủng hộ trong nước, dẫn đến cáo buộc rằng Đảng này sử dụng chủ nghĩa dân tộc và chống Việt Nam để đạt được lợi ích chính trị.

Mối quan hệ của Campuchia và các nước lân cận

Vị trí địa lý của Campuchia nằm giữa hai nước láng giềng quan trọng là Thái Lan và Việt Nam, có biên giới ngắn với Lào. Vị trí này ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị, kinh tế, và an ninh của quốc gia. Bên cạnh đó, Campuchia lại “hết lòng hết dạ” hợp tác với Trung Quốc về cả ngoại giao quốc phòng, thương mại và đầu tư.

Quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan trong lịch sử khá phức tạp. Nhiều cuộc xung đột biên giới kéo dài xung quanh ngôi đền Preah Vihear. Mặc dù cũng có nhiều cuộc tranh chấp trong lịch sử, sự gần gũi về địa lý này cũng đã tạo điều kiện cho thương mại và du lịch giữa hai nước. Ngày 7/2, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược, mở ra chương mới cho hợp tác chặt chẽ hơn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh, thương mại, duy trì hòa bình và ổn định, đặc biệt là ở khu vực dọc biên giới chung, và nâng cao hợp tác trong khai thác các nguồn hydrocacbon ở vùng chồng lấn chủ quyền.

Đối với Việt Nam, cả hai nước có nhiều điểm tương đồng, luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam và Campuchia đều thuộc vùng hạ lưu sông Mê Kông, đều có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á.

Sự gần gũi địa lý đã tạo nên một lịch sử dài hai nước đã cùng nhau hỗ trợ để vượt qua nhiều giai đoạn căng thẳng, bao gồm việc Việt Nam từng đưa quân tình nguyện giúp Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào năm 1979. Mặc dù quan hệ giữa hai nước thường xuyên được chú ý củng cố, nhưng phe thù địch và một số đảng phái chính trị tại Campuchia vẫn thường lợi dụng các vấn đề biên giới và di cư là chủ đề chống Việt Nam để thu hút cử tri.

Thời gian qua, Campuchia đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng và nhận được sự ủng hộ từ các cường quốc bên ngoài khu vực, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào Campuchia, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Đầu năm 2014, tổng nợ công của Campuchia là 11,09 tỷ USD, trong đó hơn 50% là vay vốn từ Trung Quốc. Việc phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn Trung Quốc đồng nghĩa với việc Campuchia phải chịu rủi ro tập trung cũng như nguy cơ mắc bẫy nợ, có thể cho phép Bắc Kinh gây áp lực buộc Campuchia phải cho thuê các cơ sở chiến lược, chẳng hạn như các cảng nước sâu Sihanoukville và cảng Ream. Vị trí này là một viên ngọc trai quý giá trong “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, nằm ở trung tâm lục địa Đông Nam Á. Nó tạo cơ sở cho Trung Quốc triển khai sức mạnh biển trong khu vực Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca, nhằm đối trọng với Hoa Kỳ và các nước khác.

Các khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc cũng đổ vào sòng bạc và bất động sản, nơi lợi ích chủ yếu nhảy vào túi một vài tầng lớp có đặc quyền trong xã hội Campuchia. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Campuchia, khiến nước này thường đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là trong ASEAN.

Do lịch sử tranh chấp và căng thẳng với các nước láng giềng, chủ nghĩa dân tộc thường được khai thác trong chính trị Campuchia. Các đảng phái chính trị có thể sử dụng vấn đề biên giới và quan hệ với các nước trong khu vực để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Điều này là nguyên cớ dẫn đến căng thẳng trong nội bộ đất nước và là mầm mống của các cuộc cách mạng màu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới