Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNgười ngoài “đâm bị thóc”, ai hậm hực?

Người ngoài “đâm bị thóc”, ai hậm hực?

Ngày 21/9 mới đây, tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc gặp khi cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, tại thành phố Wilmington, bang Delaware (Mỹ).

Ông Fumio Kishida và ông Joe Biden gặp nhau tại Wilmington hôm 21/9

Ngoại giao vẫn vậy: nhân cùng tham dự một sự kiện nào đó, họ có các cuộc gặp gọi là “bên lề”, nói cách khác là kết hợp. Tiếng là bên lề/kết hợp, nhưng các cuộc gặp chẳng hề ngẫu nhiên. Ngược lại, cũng như các sự kiện ngoại giao khác, trước đó, cánh thuộc hạ hai bên đã phải làm công tác tổ chức, nhiều khi tới mướt mồ hôi, để đạt được cái gật đầu của hai nhà lãnh đạo.

Trở lại cuộc gặp trên: nếu như ông Biden và ông Kishida gặp, trao đổi về các vấn đề liên quan nội bội thì chẳng nói làm gì. Đằng này, họ lại trao đổi về mối quan hệ với Trung Quốc và những lo ngại chung về tình hình Biển Đông.

Thời điểm này, nhắc tới Biển Đông thì sao không nhắc tới Bắc Kinh kia chứ. Thế nên, suy cho cùng, như một số nhà quan sát đánh giá: chủ đề chính mà hai quốc gia đồng minh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, hồi tháng 4 năm nay đã ra tuyên bố chung với các tên rất kêu: “đối tác toàn cầu cho tương lai”, chỉ một câu chuyện Trung Quốc mà thôi.

Ăn ở kiểu gì mà đến nỗi thành đối tượng để người khác mang ra bàn thảo? Với tâm trạng đó, chắc chắn, Bắc Kinh chẳng thể nào thanh thản, vô tư, ngược lại, chỉ là khó chịu và ưu tư mà thôi.

Trước hết, liên quan đến Nhật Bản. Bang giao Trung Quốc và quốc gia láng giềng này từng căng thẳng thời gian dài. Nguyên nhân cơ bản là vấn đề lịch sử và tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Về lịch sử: điểm tối nhất là vụ thảm sát Nam Kinh khi thành phố này bị quân đội Thiên hoàng Nhật chiếm đóng năm 1937. Con số thường dân hàng trăm nghìn người bị tàn sát Trung Quốc đưa ra, trong khi đó, Tokyo ra sức phủ nhận đã khiến quan hệ song phương gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi cả hai bên tiến hành các nghiên cứu chung và tìm được một số tiếng nói đồng thuận, câu chuyện mới có chiều dịu xuống.

Tuy nhiên, vấn đề Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, thì khác, khó bội phần, nhất là từ năm 2012, khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo này. Vị trí chiến lược cùng những dự đoán khả quan về tiềm năng dầu khí trong khu vực đã khiến hai bên liên tục có những động thái căng thẳng với nhau, kể cả khẩu chiến ngoại giao, lẫn trên thực địa bằng máy bay, tàu chiến. Từng có thời gian, Trung Quốc liên tục cho máy bay vè vè trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật khốn khốn tới mức …hết máy bay để bám đuổi nhằm thực hiện và khẳng định chủ quyền…

Tới năm 2020, bang giao Trung – Nhật có chuyển biến mới. Động cơ cho sự cải thiện quan hệ này xuất phát từ vấn đề kinh tế. Cả hai đều thấy sẽ thất thiệt to lớn nếu thiếu sự hợp tác kinh tế. Chuyến thăm Trung Quốc tháng 5/2020 của Thủ tướng Nhật Bản Abe kéo theo đoàn hùng hậu tới 500 doanh nghiệp, tạo nên sự “sôi động về kinh tế” là nhận định của giới phân tích. Có tới 50 thỏa thuận kinh tế với tổng trị giá khoảng 18 tỉ USD được ký kết ngay trong sự kiện ngoại giao này…

Trong lúc cả hai bên đang hưng phấn với tác động của thay đổi tư duy và tầm nhìn bang giao, nhất trí trở thành đối tác và sẽ không gây bất cứ mối đe dọa nào với nhau; thậm chí, còn nghĩ tới sự bắt đầu của kỷ nguyên mới trong bang giao giữa hai nước, thì nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung lên đỉnh điểm.

Về mặt lý thuyết, không có gì thay đổi quan hệ Trung – Nhật. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng biết, là một đồng minh của Mỹ, Nhật Bản khó đứng ngoài cuộc những gì mà Washington phát ra nhằm vào Bắc Kinh, nhất là một khi Nhà Trắng không muốn Tokyo hợp tác thương mại với “nền kinh tế phi thị trường” (?) như Trung Quốc. Gần đây, khi câu chuyện bán dẫn và chíp nóng lên dữ dội, Mỹ còn muốn Nhật cũng như các đồng minh khác hạn chế xuất khẩu các thiết bị liên quan nhằm ngăn Trung Quốc bắt kịp những gì mà Nhật và phương Tây đã đạt được…

Vậy là, những cú “đu dây” phải được Tokyo tính đến. Nhưng một đằng không muốn mất mối làm ăn với thị trường khổng lồ 1,4 tỷ người có ý nghĩa lớn đối với tăng trưởng kinh tế, một đằng không muốn mếch lòng ông bạn lớn Mỹ – nước ký với Nhật Hiệp ước an ninh từ năm 1951, câu chuyện trở nên quá khó khăn cho những cái đầu xứ Phù Tang.

Mà đâu phải chỉ chịu sự giám sát của Mỹ, đấy cũng là lúc Bắc Kinh nhìn vào để đánh giá xem những lời hứa hẹn của Tokyo với mình về việc tăng cường quan hệ sẽ như thế nào…

Tính toán kiểu gì, thì lợi ích kinh tế, và cả an ninh với Trung Quốc vẫn là một trong những điều cơ bản. Chính vì vậy, trong Sách Xanh Ngoại giao năm 2024 được công bố hồi trung tuần tháng 4 năm nay, Nhật Bản cam kết theo đuổi “quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chung” với Trung Quốc ngay cả khi 2 nước vẫn còn bất đồng về nhiều vấn đề, khiến Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm.

Tháng 4 tới tháng 9 tròn 5 tháng. 5 tháng có là bao xa, vậy mà nay, ông Fumio Kishida lại nồng nàn nắm tay ông Joe Biden tại thành phố Wilmington.

Rất có thể trong con mắt đa nghi của Bắc Kinh, cái gọi là “bên lề” kia chỉ là cách hai gã đồng minh phòng Trung Nam Hải soi mói. Còn thì thực chất, họ đã thì thào với nhau những gì về Trung Quốc; ông Biden đã làm cái việc ví như “đâm bị thóc…” thế nào về câu chuyện Biển Đông? Chưa thể tường tận, nhưng khả nghi lắm!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới