Wednesday, December 18, 2024
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnTQ liệu có đang thử thách những cam kết của Mỹ ở...

TQ liệu có đang thử thách những cam kết của Mỹ ở Biển Đông?

Khi mà căng thẳng ở khu vực Bãi Cỏ Mây vừa tạm thời lắng xuống khi Trung Quốc và Philippines đạt được một “thoả thuận tạm thời” hôm 21/7/2024 thì trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua lại liên tiếp xảy ra 3 vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu công vụ Philippines ở khu vực Bãi cạn Sa Bin, cũng trong 8 tháng còn xảy ra 3 vụ va chạm giữa máy bay Trung Quốc và Philippines.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho tàu xâm nhập vùng biển của Nhật Bản và máy bay quân sự xâm phạm vùng trời của Nhật Bản, mặt khác Trung Quốc tiếp tục tiến hành tập trận và cho máy bay uy hiếp xung quanh Đài Loan. Đáng chú ý là những hành động hung hăng của Bắc Kinh diễn ra giữa lúc Washington đang chuẩn bị bầu cử.

Nếu như hôm 25/8 và 31/8 các tàu hải cảnh Trung Quốc và Philippines đã liên tiếp đâm vào tàu của Philippines gần Bãi cạn Sa Bin nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng rạn san hô chìm một phần này (cách đảo Hải Nam tới trên 1.000 km) là một phần lãnh thổ của họ. Các video do cả đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV và lực lượng cảnh sát biển Philippines công bố đều cho thấy một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào tàu Philippines.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một máy bay quân sự Trung Quốc đã vi phạm không phận của nước này lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 8 và một tàu khảo sát của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng biển lãnh thổ phía tây nam của Nhật Bản vào ngày 31/8. Tokyo đã chính thức gửi công hàm phản đối tới Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, mô tả loạt xâm phạm này là “không thể chấp nhận được”, nhưng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 2/9/2024 rằng hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc là “hoàn toàn hợp pháp và chính đáng”.

Ngoài các khu vực gần Philippines và Nhật Bản, Trung Quốc đã triển khai ít nhất 172 máy bay quân sự và 87 tàu hải quân đến các khu vực xung quanh Đài Loan kể từ ngày 26/8. Một số nhà quan sát cho rằng các hoạt động hung hăng của Bắc Kinh ở 3 địa điểm này có sự phối kết hợp với nhau nhằm biểu dương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, sẵn sàng triển khai cùng lúc các hoạt động quân sự ở nhiều khu vực với mục tiêu “trừng phạt những kẻ thù lớn tiếng nhất” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Giới phân tích nhận định các hoạt động hung hăng trên biển và trên không của Trung Quốc đối với Philippines, Nhật Bản, Đài Loan thời gian gần đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đánh giá cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ các đồng minh ở khu vực và Biển Đông. Ông Stephen Nagy, chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc Quốc tế ở Nhật Bản cho rằng: “Trung Quốc nhìn thấy cơ hội để thử thách cam kết của Mỹ đối với khu vực rộng lớn hơn. Vì vậy, Bắc Kinh đang gửi tín hiệu tới Washington rằng nếu họ (Mỹ) cố gắng đầu tư nhiều hơn vào Philippines và các mối quan hệ khác ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ cố gắng làm phức tạp cấu trúc an ninh của họ và khả năng quản lý nhiều vấn đề cùng một lúc”.

Ông Ray Powell, Giám đốc Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford nhận định: “Có vẻ như Trung Quốc tin rằng họ có một lượng sức mạnh áp đảo và sự thống trị leo thang nhất định, vì vậy họ đang cố gắng lấy một số quốc gia từ chối chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc ở nước ngoài gần họ làm ví dụ”.

Mỹ và các đồng minh của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Úc và Liên hiệp Châu Âu, đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố lên án hành vi hung hăng trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hành vi xâm lược dai dẳng của Bắc Kinh ở Biển Đông cho thấy những lên án và cảnh báo này là không đủ để buộc Trung Quốc phải mềm mỏng hơn. Ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nhấn mạnh: “Trong năm qua, Trung Quốc đã phớt lờ mọi cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh và tiếp tục làm những gì họ đã làm ở Biển Đông”.

Giới chuyên gia cho rằng Mỹ và các đồng minh cần triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để chống lại hành động xâm lược hàng hải dai dẳng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, những biện pháp này bao gồm tiến hành nhiều chuyến đi qua vùng biển khu vực hơn, tăng cường sự hiện diện của các tàu hải quân trong khu vực và khởi xướng tham vấn về hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.

Chuyên gia Stephen Nagy cho rằng: “Nhiều quốc gia cần tiến hành các chuyến đi quốc tế qua Eo biển Đài Loan và Biển Đông, điều chỉnh sự hiện diện của các tàu hải quân của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tăng tần suất huấn luyện chung giữa các nước Đông Nam Á và các đồng minh khác, và cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc”.

Nhằm đáp trả phép thử và những thách thức của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong khu vực, gần đây Washington đã tái khẳng định thiện chí sẵn sàng hỗ trợ các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines tới các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời triển khai các phi đạn không đối không tầm cực xa tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có việc đưa hệ thống tên lửa Typhon tới đảo Luzon vào tháng 4/2024 để tham gia cuộc tập trận trên biển với Philippines. Các chuyên gia cho rằng đây là những tính toán rất cụ thể của Lầu Năm Góc nhằm thể xóa bỏ lợi thế về tầm bắn trên không của Trung Quốc.

Trên thực tế, năm 2024 Mỹ đã nhiều lần cùng các đồng minh như Nhật Bản, Úc, Canada tiến hành tuần tra và diễn tập quân sự cùng với Philippines ở Biển Đông. Mặt khác, trong 2023 Mỹ đã nhiều lần điều tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan. Kể từ đầu năm 2024, các tàu hải quân Mỹ đã thực hiện ít nhất bốn lần đi qua vùng biển quốc tế ở Eo biển Đài Loan, vùng biển rộng 180 km nằm giữa Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Các tàu hải quân từ Canada và Hà Lan cũng đã cùng với tàu Mỹ đi qua eo biển này trong năm nay. Mới đây nhất, ngày 13/9/2024 hai tàu chiến Đức (gồm khinh hạm Baden-Württemberg và tàu tiếp tế Frankfurt am Main) đi qua eo biển Đài Loan, bất chấp cảnh cáo của Trung Quốc. Hai tàu chiến Đức đi qua eo biển Đài Loan trên hành trình từ cảng Incheon ở Hàn Quốc đến thủ đô Manila của Philippines. Như vậy, Mỹ không chỉ đơn phương can dự sâu vào Biển Đông mà còn vận động các đồng minh cùng tham gia vào mặt trận ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực.

Trong khi Trung Quốc đang cố gắng thử thách quyết tâm của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và gia tăng các hoạt động quân sự ở Tây Thái Bình Dương, một số nhà phân tích đặt câu hỏi không rõ Bắc Kinh có thể duy trì cường độ hoạt động hàng hải của mình trong bao lâu? Và Bắc Kinh cần phải nhận thức rằng các hành vi hung hăng, bắt nạt các nước láng giềng chỉ đẩy ra xa Trung Quốc và tìm kiếm sự hợp tác từ bên ngoài và chỉ có lợi cho Mỹ.

Ông Ian Chong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định mặc dù Trung Quốc “vẫn có thể chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng và thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, nhưng họ có thể làm được bao nhiêu trong tương lai vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải khi nền kinh tế của họ trưởng thành và nhân khẩu học của họ gây sức ép nhiều hơn đến tăng trưởng”.

Một cuộc nghiên cứu được lực lượng vũ trang Đài Loan thực hiện đã đưa đã báo cáo ước tính rằng Trung Quốc đã chi khoảng 15,3 tỷ đô la, tương đương 7% ngân sách quốc phòng, cho cho các hoạt động quân sự ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía bắc và Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Với việc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào những tuần cuối cùng, ông Powell tại Stanford dự báo Trung Quốc sẽ duy trì mức độ hung hăng trên biển tương tự ở Biển Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những tháng tới.

Nhằm kêu gọi Mỹ và các đồng minh can dự sâu hơn vào Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr. gần đây nhấn mạnh vai trò của Biển Đông đối với thế giới, đồng thời cảnh báo đây “không còn là vấn đề khu vực nữa” khi nhấn mạnh: “Biển Đông là tuyến đường phục vụ một nửa khối lượng thương mại của thế giới và do đó hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông là một vấn đề toàn cầu”; Mặt khác cảnh báo về những hệ lụy nghiêm trọng nếu bất kỳ công dân Philippines nào thiệt mạng trong những cuộc đối đầu mà Trung Quốc gây ra.

Giới quan sát nhận xét mỗi khi Philippines có bất kỳ phản ứng nào, Trung Quốc lại tăng cường độ gây hấn. Bắc Kinh thương dùng số lượng tàu áp đảo để uy hiếp, gây sức ép đối với Manila. Khi Philippines bổ sung thêm 01 tàu cảnh sát biển, Trung Quốc sẽ tăng thêm 3-4 tàu hải cảnh.

Ông Dean Karalekas, tác giả cuốn sách “Quan hệ dân sự – quân sự ở Đài Loan: Bản chất và sự biến đổi”, nhận định gia tăng các hành động hung hăng, gây hấn cả về cường độ lẫn mức độ hay phạm vi thực hiện có thể là cách Trung Quốc thử thách “lằn ranh đỏ” của Mỹ. Ông Dean Karalekas cho rằng: “Trung Quốc muốn biết liệu Mỹ có sẵn lòng tham gia vào một cuộc xung đột trên Biển Đông hay không”, và căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh hiện tại rõ ràng là một phép thử tốt. Karalekas lưu ý Trung Quốc cũng có thể “đánh giá thời gian phản ứng của Mỹ, quan sát chiến thuật của Mỹ và thu được kinh nghiệm vô giá khi chiến đấu với hải quân Mỹ, trong một cuộc xung đột ít rủi ro mà họ hoàn toàn có khả năng dễ dàng rút lui mà không bị mất mặt”.

Các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc đều có chung một nhận định rằng cách làm của giới cầm quyền ở Bắc Kinh là thường tranh thủ lúc chuyển giao quyền lực chính quyền ở các nước láng giềng, gia tăng các hành động hung hăng của mình để vừa gửi thông điệp cảnh cáo tới chính quyền mới, vừa thăm dò giới hạn phản ứng thực sự của chính quyền mới. Trong trường hợp với Mỹ, giới lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng thời điểm Washington đang tập trung cho cuộc bầu cử và phải quan tâm nhiều tới cuộc chiến ở Ukraine cũng như xung đột ở Trung Đông là cơ hội để Bắc Kinh gia tăng hoạt động hung hăng nhằm tạo ra tiền lệ, đồng thời thử thách cam kết của Mỹ đối với Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung.  Giới phân tích cho rằng Washington đã nhiều lần tuyên bố Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với vị thế siêu cường của Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nên việc Bắc Kinh thử thách các cam kết của Mỹ bằng những hành vi gây hấn dù là ở Biển Đông, biển Hoa Đông hay Eo biển Đài Loan chỉ khiến Mỹ có cớ để tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực, can dự sâu hơn vào các vấn đề an ninh khu vực. Mặt khác, hành vi hung hăng, hà hiếp các nước láng giềng của Trung Quốc chỉ khiến các nước này nhận thức rõ hơn về mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó có Mỹ bởi chỉ có sự hiện diện của Mỹ mới có thể là nhân tố để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Biển Đông được coi là tâm điểm cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở khu vực nên chắc chắn phép thử của Trung Quốc chỉ tạo thêm điều kiện để Mỹ can thiệp ngày càng sâu hơn vào Biển Đông. Philippines là một ví dụ rất điển hình về sự xích lại gần Mỹ để đối phó với sự hung hãn của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới