Hàng loạt địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam,… đã yêu cầu rà soát hoạt động đấu giá đất, tăng giá bất động sản trên địa bàn.
Mới đây, UBND TP Hà Nội yêu cầu các huyện lập danh sách trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, công khai trên trang thông tin của các huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường.
TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá đất, hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Hà Nội sẽ ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.
Ngày 23/9, UBND tỉnh Nghệ An cũng ban hành Văn bản số 8203 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Xây dựng rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Tỉnh này cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra các hoạt động đấu giá đất có hiện tượng tăng giá bất thường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Từ đó, các đơn vị có biện pháp ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi gây nhiễu loạn thị trường (nếu có).
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành Văn bản số 14201 tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn.
Tỉnh này yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua.
Từ đó, các đơn vị có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền.
Tỉnh Kon Tum cũng ban hành Công văn số 3480 tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo công văn, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần.
Đồng thời, tỉnh này yêu cầu các đơn vị quản lý thanh tra, kiểm tra, từ đó có biện pháp chấn chỉnh hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý vi phạm. Các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn.
UBND tỉnh Hà Nam cũng vừa ban hành Công văn 1949 tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Sở Xây dựng tỉnh này được giao phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới tại địa phương.
Từ đó, các đơn vị có phương án kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản gây nhiễu loạn thông tin thị trường để “thổi giá”, “tạo giá ảo”… Và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thao túng tâm lý, lôi kéo đầu tư theo tâm lý đám đông để trục lợi.
Bên cạnh đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực. Trong quá trình tổ chức đấu giá đất tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, thông đồng… ảnh hưởng đến người tham gia đấu giá.
Từ đó, Bộ này đề xuất nghiên cứu đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, môi giới có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ này cũng đề xuất tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới…
T.P