Wednesday, December 18, 2024
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnPhilippines thể hiện quyết tâm duy trì hiện diện ở bãi cạn...

Philippines thể hiện quyết tâm duy trì hiện diện ở bãi cạn Sa Bin

Ngày 15/09/2024, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin ở Biển Đông. Con tàu này đã thả neo tại đây trong suốt hơn 5 tháng kể từ tháng 4/2024 để xác quyết chủ quyền của Manila và ngăn Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát.

Tàu BRP Teresa Magbanua ở bãi cạn Sa Bin, điểm nóng mới nổi lên ở Biển Đông với 3 vụ va chạm liên tiếp giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ cuối tháng 8 vừa qua.

Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines ra thông báo nêu rõ: “Sau hơn 5 tháng ở biển, tàu BRP Teresa Magbanua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về cảng neo đậu. Nhiệm vụ đã hoàn thành”. Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải tổ chức hôm 11/9/2024. Tại cuộc gặp, Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu “rút ngay lập tức” con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Khi đó, Manila đã không công bố phản hồi về yêu cầu này.

Động thái rút tàu của Philippines vào thời điểm này gây hoài nghi trong giới chuyên gia về sự quyết tâm của Philippines duy trì sự hiện diện tại bãi cạn Sa Bin. So sánh tình hình tại bãi cạn Sa Bin với bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát năm 2012 sau nhiều tháng đối đầu, thậm chí có ý kiến lo ngại bãi cạn Sa Bin sẽ trở thành bãi cạn Scaborough thứ 2 ở Biển Đông lại bị Bắc Kinh khống chế, kiểm soát. Một vài nhà quan sát còn cho rằng có thể do chịu sức ép từ Bắc Kinh trong cuộc họp song phương hôm 11/9 mà Manila phải rút tàu BRP Teresa Magbanua.

Ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi cạn Sa Bin, ngày 15/09, Trung Quốc tái khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi đối với Xianbin Jiao (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Sa Bin) và các vùng biển lân cận” mặc dù Sa Bin nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km (hoàn toàn thuộc thềm lục địa của Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982) và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.200 km. Giới chuyên gia Trung Quốc hùa theo truyền thông của Bắc Kinh nhận định Philippines đã thất bại khi cho tàu rút khỏi bãi cạn Sa Bin. Trang “Thời báo Hoàn Cầu” của chính phủ Trung Quốc trích dẫn ý kiến một số chuyên gia Trung Quốc, cho rằng sự việc này «cho thấy Trung Quốc đã quản lý đúng tình hình, nhưng cần cảnh giác trước những hành động khiêu khích trong tương lai».

Tàu BRP Teresa Magbanua được neo ở bãi cạn Sa Bin từ tháng 04. Nhiều vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines đã xảy ra trong thời gian này. Đoạn video được Người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela công bố ngày 31/08 cho thấy tàu 5205 của hải cảnh Trung Quốc «đã cố tình trực tiếp đâm vào tàu Philippines» khiến tàu BRP Teresa Magbanua bị hỏng nhưng không có người bị thương. Đây mới chính là lý do tàu BRP Teresa Magbanua phải trở về cảng để tu sửa.

Trước những ý kiến hoài nghi của một số nhà quan sát và để dáp trả lại các ý kiến của Bắc Kinh, ngày 16/09/2024, chỉ một ngày sau thông báo rút tàu BRP Teresa Magbanua khỏi bãi cạn Sa Bin, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines khẳng định «chỉ tái bối trí con tàu» và sẽ tiếp tục «hiện diện» trong khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bất chấp các yêu sách và hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên, Chuẩn đô đốc Jay Tarriela nhấn mạnh «Chúng tôi không thất bại». Ông cũng khẳng định Manila «không từ bỏ gì» vì «bãi Escoda (tên Philippines gọi bãi cạn Sa Bin) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế» của Philippines. Chuẩn đô đốc Tarriela, cho biết mặc dù tàu tuần tra PCG Teresa Magbanua của Philippines, sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc làm hư hại, đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, nhưng Manila vẫn sẽ duy trì sự hiện diện ở vùng biển có tranh chấp và không quan tâm đến những đòi hỏi của Bắc Kinh.

Vẫn theo ông Jay Tarriela, dù tàu BRP Teresa Magbanua trở về cảng neo đậu nhưng “chúng tôi có những tàu tuần duyên khác, mà vào lúc chúng ta đang nói có thể đang đến hoặc đã tới bãi cạn Escoda». Ông không nêu chi tiết vì lý do an ninh nhưng khẳng định «Lực lượng Tuần duyên sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Trung Quốc không thể chiếm đóng và thậm chí đòi lại bãi cạn Escoda (Sa Bin)”. Ông Tarriela nhấn mạnh việc PCG Teresa Magbanua rút đi và trở về cảng không phải vì Philippines làm theo yêu cầu của Trung Quốc, mà là để sửa chữa con tàu và đáp ứng nhu cầu y tế của thủy thủ đoàn.

Những phát biểu cứng rắn của Lực lượng Tuần duyên Philippines nhận được sự hậu thuẫn từ Đức, khi lần đầu tiên sau hơn 20 năm, hôm 16/09 hai tàu chiến của Hải quân Đức đã cập cảng Manila trong chuyến thăm 3 ngày tới quốc gia Đông Nam Á này. Berlin cho biết hành động này nhằm tái khẳng định cam kết của Đức về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời minh chứng cho sự hợp tác quốc phòng ngày càng phát triển giữa Đức và Philippines. Trước đó, trong cuộc họp giữa phái đoàn quân sự Mỹ với Trung Quốc tại Bắc Kinh, sau khi tham dự Diễn đàn Hương Sơn, phía Mỹ đã phê phán mạnh mẽ những hành vi hung hăng của hải cảnh Trung Quốc nhằm vào tàu Philippines ở Biển Đông

Giới phân tích cho rằng việc Manila điều tàu tuần duyên mới tới bãi cạn Sa Bin thay thế cho tàu PCG Teresa Magbanua là lẽ đương nhiên bởi Trung Quốc vẫn duy trì một số lượng lớn các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển ở quanh khu vực bãi cạn Sa Bin. Trả lời báo giới hôm 17/09/2024, Người phát ngôn của Hải quân Philippines, Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, cho biết Trung Quốc duy trì tổng cộng 65 tàu tại khu vực bãi Sa Bin.

Theo số liệu của Hải quân Philippines, được báo chí nước này đưa tin hôm 17/9, số tàu thuyền của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp với Philippines ở Biển Đông (như đảo Thị Tứ, bãi cạn Scarbourgough, bãi cạn Ayungin, tức bãi Cỏ Mây…) trong tuần qua là 157, giảm khoảng một phần tư so với mức cao kỷ lục 207 tàu thuyền trong tuần lễ trước đó. Mặc dù tổng số tàu thuyền Trung Quốc (bao gồm tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển) giảm, nhưng số lượng tàu hải cảnh ngược lại tăng từ 18 lên 26 và tập trung tại ba khu vực, bãi cạn Sa Bin với 9 tàu, bãi Cỏ Mây 10 tàu và bãi cạn Scarbourgough, với 6 tàu.

Về bãi cạn Sa Bin, Người phát ngôn của Hải quân Philippines nhấn mạnh: bất chấp lực lượng đông đảo, phía Trung Quốc chưa thể kiểm soát được khu vực này, và các lực lượng Philippines vẫn đang tiếp tục thực thi phận sự, ngăn chặn ‘‘sự hiện diện bất hợp pháp’’ của Trung Quốc. Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, nói rõ là Manila ‘‘đã chuẩn bị và có các kế hoạch dự phòng’’, nếu Trung Quốc có hành động lấn lướt nhằm kiểm soát bãi cạn Sa Bin, như điều đã xảy ra với bãi cạn Scarbourgough hồi 2012. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Manila trong việc duy trì hiện diện ở bãi cạn Sa Bin trong thời gian tới.

Trang tin tức “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” hôm 17/09/2024, dẫn lời Sherwin Ona, Giáo sư chính trị học tại Đại học De ​​La Salle của Philippines cho biết Manila có thể chấp nhận đề nghị của Washington về việc yêu cầu lực lượng Mỹ hộ tống các đoàn tiếp tế của Philippines tiếp tế cho các tàu thuyền ở những khu vực “tiền đồn” tại Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng nếu điều này xảy ra, đồng nghĩa với việc Mỹ bị kéo trực tiếp tham gia vào tranh chấp Biển Đông và điều này chắc chắn là bất lợi cho Trung Quốc. Qua những diễn biến trên thực địa và phát biểu của cả Philippines lẫn Trung Quốc gần đây cho thấy cuộc găp song phương giữa quan chức Philippines và Trung Quốc hôm 11/9 đã không đạt được kết quả mong muốn do quan điểm lập trường của hai bên liên quan tới căng thẳng ở bãi cạn Sa Bin quá khác nhau. Sau cuộc họp, hai bên không đưa ra điểm chung nào có thể giúp giảm căng thẳng. Tình hình tại khu vực bãi cạn Sa Bin sẽ còn tiếp tục diến biến phức tạp trong những ngày tới. Không chỉ Philippines mà ngay cả Mỹ đã rút ra bài học từ vụ việc tại bãi cạn Scarborough cách đây 12 năm để cùng phối hợp ngăn chặn tham vọng kiểm soát bãi cạn Sa Bin của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới