Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiện"Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, dòng chảy kinh tế sẽ...

“Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ”

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt.

Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, Đất nước không thể thịnh vượng
Sáng 4/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với các đại diện 200 doanh nhân, đại diện doanh nghiệp tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Thủ tướng cho biết vừa qua, cơn bão Yagi đã tàn phá 26 tỉnh, thành từ phía Bắc trở ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

“Chúng tôi rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam – những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp.

“Cổ nhân có câu ‘Phi công bất phú, phi thương bất hoạt’ để nói lên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng”, Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại buổi gặp mặt này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các đại biểu đưa ra góp ý thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải làm, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt.

Phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

Theo ông Dũng, tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

“Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững.

“Để có thể tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, chúng ta phải chuẩn bị một tâm thế để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu”, Bộ trưởng nói.

Ông Dũng cũng kỳ vọng với sự quan tâm của Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường. Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới