Có lẽ Mỹ đã rất khó chịu khi để loại tên lửa hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ rơi vào tay Liên Xô một cách đơn giản và rẻ như vậy.
AIM-9 Sidewinder, được giới thiệu vào những năm 1950, là tên lửa tầm nhiệt đầu tiên trên thế giới và là một trong những tên lửa được triển khai nhiều nhất ở phương Tây. Nhờ Trung Quốc mà Liên Xô đã có được loại tên lửa này với chi phí rẻ bất ngờ.
Vào năm 1958, khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 2 nổ ra, Không quân Trung Quốc tham gia vào các cuộc không chiến dữ dội với Không quân Đài Loan.
Mặc dù có số lượng và sở hữu các phi công có kỹ năng tốt, nhưng các máy bay F-86 của Đài Loan vẫn không thể nào tiếp cận được các máy bay MiG-15 của Trung Quốc. Vì vậy phía Trung Quốc luôn chiếm được ưu thế trên không.
Chiến dịch Black Magic
Trước tình hình này, để tăng cường sức mạnh cho đồng minh, trong khuôn khổ một nhiệm vụ tuyệt mật mang tên “Chiến dịch Black Magic”, Mỹ đã cải tiến một số máy bay chiến đấu F-86 Sabre của Đài Loan để có thể mang tên lửa AIM-9B Sidewinder.
AIM-9 Sidewinder là loại tên lửa không đối không được trang bị cảm biến hồng ngoại, được biên chế cho hải quân và không quân Mỹ vào những năm 1950. Tại thời điểm này, AIM-9 Sidewinder vẫn đang là một loại vũ khí hoàn toàn mới và siêu bí mật của Mỹ.
Trong trận không chiến ngày 24/9/1958, các máy bay chiến đấu của Đài Loan được trang bị Sidewinder dù tác chiến ở khoảng cách xa và ở vị trí thấp hơn nhiều so với các máy bay MiG-15 của Trung Quốc, nhưng đã làm nên điều kỳ diệu khi bắn hạ 9 chiếc MiG-15 và làm hư hại 1 chiếc khác của không quân Trung Quốc, mà không bị một tổn thất nào.
Tuy nhiên, chiến thắng của Đài Loan cũng phải trả giá khá đắt cho Mỹ, khi một tên lửa Sidewinder đã bắn trúng một chiếc MiG-17 của Trung Quốc nhưng không phát nổ.
Chiếc MiG-17 của Trung Quốc vẫn bay được về căn cứ với quả tên lửa còn nguyên vẹn mắc trên thân. Các kỹ sư Trung Quốc sau đó đã tháo rời nó và nhanh chóng chuyển cho các chuyên gia Liên Xô nghiên cứu.
Theo như mô tả của các kỹ sư Liên Xô, tên lửa của Mỹ đã khiến họ rất ngỡ ngàng vì sự mới lạ, đơn giản và tính hiệu quả của nó. Kỹ sư Liên Xô Gennadiy Sokolovskiy cho biết: “Đối với chúng tôi, tên lửa Sidewinder là một trường đại học cung cấp khóa học về công nghệ chế tạo tên lửa, giúp nâng cao trình độ đào tạo kỹ thuật của chúng tôi và cập nhật phương pháp tiếp cận của chúng tôi đối với việc sản xuất tên lửa trong tương lai”.
Chỉ 2 năm sau khi được Trung Quốc chuyển quả tên lửa Sidewinder nguyên vẹn, các kỹ sư Liên Xô đã nhanh chóng sao chép cơ chế theo dõi hồng ngoại, cơ chế lái trong khi bay, cơ chế ổn định của tên lửa và cho ra đời dòng tên lửa không đối không tự dẫn đường Vympel K-13 (NATO định danh là AA-2 Atoll). Sau đó, Liên Xô sản xuất phiên bản R-3, trang bị cho các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw.
Vận may lại đến
Việc có được tên lửa AIM-9B Sidewinder chắc chắn là một món quà may mắn mà Liên Xô có được và họ đã tận dụng nó một cách triệt để. Nhưng những năm sau đó, thông qua các cuộc chiến trên không ở Trung Đông và Đông Nam Á, Liên Xô nhận thấy vũ khí của họ đã trở nên lỗi thời và nhanh chóng nghiên cứu mẫu tên lửa mới.
Trong khi các kỹ sư của Liên Xô vẫn đang loay hoay chưa tìm được ra mẫu tên lửa cải tiến phù hợp để có thể bắt kịp với sự phát triển của Mỹ thì một lần nữa vận may lại đến với họ.
Theo đó, vào đêm 22/10/1967, một điệp viên tình báo KGB của Liên Xô ở Tây Đức tên là Manfred Ramminger cùng với tài xế người Ba Lan Josef Linowski và phi công lái máy bay chiến đấu F-104 Starfighter người Đức Wolf-Diethard Knoppe, lợi dụng sương mù và sự bất cẩn của lính canh đã đột nhập vào căn cứ không quân Zell ở Neuburg thuộc Tây Đức rồi nhanh chóng chuyển một tên lửa AIM-9 đời mới lên xe cút kít, đẩy xe dọc theo đường băng đến chiếc Mercedes-Benz đang đỗ sẵn bên ngoài căn cứ.
Do tên lửa dài 2,9 m không vừa với ghế sau, nên Ramminger đã phải đập vỡ kính sau xe ô tô và phủ một lên tấm thảm. Để tránh bị cảnh sát chú ý, Ramminger đã buộc một mảnh vải đỏ lên phần lòi ra bên ngoài, theo đúng quy định của luật giao thông Đức.
Sau khi đưa được tên lửa về tới nhà mà không gặp bất kỳ rắc rối nào, Ramminger tháo rời ra và chất các bộ phận của tên lửa vào một chiếc thùng gửi đến Moskva qua đường hàng không.
Để tránh rắc rối với hải quan Đức hoặc Liên Xô, Ramminger khai báo bưu kiện là “hàng xuất khẩu cấp thấp”. Do trọng lượng của bưu kiện khá nặng, nên bưu điện tính ông phải trả 79,25 USD.
Sau đó, ông lên một chiếc máy bay hướng đến Liên Xô để nhận hàng, nhưng hàng vẫn chưa đến. Ramminger phải quay trở lại Đức và phát hiện do hãng hàng không đã gửi nhầm địa chỉ. Do vậy, ông phải gửi thùng hàng lại và lên một chiếc máy bay khác đến Moskva. Người Liên Xô hẳn đã rất vui mừng khi nhận được phiên bản AIM-9 mới với giá chỉ 79,25 USD.
Từ mẫu tên lửa nhận được, các kỹ thuật viên Liên Xô một lần nữa đã giải mã được phiên bản Sidewinder cải tiến và nhờ đó mà thu hẹp khoảng cách công nghệ với người Mỹ.
Năm 1974, Liên Xô đã giới thiệu một biến thể cải tiến có tên là R-13M, gần như là bản sao chính xác của tên lửa AIM-9E, ít nhất là về hình dáng bên ngoài. Phiên bản mới có hệ thống dẫn đường được cải tiến với đầu dò được làm mát, giúp tên lửa có khả năng dẫn đường thông minh hơn và chống lại các biện pháp đối phó và can thiệp. Tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu từ phía trước thay vì chỉ giới hạn tấn công từ phía sau như các mẫu tên lửa trước đó.
Mẫu tên lửa này được cho là đã tạo nền tảng để Liên Xô về sau phát triển được các mẫu tên lửa đối không tầm gần, có những tính năng được cho là vượt trội hơn cả những vũ khí cùng thời của Mỹ và phương Tây.
Liên Xô cũng chia sẻ vũ khí này với các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw. Tổng cộng, 28 quốc gia đã vận hành một số biến thể của tên lửa Sidewinder tương tự như Liên Xô. Ngay cả ngày nay, phát minh của McLean (bộ não đằng sau tên lửa Sidewinder tầm nhiệt) vẫn đang truyền cảm hứng cho một số tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Nga.
T.P