Sunday, November 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBản sắc Phạm Nhật Vượng

Bản sắc Phạm Nhật Vượng

Thủ lĩnh hấp dẫn người khác ở tham vọng to lớn, tính quyết đoán, sự liều lĩnh và sự kiên trì phi thường của họ. Những tính cách thuộc về bản sắc anh hùng ấy đều có ở Phạm Nhật Vượng.

Ông Phạm Nhật Vượng (thứ ba từ trái sang)


Cho đến bây giờ, hầu như không người Việt Nam nào không biết tới ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tỷ phú USD đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam với tổng tài sản ước tính đạt 4,3 tỷ USD (đứng thứ 784 thế giới, theo xếp hạng của Forbes).

Được xem như một biểu tượng, cuộc đời của ông Phạm Nhật Vượng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, dấn thân vào con đường kinh doanh nhằm truy cầu sự thịnh vượng, tạo lập giá trị, đóng góp cho đất nước cũng như để lại di sản cho đời.

Loạn thế xuất anh hùng

Nước Nga, năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Phạm Nhật Vượng khi ấy là sinh viên năm thứ ba Trường đại học thăm dò địa chất Moscow đã khởi đầu công cuộc kinh doanh tại “Đôm 5” – khu ký túc xá của sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt tại Moscow.

Việc kinh doanh này không có gì đặc biệt, bởi khi ấy, hầu hết người Việt Nam ở Nga, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô và khối Đông Âu đều lao vào buôn bán. Tất cả là vì mưu sinh, vì để tích cóp chút tiền gửi về cho gia đình đang đói mỏi mòn trong nước và vì khát vọng đổi đời.

Người Việt buôn mọi thứ có thể, từ quần bò (quần jean), áo gió, đồng hồ, ngoại tệ (đổi Rúp sang USD), chuyển ngân (chuyển USD ra khỏi Liên Xô), hay cao hơn là lập chợ (như chợ Vòm)… Có những người giàu lên rất nhanh, trở thành những “kiêu hùng kinh tế” với khối tài sản lên tới hàng triệu USD, được xưng tụng là “soái”; nhưng cũng có không ít người mất sạch, vì bị lừa đảo, cướp giật, thậm chí không còn mạng để trở về.

Trong vòng xoáy khốc liệt đó, chàng thanh niên quê gốc Hà Tĩnh – Phạm Nhật Vượng cũng từng kiếm được bộn tiền nhưng rồi cũng mất trắng. Vào năm 1993, sau khi ra trường và kết hôn, ông Vượng còn mắc nợ tới 40.000 USD.

Nhận thấy nước Nga không dung được thân mình, ông Vượng cùng vợ, người em trai Phạm Nhật Vũ, người bạn học Lê Viết Lam (xuất thân Trường đại học Đường sắt Moscow, ngày sau trở thành ông chủ của Tập đoàn Sun Group) đi về Kharkov thuộc Ukraine lập nghiệp mới.

Tại Kharkov, ông Vượng và đồng sự mở nhà hàng Việt Nam Thăng Long trên đường Aminevskoe và làm ăn khá phát đạt. Tuy nhiên, bước ngoặt chỉ đến khi ông quyết định sản xuất mì ăn liền, sau khi mua lại dây chuyền từ người làm mì giỏi nhất khi đó – ông Đỗ Tấn Việt. Ông Việt cũng chính là người đã bán dây chuyền làm mì cho “nhóm Masan” (gồm: Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh – những người sau này cũng đã thống trị thị trường mì ở Nga bằng các thương hiệu “Alexanđr & Sophia”, “Mivimex” và trở thành những tỷ phú USD hiện thời với Nguyễn Đăng Quang là ông chủ Masan Group còn Hồ Hùng Anh là chủ tịch Techcombank).

Trên thực tế, việc lựa chọn mì ăn liền để khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ người Việt khi đó khá là… bất đắc dĩ. Bởi đây là ngành bị đánh giá là vất vả mà không có lợi nhuận cao, chưa kể người dân Nga – Đông Âu ngày ấy chưa có thói quen ăn mì. Đó cũng là lý do thị trường mì ăn liền ở Nga – Đông Âu không thu hút các “ông lớn” phương Tây tham gia sản xuất. Nhưng sự khó khăn cũng đồng thời là điều kiện thuận lợi, bởi vì không có cạnh tranh lớn, nên các doanh nghiệp Việt mới có thể gia nhập và “đứng” được trên thị trường.

Và thực tế đã cho thấy lựa chọn “bất đắc dĩ” đó là đúng đắn. Mì ăn liền mang thương hiệu “Mivina” của ông Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine. Vào thời điểm đỉnh cao, thị phần tại Ukraine của mì ăn liền Mivina lên tới hơn 90%, bột canh Mivina hơn 80%, biến ông Vượng và cộng sự trở thành những triệu phú USD.

Điều rất đáng nể là “Mivina” lúc đó cạnh tranh rất sòng phẳng với các thương hiệu hàng đầu như Maggi, Krnorr, Nestle, dù chi rất ít tiền cho quảng cáo. Theo chia sẻ của ông Vượng, ở thời điểm đỉnh cao, Nestle chi tới 34 triệu USD cho quảng cáo nhưng vẫn không thể chiếm được thị phần của Mivina – vốn chỉ chi khoảng 2 triệu USD cho công việc này. Phải tới khi ông Vượng quyết định trở về nước, Nestle mới chiếm được thị phần của Mivina bằng cách… mua đứt thương hiệu này với giá 150 triệu USD.

Song song với việc làm mì, ông Vượng cũng lập chợ cho người Việt buôn bán tại Ukraine. Chợ phát triển rất nhanh, chỉ trong 2 năm đã trở thành chợ lớn nhất Ukraine. Về sau, ông Vượng bán lại chợ này cho nhóm của các ông Lê Viết Lam, Đặng Khắc Vỹ (người về sau đã trở thành chủ tịch Ngân hàng Quốc tế – VIB) và thu về hàng triệu USD.

Bản sắc đại trượng phu

Sự thành công tại Ukraine đã đưa ông Phạm Nhật Vượng lên vị thế rất cao trên thương trường Đông Âu, làm thay đổi suy nghĩ năm nào “kiếm được 2 triệu USD sẽ nghỉ hưu”.

Cũng vào lúc này, tại Việt Nam, nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc, chính sách đối với kinh tế tư nhân ngày càng cởi mở. Năm 2000, Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực, làn sóng thành lập doanh nghiệp mới dâng cao. Đó cũng là năm thị trường bất động sản non trẻ của Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và bắt đầu tiến vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Nhận thấy thời cơ lớn, ông Vượng quyết định đổ vốn về Việt Nam và ngành nghề đầu tiên được lựa chọn chính là bất động sản.

Công ty Hòn Tre được lập ra năm 2001 (về sau được đổi tên thành Vinpearl) và Công ty Tổng hợp Việt Nam lập ra năm 2002 (về sau được đổi tên thành Vincom) là hai pháp nhân đã mở đầu cho công cuộc đầu tư bất động sản của ông Vượng tại Việt Nam với 2 dự án lần lượt là Vinpearl Hòn Tre (Khánh Hòa) và Vincom Bà Triệu (Hà Nội).

Hai dự án thành công vang dội đã đưa tên tuổi của Vinpearl, Vincom nổi như cồn, là tiền đề để 2 công ty này lần lượt niêm yết vào các năm 2007 (mã cổ phiếu VPL) và 2008 (mã cổ phiếu VIC), đưa ông Phạm Nhật Vượng vào tốp những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Cũng từ đây, giới quan sát mới được thấy hết một Phạm Nhật Vượng tham vọng, liều lĩnh và quyết đoán như thế nào.

Những nhà đầu tư chứng khoán hẳn vẫn còn nhớ, những năm 2006 – 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa tột độ. Sự hứng khởi bao trùm khiến người người, nhà nhà đầu tư cổ phiếu và say sưa với những cú ăn bằng lần. Trong bối cảnh đó, ông Vượng đã quyết định xây dựng Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG) hoạt động trong các lĩnh vực: ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán. Đây được xem là bước đi hết sức tham vọng, mà nếu thành công, ông Vượng sẽ đạt tới ngôi vị cực phẩm trong giới doanh nhân Việt Nam.

Để thực hiện kế hoạch đó, một chiến dịch “săn đầu người” quyết liệt đã diễn ra. Bằng chế độ đãi ngộ vượt trội, ông Vượng đã mời được về VFG hàng trăm anh tài từ nhiều đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã được sắp đặt xong xuôi, ông Vượng đột ngột ra thông báo dừng toàn bộ các dự án ngân hàng, bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, chỉ giữ lại duy nhất công ty chứng khoán.

Nguyên do là giai đoạn cuối 2008 – đầu 2009, cuộc đại khủng hoảng tài chính đã nổ ra ở Mỹ và lan rộng toàn cầu, khiến triển vọng các ngành tài chính – ngân hàng – bảo hiểm tại Việt Nam trở nên u ám. Cuộc chơi VFG nếu tiếp diễn rất có thể sẽ là hòn đá tảng kéo chìm cả đế chế Vincom – Vinpearl mới được dựng xây. Bởi vậy, ông Vượng đã quyết đoán phế bỏ ngay kế hoạch có nhiều rủi ro để tự cứu lấy mình. Đáng nói, tất cả mọi việc trên chỉ diễn ra trong đúng 1 tuần. Và ông Vượng chơi đẹp đến mức sẵn sàng trả từ 6 tháng đến 1 năm lương cho toàn bộ nhân sự của VFG, dẫu cho họ chưa thực sự làm việc một ngày nào.

Sau khi từ bỏ VFG, ông Vượng dồn toàn lực cho bất động sản. Phẩm chất quyết đoán tiếp tục phát huy cao độ khi ông quyết định đầu tư dự án lớn nhất khi đó là Royal City (Hà Nội) chỉ trong 1 ngày. Việc làm Royal City thời điểm 2009 – 2010 cũng được cho là một quyết định liều lĩnh, bởi thị trường bất động sản giai đoạn này khá ảm đạm, đến năm 2011 thì chìm sâu vào khủng hoảng.

Khó lòng tưởng tượng được là ngay trong cơn khủng hoảng đó, đế chế của ông Vượng lại làm hàng loạt dự án nhà ở đô thị và nghỉ dưỡng, như: Times City, Vinhomes Riverside (Hà Nội), Vincom Center (TP. HCM), Vinpearl Luxury Nha Trang, Vinpearl Golf Club Nha Trang (Khánh Hòa), Vinpearl Luxury Đà Nẵng (Đà Nẵng).

Việc bán Technocom ở Ukraine và rút toàn bộ hoạt động kinh doanh về trong nước của ông Vượng vào giai đoạn này không chỉ mang ý nghĩa của một việc xoay xở vốn, mà còn có thể xem như hành động “dìm thuyền đập nồi”, quyết ăn thua cực lớn với cuộc chơi địa ốc ở Việt Nam, đúng tinh thần liều lĩnh “một ăn, một tịt”, “thắng làm vua, thua phá sản” của ông Vượng.

Và như lời người xưa nói “có chí làm quan, có gan làm giàu”, sự liều lĩnh của ông Vượng đã mang lại thành quả cực lớn. Vincom – Vinpearl không chỉ bán hàng thành công, mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn mà còn xác lập được vị trí dẫn đầu thị trường cũng như “đóng đinh” vào nhận thức của số đông người Việt Nam về một thương hiệu bất động sản dành cho giới cao cấp, tinh hoa.

Bản thân ông Vượng, sau cú hợp nhất Vinpearl vào Vincom để trở thành Vingroup cũng vươn lên thành người giàu nhất Việt Nam vào năm 2013 với khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, xếp hạng 974 thế giới. Tờ Forbes Vietnam năm ấy viết về ông Vượng đã chạy một dòng tít vừa ngắn gọn, vừa kiêu hãnh “Tỷ phú đầu tiên”.

Sau khi đạt được vị thế người dẫn đầu thị trường nhà ở, Vingroup của ông Vượng tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh chóng. Từ Bắc vào Nam, từ thành thị tới miền quê, từ đất liền ra hải đảo, đâu đâu cũng thấy dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại của Vingroup. Càng về sau, những dự án của Vingroup càng lớn, lên tới hàng trăm, hàng nghìn hecta. Và Vingroup gây kinh ngạc cho tất cả khi thực hiện các dự án đó với tốc độ cao, nhanh hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác.

Bởi vậy, khoảng cách của Vingroup so với phần còn lại của thị trường càng ngày càng được nới rộng, đến mức lợi nhuận của nhóm Vingroup (gồm Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail) thường xuyên chiếm quá nửa tổng lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp phát triển nhà ở đang niêm yết. Điều đó cho thấy Vingroup không chỉ dẫn đầu mà còn gần như đạt tới vị trí thống lĩnh thị trường nhà ở Việt Nam. Việc xây Landmark 81 – tòa tháp cao nhất Việt Nam tại TP. HCM (soán ngôi của tòa tháp Keangnam – Landmark 72 do Hàn Quốc xây dựng tại Hà Nội), có thể xem là một hàm ý phô trương sức mạnh kinh tế và khẳng định cho vị thế bá chủ của Vingroup.

Song hành với việc phát triển lĩnh vực bất động sản, từ năm 2013, ông Vượng bắt đầu định hình cho Vingroup trở thành một tập đoàn đa ngành với những dấu ấn đầu tiên là y tế và giáo dục. Lần lượt Vinmec và Vinschool được thành lập, đem tới cho những dự án đô thị của Vingroup sự đồng bộ về tiện ích mà hiếm có chủ đầu tư nào làm được bấy giờ.

Sau 2 đơn vị này, Vingroup đẩy quy mô đa ngành lên một mức “không thể tưởng tượng được”. Tập đoàn này liên tiếp nhảy vào các lĩnh vực như: nông nghiệp (VinEco), bán lẻ (VinCommerce), siêu thị điện máy (VinPro), dược phẩm (VinFa, VinBiocare), thời trang (VinDS, VinFashion), công nghệ (Vintech, VinAI, VinBigData), điện thoại thông minh (VinSmart), ô tô (VinFast), hàng không (Vinpearl Air)…

Việc mở nhanh, mở rộng, mở cả vào những lĩnh vực “rời xa cốt lõi” khiến giới quan sát ngơ ngác, không hiểu được Vingroup đang suy tính điều gì. Tuy nhiên, nếu xét dưới lăng kính tính cách và phẩm chất Phạm Nhật Vượng, việc bành trướng quy mô lại hết sức hợp lý, phản ánh rõ nét sự liều lĩnh và tham vọng to lớn của vị tỷ phú này. Đơn cử như bán lẻ, vào năm 2016, ông Vượng từng chia sẻ rằng: Bán lẻ (VinCommerce và Vincom Retail) được định hướng sẽ chiếm tới 50% doanh thu của tập đoàn. Để làm được điều đó, Vingroup sẽ đi trước “bọn Tây”, mở 2.000 cửa hàng VinMart để chiếm lĩnh thị trường, bất chấp có thể đóng cửa 20% – 30% số cửa hàng sau 1 năm. Kiên trì như vậy sau 3 năm, Vingroup sẽ nâng tổng điểm bán hàng VinMart lên con số 10.000, cộng với 400 trung tâm thương mại Vincom trên khắp cả nước để đứng số 1 thị trường.

Có thể nói, nếu tất cả những dự định trên được thực hiện thành công, ông Phạm Nhật Vượng sẽ không chỉ làm vua một ngành (nhà ở) mà sẽ đạt đến vị thế “vua của các vua”.

Tuy nhiên, khá nhiều dự định trong số trên đã không thành. Và một lần nữa, thị trường được chứng kiến ông Vượng thẳng tay cắt bỏ hàng loạt dự án, từ VinEco, VinCommerce, VinFa, Vinpro đến VinSmart, Vinpearl Air, Vincom Retail… Mỗi một lần cắt bỏ dự án, Vingroup đều khiến thị trường kinh hãi đến “lắc đầu lè lưỡi”, bởi với hầu hết đơn vị, một cú cắt giảm như vậy có thể tổn hại sâu sắc đến nội lực. Nhưng với Vingroup, sự quyết đoán lạnh lùng của người thủ lĩnh lại chính là yếu tố cơ bản giúp tập đoàn này luôn giữ được đà đi lên. Thậm chí có thể nói “thử sai” là đặc sản của ông Vượng và Vingroup, đúng với slogan “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”.

Sự kiên trì phi thường

Năm 2017, Vingroup gây kinh ngạc cho tất cả khi tuyên bố sẽ sản xuất ô tô – một động thái được ví như “húc đầu vào đá”, bởi thị trường này vô cùng khó và cực kì khắc nghiệt. Trước ông Vượng, thị trường đã nhìn thấy “cái chết” đầy tức tưởi của Vinaxuki và kết cục thân bại danh liệt của ông Bùi Ngọc Huyên. Bởi vậy, trước quyết định của Vingroup, giới quan sát tỏ ra hoài nghi nhiều hơn là hi vọng.

Trên thực tế, không ai (ngoài ông Vượng) có thể lý giải chính xác ông suy tính điều gì khi nhảy vào mảng ô tô, dù cho những năm qua, bản thân ông cũng đã giải thích vài lần trên báo chí. Điều người ta có thể thấy rõ nhất là việc làm ô tô tiếp tục là một sự nhất quán của bản sắc Phạm Nhật Vượng: tham vọng, liều lĩnh, quyết đoán, dám làm những thứ không ai dám, dám mơ những điều không ai mơ, không chơi thì thôi, đã chơi là phải vô địch, sẵn sàng dốc túi để đặt cược một ván lớn, cắm một cột mốc và viết nên lịch sử.

Nhìn lại 7 năm đã qua của VinFast – thương hiệu ô tô do ông Vượng lập ra, có thể thấy toàn bộ hành trình đều in đậm bản sắc trên: hôm trước tuyên bố làm ô tô, hôm sau đã chi hàng nghìn tỷ xây trung tâm sản xuất; ban đầu làm xe xăng, sau bỏ hẳn xe xăng để chuyển sang xe điện; tự viết phần mềm, tự sản xuất pin; dải sản phẩm bao phủ mọi phân khúc; mở công ty taxi để sản phẩm ngập tràn thị trường trong nước; tung xe xuất khẩu để chứng minh năng lực; lập nhà máy ở nước ngoài để vươn ra quốc tế; niêm yết cổ phiếu tại Mỹ để huy động vốn… Đó đều là những điều chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam.

Trong cuộc chơi đó, không chỉ hệ sinh thái Vingroup xoay quanh VinFast mà bản thân ông Vượng cũng dốc cả túi mình ra để quyết thành bại, đúng tinh thần “trận đầu là trận cuối, một trận định càn khôn”.

7 năm đã qua là 7 năm không dễ dàng, nếu không muốn nói là cực kì khó khăn với VinFast, nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông Vượng chịu lùi bước. Kiên định với tham vọng đến tận cùng, lâm nguy không đổi chí, chính là bản sắc của kẻ anh hùng, là tố chất của thủ lĩnh và cũng là yếu tố cốt lõi giúp ông Vượng tập hợp được quanh mình những cá nhân tinh hoa cùng chung sức vì đại nghiệp.

Không ai dám nói trước tương lai của VinFast sẽ như thế nào, nhưng với những gì làm được cho đến giờ phút này, đây chính là dự án vĩ đại nhất mà một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể làm được trong gần 40 năm qua.

Trần Lâm – một trong “Kiến An thất tử” thời Tam quốc, trong bài hịch văn nổi tiếng của mình có viết: “Phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có công phi thường. Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi”. Lời luận ấy, nếu dùng cho ông Phạm Nhật Vượng, cũng không sai chút nào. Vị doanh nhân này xứng đáng là kỳ tài trăm năm hiếm gặp, đã tạo nên những điều chưa từng có và tỏa sức ảnh hưởng to lớn của mình lên nền kinh tế Việt Nam. Ông và Vingroup là một điều đặc biệt mà lịch sử phải ghi nhận, nếu không muốn nói là một trang riêng đã được dành sẵn ngay từ bây giờ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới