Ukraine đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi Nga tăng cường tấn công trên các mặt trận sau gần 3 năm xung đột.
Cuộc chiến ở Ukraine đang tiến gần đến cuối năm thứ ba, với việc Nga theo đuổi các cuộc tấn công không ngừng nghỉ bất chấp tổn thất nặng nề và các nhà lãnh đạo phương Tây đang loay hoay tìm kiếm một chiến lược để chấm dứt xung đột.
Trong bối cảnh nguồn cung vũ khí của phương Tây bị hạn chế và chậm chạp, Ukraine đang phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm. Quân đội Ukraine, vốn bị áp đảo về quân số và vũ khí, đang dần mất đi vị thế trên mặt trận chính phía đông. Mặc dù vậy, Kiev vẫn tìm cách gây tổn thất nặng nề cho Nga trong khi giảm thiểu tổn thất của chính mình.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đang áp đảo hệ thống phòng không của nước này, gây ra tình trạng mất điện luân phiên trên khắp cả nước và có thể trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông.
Quân đội Ukraine đang bám trụ các vị trí chiến lược quan trọng ở mặt trận phía đông, chẳng hạn thành phố Chasiv Yar, mặc dù phải đối mặt với làn sóng bộ binh Nga và bom lượn ồ ạt tấn công các tòa nhà. Trong những tuần gần đây, Nga đã kiểm soát thành phố Vuhledar, tiến về phía trung tâm hậu cần Pokrovsk và tiến công ở các thành phố khác.
Theo các quan chức và binh lính Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác nhiều lần nói rằng họ muốn Ukraine chiến thắng, nhưng không cung cấp đủ sự hỗ trợ để ngăn chặn Nga và đảo ngược tình thế.
Điều đáng lo ngại hơn đối với Kiev là cựu Tổng thống Donald Trump đã nói rằng nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nói rõ rằng ông muốn Ukraine đầu hàng.
Trong khi đó, Nga đang có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự vào năm tới, báo hiệu cam kết lâu dài của Moscow trong cuộc đối đầu với Ukraine.
Trong các chuyến thăm tới các nước châu Âu và Mỹ trong những tuần gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí và đảm bảo an ninh như một phần của “kế hoạch chiến thắng” nhằm chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Ukraine.
Chính quyền Biden dường như không mấy mặn mà với kế hoạch này của nhà lãnh đạo Ukraine. Mỹ cũng dè chừng trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev vì lo ngại phản ứng của Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết kế hoạch của Tổng thống Zelensky vẫn chỉ gói gọn lại một số yêu cầu từng được đưa ra trước đó, đồng thời lưu ý rằng các thành viên của khối NATO do Mỹ dẫn đầu đang chia rẽ về việc có nên chính thức mời Ukraine gia nhập hay không.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, cho biết kế hoạch này là một chiến lược chi tiết bao gồm các bước đi về quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao cần thiết để buộc Nga chấm dứt chiến tranh. Trong số đó có yêu cầu về việc phương Tây viện trợ nhiều tên lửa tầm xa hơn, bao gồm tên lửa ATACMS và Storm Shadow, cũng như được phương Tây cho phép sử dụng các vũ khí đó để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga. Ông Podolyak cho biết điều đó có thể thay đổi tính toán của Moscow bằng cách gia tăng áp lực trong nước, cũng như làm suy yếu lực lượng tiền tuyến của Nga.
Ông Podolyak thừa nhận nếu không có thêm sự hỗ trợ cho Ukraine, cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm và cuối cùng làm xói mòn vị thế toàn cầu của các quốc gia phương Tây. Quan chức Ukraine nhận định việc buộc Kiev phải đàm phán từ vị thế yếu hơn sẽ không chấm dứt xung đột, mà thậm chí còn khuyến khích Nga tiếp tục theo đuổi mục tiêu chính là kiểm soát hoàn toàn Ukraine.
Các đơn vị tiền tuyến của Ukraine đang phải vật lộn với tình trạng thiếu trang thiết bị cơ bản, bao gồm xe bọc thép và pháo, cũng như tình trạng thiếu hụt binh lính.
Ông Podolyak cho biết tình hình đang được cải thiện và Ukraine đang xoay xở để thực hiện một số đợt luân chuyển quân và tăng quy mô lực lượng dự bị. Tuần trước, chính phủ Pháp thông báo đang huấn luyện và trang bị cho một lữ đoàn Ukraine, với khoảng 2.300 binh sĩ tập trận tại Pháp kể từ đầu tháng 9.
Ở trong nước, người dân Ukraine ngày càng kiệt sức vì chiến tranh. Các cuộc thăm dò cho thấy số lượng người ủng hộ đàm phán ngày càng tăng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng nhượng bộ. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 8 của Democratic Initiatives Foundation, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Kiev, chưa đến một trong số 10 người Ukraine sẵn sàng từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào cho Nga để chấm dứt chiến tranh.
Cuộc chiến đã tác động đến hầu hết các gia đình ở Ukraine. “Họ chưa sẵn sàng lật sang trang mới”, Kostyantyn Batozsky, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Kiev, cho biết.
T.H