Saturday, December 21, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVolkswagen gặp khủng hoảng: Cảnh báo cho kinh tế Đức

Volkswagen gặp khủng hoảng: Cảnh báo cho kinh tế Đức

Không có ngành công nghiệp nào quan trọng đối với nền kinh tế Đức hơn ngành ô tô và cũng không có nhà sản xuất ô tô nào quan trọng hơn Volkswagen.

“Vua xe hơi” lâm vào khủng hoảng

Volkswagen, hãng xe 87 tuổi của Đức, đang cân nhắc cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy để có lãi trở lại. Những khó khăn của Volkswagen đang phản ánh 2 vấn đề lớn mà Đức phải đối mặt là ngành công nghiệp ô tô đang thu hẹp và nền kinh tế được dự báo sẽ “đi lùi” trong năm thứ hai liên tiếp.

“Việc Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức, có khả năng phải đóng cửa nhà máy và sa thải bắt buộc cho thấy ngành công nghiệp Đức đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc như thế nào”, ông Carsten Brzeski, kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu ING Đức, nhận định với The New York Times.

Những vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến Volkswagen là chi phí nhân công cao, cơ cấu tổ chức cồng kềnh và không theo kịp những tiến bộ của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Những điều này cũng phản ánh phần nào vấn đề mà nền kinh tế Đức đang phải đối mặt.

Chính phủ Đức hôm 9/10 điều chỉnh dự báo GDP năm nay từ tăng 0,3% xuống giảm 0,2%, phù hợp với nhận định của giới chuyên gia. Như vậy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có khả năng đi lùi 2 năm liên tiếp, sau năm ngoái giảm 0,3%.

Kéo lùi tăng trưởng là ngành công nghiệp đang chật vật để hồi phục sau những cú sốc từ đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine vào năm 2022.

Đức cũng dường như đã mất đi một số ảnh hưởng trong Liên minh Châu Âu (EU), khi EU đã bỏ phiếu vào ngày 4/10 để áp đặt thuế quan cao hơn đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng của Đức.

“Ngủ quên” trên chiến thắng

Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng cả Đức và Volkswagen đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tương lai trong “thập kỷ vàng” sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Trong những năm đó, Volkswagen đã xuất khẩu xe động cơ đốt trong khắp châu Âu và sang Trung Quốc. Hãng cũng trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới về doanh số vào năm 2016. Volkswagen giữ vị trí đó cho đến năm 2019, bất chấp vụ bê bối gian lận trong kiểm tra khí thải ở châu Âu và Mỹ.

Chính phủ Đức cũng đã tích lũy thặng dư ngân sách từ năm 2014 đến 2019. Trong bối cảnh lãi suất âm, Đức lẽ ra có thể vay để đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng, số hóa và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Thay vào đó, họ đã thông qua một luật ngân sách cân bằng trong Hiến pháp, qua đó hạn chế đầu tư.

“Có thể Đức đã quá thành công, mọi người trở nên tự mãn và nghĩ rằng thành công sẽ cứ tiếp diễn mãi mãi”, ông Sudekum, chuyên gia kinh tế tại Đại học Heinrich Heine (Đức), nhận định với The New York Times. “Và giờ đây chúng ta biết rằng điều đó không đúng”.

Volkswagen cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Công ty đã bán hàng triệu xe chạy xăng ở Trung Quốc kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, họ đã không nhận ra mối đe dọa từ các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Geely, Nio… Những hãng xe Trung Quốc đã tập trung vào phát triển xe thuần điện, xe hybrid và nhanh chóng xây dựng chuỗi cung ứng hỗ trợ.

Việc thiếu đi tầm nhìn xa trông rộng này đã khiến hàng nghìn công nhân Volkswagen biểu tình để đàm phán tăng lương với lãnh đạo công ty. Các công nhân biểu tình để đòi tăng lương 7% và cam kết sẽ bảo vệ 120.000 việc làm tại 6 nhà máy ở Đức. Họ kêu gọi nhà sản xuất ô tô này giảm bớt thủ tục, phát triển một chiến lược đường dài để tồn tại và phát triển.

“Chúng ta phải giảm chi phí lao động ở Đức”, ông Arne Meiswinkel, giám đốc nhân sự của Volkswagen, nói khi các cuộc đàm phán bắt đầu. “Chúng ta chỉ có thể duy trì vị trí dẫn đầu và bảo đảm việc làm lâu dài nếu chúng ta có được hiệu quả kinh tế tốt hơn”.

Các phương tiện truyền thông Đức đưa tin rằng có thể có tới 30.000 việc làm bị mất. Tuy nhiên, phía công ty vẫn từ chối xác nhận con số này. Công ty đã từng sa thải hơn 37.000 nhân viên từ năm 1971 đến 1975, một động thái mà họ cho rằng đã giúp cải thiện lợi nhuận vào thời điểm đó.

Các chính trị gia Đức đã cân nhắc liệu họ có nên can thiệp để hỗ trợ Volkswagen, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt. Ngành công nghiệp ô tô nước này cung cấp việc làm cho 773.000 người, chưa kể các công việc tại hàng trăm công ty và nhà cung cấp nhỏ hơn.

Lún sâu vào khủng hoảng

Châu Âu đang chuẩn bị tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất ô tô trong khu vực. Tuy nhiên, Volkswagen lại trở nên lo lắng vì họ đã đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc từ trước đó. Chính phủ Đức cũng phản đối các khoản thuế này vì họ lo ngại có thể dẫn đến sự trả đũa từ Trung Quốc.

Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng thuế quan có nguy cơ gây tổn hại hơn nữa cho tăng trưởng khi các công ty châu Âu như Volkswagen cần phải nhanh nhẹn và linh hoạt nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh.

“Chỉ nên hướng tới việc giảm bớt quy định, cho phép các công ty linh hoạt hơn và khuyến khích đầu tư hơn nữa”, ông Erasmus Kersting, Giáo sư kinh tế tại Đại học Villanova, nhận định với The New York Times.

Lần gần nhất kinh tế Đức suy giảm 2 năm liên tiếp là vào năm 2002-2003, khi chính phủ nước này triển khai loạt cải cách phúc lợi xã hội. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nếu kịch bản lặp lại thì Đức sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất chứng kiến GDP thu hẹp.

Ông Robert Habeck, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức, cho biết kinh tế Đức đã không còn tăng trưởng mạnh kể từ 2018, do các vấn đề về cơ cấu và những thách thức toàn cầu.

“Giữa các cuộc khủng hoảng, Đức và châu Âu đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính vì vậy, chúng tôi cần học cách khẳng định mình”, ông Robert Habeck chia sẻ với báo chí.

Lối ra nào cho Đức và Volkswagen?

Theo Phó Thủ tướng Đức, sức mạnh của mô hình kinh tế Đức dựa trên 2 trụ cột là xuất khẩu và năng lượng giá rẻ từ Nga để phục vụ ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu yếu và căng thẳng địa chính trị khiến xuất khẩu giảm 0,3% vào năm ngoái. Các dữ liệu mới nhất cũng dự báo lĩnh vực này sẽ không phục hồi trong những tháng tới.

“Một nửa tăng trưởng của Đức luôn đến từ xuất khẩu và nếu nhìn vào những gì diễn ra trên thế giới thì phải nói rằng trụ cột này đang bị tấn công”, ông nêu. Chính phủ dự kiến xuất khẩu sẽ giảm tiếp 0,1% năm nay trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chiến lược tích cực xuất khẩu.

Ông Habeck cho biết chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề trong nước như đảm bảo nguồn cung năng lượng, đẩy nhanh các thủ tục hành chính và cố gắng giải quyết tình trạng thiếu lao động tay nghề cao.

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức Martin Wansleben cho rằng các biện pháp này cần được thực hiện nhanh hơn nữa và có thêm cải cách để khuyến khích đầu tư. Theo ông, GDP nước này hiện chỉ cao hơn nửa điểm phần trăm so với trước đại dịch. “Chưa từng có giai đoạn suy yếu kéo dài nào như vậy trong nền kinh tế Đức”, ông nói.

Chính phủ Đức dự báo tăng trưởng sẽ quay lại vào 2025, đạt 1,1%, chủ yếu nhờ tiêu dùng cá nhân cao hơn khi lạm phát giảm. Cùng với đó, lãi suất đang giảm và tiền lương dự báo tăng trung bình 5,4% năm nay và 3,5% vào năm tới.

“Điều này có nghĩa là người dân sẽ có nhiều tiền hơn và số tiền này sẽ dần dần dẫn đến sức mua cao hơn, tiêu dùng nhiều hơn và đầu tư cao hơn”, ông Habeck giải thích.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới