Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNobel Kinh tế 2024 vinh danh 3 nhà khoa học Mỹ

Nobel Kinh tế 2024 vinh danh 3 nhà khoa học Mỹ

Giải thưởng Nobel Kinh tế 2024 được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ vì nghiên cứu các thiết chế xã hội và sự thịnh vượng.

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Kinh tế 2024 trên màn hình của lễ công bố

Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Kinh tế 2024 cho 3 nhà khoa học Daron Acemoglu, Simon Johnson đều thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) và James A. Robinson thuộc Đại học Chicago (Mỹ), theo thông cáo được đăng trên trang web The Nobel Prize vào chiều qua (14.10, theo giờ VN). Các ông sẽ được trao huy chương, chứng nhận và 11 triệu kronor Thụy Điển (26,3 tỉ đồng).

Chinh phục giải Nobel nhờ cách tiếp cận mới
Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Kinh tế Jakob Svensson cho biết khoảng cách lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay. 20% quốc gia thịnh vượng nhất thế giới hiện giàu hơn 20% quốc gia nghèo nhất khoảng 30 lần. Mặc dù, các quốc gia kém phát triển đã trở nên thịnh vượng hơn, song vẫn rất khó để bắt kịp với các quốc gia thịnh vượng nhất.

Theo ông Svensson, vấn đề này tuy không mới, song 3 nhà khoa học trên đã có đột phá tiên phong về cách tiếp cận, cả thực nghiệm và lý thuyết, giúp làm rõ hơn về nguyên nhân gốc rễ khiến các quốc gia có sự phân hóa trên.

Bằng cách nghiên cứu các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau xuất hiện trong thời kỳ thực dân châu Âu, 3 nhà khoa học Mỹ có thể chứng minh mối quan hệ giữa các thể chế và sự thịnh vượng. Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Kinh tế giải thích rằng ở nhiều quốc gia có thể chế bao trùm trong thời kỳ thực dân hóa, thì người dân thường có cuộc sống thịnh vượng hơn sau này. Đây là một lý do quan trọng giải thích tại sao các thuộc địa trước đây từng giàu có giờ lại nghèo, và ngược lại.

Chủ tịch Svensson nói thêm về nghiên cứu rằng nhiều nước sau này phải đối mặt với các thể chế khai thác và tăng trưởng kinh tế thấp. “Việc đưa vào các thể chế bao trùm sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho mọi người, nhưng các thể chế khai thác lại mang lại lợi ích ngắn hạn cho những người nắm quyền”, ông Svensson giải thích.

Ý nghĩa và quan ngại

Ông Svensson cho biết về mặt thực nghiệm, công trình của 3 nhà khoa học Mỹ đã nâng cao đáng kể việc nghiên cứu các tác động nhân quả của thể chế đối với sự thịnh vượng. Ba nhà khoa học đã xác định được nguồn gốc lịch sử của môi trường thể chế yếu kém là minh chứng cho nhiều quốc gia thu nhập thấp ngày nay. Về mặt lý thuyết, nghiên cứu của các nhà khoa học giải thích tại sao các thể chế kinh tế khai thác và chế độ độc tài thường tồn tại lâu đời bất chấp việc cải cách sẽ mang lại lợi ích nhất định

Ông Daron Acemoglu đã bày tỏ sự vui mừng khi nhận thông tin đoạt giải Nobel. Song, ông cũng bày tỏ quan ngại rằng các thể chế ở khắp mọi nơi, bao gồm cả Mỹ và châu Âu, đang yếu đi và sự ủng hộ dành cho nền dân chủ đang giảm xuống. “Mặc dù nền dân chủ có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng và đạt được sự đồng thuận đối với nhiều vấn đề nan giải, nhưng hiện nay các quốc gia vẫn chưa khai thác tiềm năng đầy đủ đó”, theo ông Acemoglu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới