Một loạt nước EU yêu cầu thắt chặt các quy tắc báo cáo trên toàn khối về nhập khẩu khí đốt Nga.
Tờ Financial Times đưa tin, Pháp, cùng với 9 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác bao gồm Áo và Cộng hòa Czech, đã gửi một văn bản trước cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 15.10.
Mười quốc gia này kêu gọi Ủy ban châu Âu yêu cầu các công ty đã đăng ký nhập khẩu LNG của Nga tại các cảng của EU phải xác định rõ ràng về khối lượng nhập khẩu.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher tuyên bố, “mức độ minh bạch cao nhất liên quan đến LNG” là cần thiết để “loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga”.
Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), trong nửa đầu năm 2024, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào EU đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp những nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm “cai” nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ chiếm 87% lượng LNG nhập khẩu từ Nga của châu Âu trong nửa đầu năm 2024, trong đó lượng nhập khẩu vào Pháp tăng gấp đôi, còn lượng nhập khẩu vào Bỉ giảm 16%.
Bỉ, quốc gia từ lâu đã kêu gọi EU trừng phạt LNG của Nga, cho biết trong một tài liệu riêng ngày 15.10 rằng, nước này đã và đang xây dựng một cơ chế để truy xuất nguồn gốc của LNG, “giúp có thể theo dõi và hạn chế LNG của Nga nếu cần thiết”.
Sau khi khí đốt nhập khẩu vào EU, rất khó truy xuất điểm đến cuối cùng vì khí đốt này thường bị trộn lẫn với khí đốt từ các nguồn khác và chịu sự ràng buộc của các hợp đồng nhạy cảm về mặt thương mại.
Những nỗ lực nhằm giảm dòng nhiên liệu của Nga vào EU đã bị cản trở bởi Hungary, quốc gia liên tục phản đối lệnh trừng phạt và tìm cách gia hạn các thỏa thuận hiện có với tập đoàn dầu khí lớn của Nga là Gazprom.
Tuần trước, Budapest đã ký một thỏa thuận với Gazprom để tiếp tục cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khí đốt từ Nga cũng đến EU thông qua Ukraina – bất chấp xung đột – theo một hợp đồng sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Một quan chức cấp cao châu Âu cho biết các cuộc thảo luận về việc gia hạn hợp đồng này là “một vấn đề rất nhạy cảm”. “Chúng ta cần thừa nhận thực tế là Ukraina đang nhận được doanh thu từ hoạt động trung chuyển” – quan chức nói.
Sven Giegold, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Hành động vì Khí hậu của Đức, cho biết thật “đáng lo ngại” khi thấy lượng nhiên liệu nhập khẩu từ Nga tăng lên và Ủy ban châu Âu nên đưa ra “lộ trình để giảm lượng nhiên liệu nhập khẩu từ Nga xuống mức bằng 0”.
Mối lo ngại này xuất hiện sau khi EU thực hiện bước đầu tiên nhằm hạn chế LNG của Nga vào tháng 6 bằng cách trừng phạt việc trung chuyển – tái xuất nhiên liệu của Nga sang các nước thứ ba – từ các cảng của EU.
Các nước EU bao gồm Hà Lan đã nêu lo ngại rằng lệnh cấm này có tác dụng phụ không mong muốn là làm tăng lượng hàng hóa vận chuyển vào EU vì chúng không còn có thể được tái xuất sang nơi khác, mặc dù lệnh cấm chỉ chính thức có hiệu lực vào tháng 3 năm sau.
T.P