Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Phiên chợ” 10 năm chưa ngã giá

“Phiên chợ” 10 năm chưa ngã giá

Khi bàn về việc cần thúc đẩy hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), có nhà ngoại giao cho rằng, câu chuyện này đã kéo dài 10 năm chưa có hồi kết. Ông ví nó như một “phiên chợ” ngã giá về một Bản thỏa thuận giữa các nước trong khu vực ASEAN mãi chưa xong.

Ai cũng biết, từ năm 2013, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn chính thức về một COC mang tính ràng buộc. Ràng buộc tức là thiết lập sợi dây xích, ai chống lại sẽ bị ngăn cản. Còn như Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông chỉ giống như một chiếc gương soi, soi vào đấy để biết mình đang đi đúng hay chệch đường.

Ý tưởng vậy tốt quá rồi. Thế nhưng suốt một thập niên, quá trình đàm phán luôn gặp trắc trở. Các nước trong khối thay nhau làm chủ tịch luân phiên. Vị chủ tịch nào cũng quyết tâm thúc đẩy tiến độ, trong đó có Trung Quốc. Quá trình đàm phán lúc thuận buồm xuôi gió, khi bão táp cuồng phong. Và bởi thế, thời hạn kết thúc co giãn như một sợi dây chun. Người ta ví như cái chợ là vì thế.

Tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi đó nói như đinh đóng cột: ASEAN và Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được COC trong vòng ba năm (tức 2022). Đến năm sau, 2019, các lãnh đạo ASEAN muốn kết thúc đàm phán COC trong vòng ba năm hoặc sớm hơn. Tất cả vẫn là lời hứa suông!

Năm 2023, tức là 10 năm sau khi bắt đầu phiên đàm phán đầu tiên, các bên đều nhất trí đã đến lúc phải khoanh lại vấn đề, dứt khoát phải kết thúc đàm phán vào năm 2026. Cuộc họp năm ấy diễn ra ở thủ đô Jakarta – Indonesia. Bây giờ đã sắp bước sang năm 2025, cán mốc phải thông qua COC nhưng tình hình không có gì sáng sủa. Đáng chú ý là năm 2025, Malaysia sẽ làm Chủ tịch luân phiên ASEAN. Ông chủ tịch này lại khá trung dung, ôn hòa, không muốn gây sự với “con hổ” Trung Quốc.

Từ năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký DOC, Văn kiện chính trị đầu tiên có liên quan đến vấn đề Biển Đông, một nỗ lực lớn của các nước ASEAN. Trong đó phải kể đến bốn quốc gia đi đầu là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, với mong muốn chống chủ nghĩa bá quyền, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Sau khi có “tấm gương” DOC, tình hình Biển Đông vẫn hết sức phức tạp. Tranh chấp, leo thang căng thẳng, đe dọa xung đột vũ trang thường xuyên xảy ra. Vì sao như vậy? Vì rằng, DOC chỉ là một Tuyên bố chính trị. Nó mang tính khuyến khích, mà không có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên tham gia. Nó không phát huy tác dụng trong việc buộc các bên phải kiềm chế và tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế. Vậy nên, vẫn liên tục xảy ra va chạm, xung đột trên thực địa, cũng như căng thẳng về ngoại giao. Mới nhất là hôm 29/9/2024, lực lượng chấp pháp Trung Quốc tấn công, dùng tuýp sắt đánh bị thương nặng ngư dân Quảng Ngãi,Việt Nam đang đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống.

Vấn đề lớn hơn là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không hề suy giảm. Các hành vi bắt nạt, ức hiếp các nước nhỏ của Trung Quốc đối với các bên khác có yêu sách ở Biển Đông ngày càng diễn biến trắng trợn. Vì tham vọng đó, Trung Quốc đã thực hiện “chiến thuật vùng xám”, miệng nói tuân thủ pháp luật quốc tế, nhưng hành động thì ngược lại. Quá trình xây dựng COC chả khác nào bị kỳ đà cản mũi, chủ yếu do Trung Quốc không sẵn sàng tham gia một cam kết mạnh với các nước ở thế yếu hơn.

Vì sao Bắc Kinh lại dây dưa thế? Hôm 15/10, Tiến sĩ Euan Graham, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, góp một tiếng nói lý giải. Theo ông, ASEAN đang thiếu đoàn kết, thống nhất. Nhiều quốc gia tỏ ra e ngại/ khiếp sợ Trung Quốc. Đối với chính phủ của các quốc gia này, Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông không phải là ưu tiên cao nhất. Sự ngập ngừng, “mũ ni che tai” của các bên dẫn đến Trung Quốc được hưởng lợi, ngày càng củng cố sự kiểm soát trên Biển Đông.

Cuộc họp gần nhất, Thượng đỉnh ASEAN, tháng 10/2024 ở Lào, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr kêu gọi các lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc tăng tốc đàm phán COC Biển Đông. Ông Marcos Jr sốt ruột kêu lên rằng, tình hình trên Biển Đông “vẫn căng thẳng và không có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn bị xâm hại và tấn công”. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc – một “ông Lý” khác – Lý Cường, hưởng ứng: Bắc Kinh và các nước ASEAN đang “nỗ lực để sớm hoàn tất” COC.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị liên quan ở thủ đô Viêng Chăn của Lào vào ngày 11/10, ông Lý Cường nói các nước ngoài khu vực Đông Nam Á cần tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực hòa bình của Trung Quốc ở Biển Đông và đóng vai trò xây dựng cho nền hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ông Lý không nêu cụ thể “các nước ngoài khu vực Đông Nam Á” can dự, gây phức tạp tình hình Biển Đông là nước nào, nhưng có thể thấy trong thời gian gần đây, Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản là các quốc gia có nhiều hoạt động, diễn tập an ninh hàng hải tại Biển Đông, trong đó có các sự kiện diễn tập chung với Philippines. Cũng có thể “các nước ngoài khu vực” bao gồm cả Ấn Độ.

Vậy là phiên họp nào cũng hát mãi một điệp khúc “nỗ lực hoàn tất” khiến người nghe ngáp vặt.

Bắc Kinh thừa biết chuyện này. Từ lâu họ đã áp dụng chiến thuật “chia để trị” đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Họ tìm cách tách các quốc gia ra khỏi nhau, không cho các bên hợp tác để chọi lại.

Ngược lại, các nước Đông Nam Á cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Philippines chơi bài đánh giáp lá cà, phơi bày những vụ va chạm tàu, công bố những video thể hiện hành vi hung hăng của Trung Quốc, gia tăng giao thiệp với các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Úc, Nhật Bản. Còn Việt Nam mềm mại hơn. Hà Nội giữ im lặng về tranh chấp bằng cách không làm lớn chuyện, và tìm cách “thu dọn” những ngổn ngang trên bãi chiến trường, biến đại sự thành tiểu sự.

Điều đáng lo ngại hiện nay là, những mưu đồ chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông khi đàm phán và thông qua COC. Trung Quốc không chỉ muốn thống trị Biển Đông về mặt không gian, mà còn sử dụng Biển Đông làm phương tiện để thống trị ASEAN. Nếu giữ vai trò sen đầm khu vực, các nước thành viên sẽ phải quy phục Bắc Kinh, dù vẫn lặng lẽ tăng cường sức mạnh quốc phòng để “chiến đấu” theo cách của mình.

Trước sau, Trung Quốc vẫn cố tình trì hoãn thông qua COC. Họ chỉ muốn Bộ quy tắc này như một “tài liệu tham chiếu cho hành động”. Điều này khác hẳn ý chí của các nước ASEAN khi muốn “ràng buộc để có thể truy cứu trách nhiệm”.

Bước vào năm 2025 chức Chủ tịch ASEAN của Malaysia sẽ là phép thử cho các kỹ năng ngoại giao của nước này và nhiều khả năng sẽ thúc đẩy ASEAN hợp tác với những nước như Trung Quốc và Nga, cùng với Mỹ và phương Tây. Khi ấy ASEAN sẽ trở nên trung lập hơn, có khả năng thúc đẩy khối này đối thoại với các quốc gia khác như BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi, chiếm hơn 40% dân số thế giới và 1/4 nền kinh tế toàn cầu).

Bên cạnh đó, Malaysia sẽ chủ động và không muốn ASEAN bị gạt ra rìa trong việc xây dựng mối quan hệ với các siêu cường toàn cầu ở mọi khu vực. Điều này được thể hiện rõ trong bài phát biểu tại Diễn đàn Khazanah Megatrends 2024 tại Kuala Lumpur mới đây, Thủ tướng Malaysia tuyên bố: “Chúng tôi có thể vượt ra ngoài ASEAN, khi tìm kiếm quan hệ đối tác với BRICS, điều này sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ Đông Nam Á-Nam toàn cầu”.

Vốn theo chính sách ôn hòa, Malaysia đang lựa chiều gió để phất cờ. Dẫu gần đây Chính phủ của ông Anwar Ibrahim đã có vẻ cứng rắn, bớt sợ Trung Quốc hơn, nhưng điều đó chưa nói lên điều gì khi ở cương vị Chủ tịch ASEAN. Bắc Kinh sẽ tiếp tục thả mồi bắt bóng. Và không biết đến bao giờ món đồ COC đắt đỏ và hấp dẫn mới được ngã giá.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới