Saturday, October 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc biểu tình chống chính quyền ở Bangladesh: Bài học cho các...

Cuộc biểu tình chống chính quyền ở Bangladesh: Bài học cho các nước đang phát triển

Cuộc biểu tình chống chính quyền Thủ tướng Sheikh Hasina ở Bangladesh

Việc bà Hasina lệnh cho cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình đã phản tác dụng, khiến cơn giận dữ của người Bangladesh lên cao hơn nữa.

    Kể từ tháng 7/2024, các cuộc biểu tình của sinh viên bắt đầu nổ ra ở Bangladesh, nhằm yêu cầu Chính phủ Thủ tướng Sheikh Hasina chấm dứt hệ thống hạn ngạch viên chức, đưa ra các yêu sách nhằm giải quyết các vấn đề thất nghiệp, nạn đói và trao lại các quyền lợi chính trị chính đáng và bình đẳng cho những người trẻ ở quốc gia này. Sinh viên Đại học Dhaka, cơ sở giáo dục hàng đầu Bangladesh, bắt đầu biểu tình từ ngày 1/7, sau đó lan sang các trường danh tiếng khác.

    Từ trạng thái ôn hoà ban đầu, các cuộc biểu tình dần tăng nhiệt trong hai tuần sau đó và nhanh chóng leo thang thành bạo lực vào giữa tháng 7, khi Thủ tướng Hasina cho phép lực lượng An ninh sử dụng hơi cay, bắn đạn cao su, đóng cửa trường học, ban bố thiết quân luật kèm lệnh bắn ngay lập tức nếu phát hiện người vi phạm. Cụ thể, vào ngày 18/7/2024, cảnh sát Dhaka đã bắn đạn cao su vào đoàn biểu tình, khiến những người này chống trả bằng gậy gộc, gạch đá và dồn Cảnh sát vào trụ sở đài truyền hình Bangladesh. Đoàn người tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng công cộng như hệ thống tàu điện ngầm, các trạm thu phí và các tòa nhà Chính phủ. Mặc dù Internet bị hạn chế nhằm ngăn tin đồn lan truyền, khiến người biểu tình khó dùng mạng xã hội để lên kế hoạch hơn, nhưng hàng trăm nghìn người vẫn tiếp tục đổ ra đường. “Không chỉ riêng sinh viên, dường như tất cả mọi người đều tham gia biểu tình”, Samina Luthfa, phó Giáo sư xã hội học, Đại học Dhaka, nói.

    Thông qua theo dõi tại các bệnh viện, những nhà báo hoạt động từ Dhaka đã xác định có ít nhất 32 người chết trong ngày 18/7 vì những cuộc biểu tình trong thành phố gây ra. Tính đến ngày 23/7, ước tính số người thiệt mạng đã lên đến 174 người, bao gồm cả cảnh sát và 10.000 người bị bắt giữ. Mô tả từ hồ sơ bệnh viện cho thấy vũ khí của cảnh sát là nguyên nhân gây ra ít nhất 2/3 số ca tử vong. Gần 1.000 người đã phải điều trị tại bệnh viện vì vết thương trong các cuộc đụng độ và nhiều người bị thương do đạn cao su.

    Tình trạng bạo lực nói trên đã làm tê liệt nhiều phần của đất nước và dẫn đến tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Chính phủ buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội để kiểm soát tình hình. Từ tối ngày 18/7, mạng Internet tại Bangladesh bị khóa lại hoàn toàn. Thủ tướng Sheikh Hasinasau đã phải tuyên bố ngày 20/7 và 21/7 là “ngày nghỉ lễ” do tình hình trong nước, chỉ các cơ quan khẩn cấp được phép hoạt động.

    Ngày 21/7, sau khi bạo lực đã khiến hơn 100 người thiệt mạng, Tòa án Tối cao Bangladesh đã hủy phán quyết của Tòa Thượng thẩm, tuyên bố 93% chỉ tiêu viên chức nên tuyển dụng theo năng lực, cho phép các sinh viên có thành tích học tập tốt sau khi tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ ứng tuyển việc làm nhà nước mà không bị giới hạn bởi chế độ hạn ngạch, 5% dành cho gia đình cựu binh và 2% cho khu vực kém phát triển cũng như người khuyết tật. Chính phủ bà Hasina chấp nhận phán quyết, khôi phục Internet và nới lỏng thiết quân luật, cho rằng tình hình sẽ hạ nhiệt.

    Đợt trấn áp của chính quyền cuối tháng 7 đã tạm thời giải tán được các đám đông biểu tình, nhưng do số người thiệt mạng lên đến hàng trăm và khoảng 10.000 người bị bắt, lửa giận lại bùng lên. Sinh viên đã trở lại đường phố trong các cuộc biểu tình lẻ tẻ vào đầu tháng 8. Phe đối lập và các nhóm nhân quyền chỉ trích giới chức dùng bạo lực thái quá với người biểu tình Thêm vào đó, ngày 1/8, Chính quyền Hasina cũng có động thái cấm đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami cũng như các chi nhánh sinh viên và các tổ chức liên quan, khiến cho cuộc biểu tình bắt đầu mang màu sắc tôn giáo và trở nên căng thẳng hơn.

    Những người biểu tình, bao gồm cả những người Hồi giáo, lại xuống đường, đòi công lý cho hơn 200 người trong hoạt động trong cuộc biểu tình hồi tháng 7, đồng thời đưa ra 9 yêu cầu, trong đó có lời xin lỗi chính thức từ Hasina và 8 Bộ trưởng phải từ chức. Các cuộc xung đột đẫm máu tiếp tục nổ ra trên đường phố, kéo theo đợt biểu tình mới vào ngày 2/8. Xung đột lại xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, khiến 2 người thiệt mạng, càng làm cho tình hình trở nên hỗn loạn.

    Ngày 3/8, nhóm sinh viên yêu cầu Hasina và chính quyền của bà phải từ chức, đồng thời phát động phong trào “không hợp tác”, kêu gọi người dân Bangladesh không nộp thuế hoặc hóa đơn điện nước, đóng cửa nhà máy và văn phòng. Trong khi đó, bà Hasina lại lên tiếng cho rằng thanh niên biểu tình là “những kẻ phá hoại cần được xử lý bằng bàn tay thép”. Những lời đe dọa này càng khiến người biểu tình thêm phẫn nộ. Họ kêu gọi tuần hành vào Phủ Thủ tướng ở trung tâm Dhaka ngày 5/8. Bangladesh một lần nữa ban bố thiết quân luật.

    Trước sự hung hăng của nhóm biểu tình, bà Hasina hạ giọng, muốn đàm phán vô điều kiện với các thủ lĩnh sinh viên nhưng bị bác bỏ. Họ cho rằng nữ Thủ tướng không chân thành mà chỉ muốn xoa dịu tình hình. Từ sáng ngày 5/8, hàng nghìn người dân Bangladesh đã xuống đường tham gia chương trình “Tuần hành đến Dhaka” của Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử tập trung tại vòng xoay Mirpur 10 và tiến về khu vực Farmgate ở trung tâm thủ đô Dhaka, kêu gọi Thủ tướng Bangladesh từ chức và đòi công lý cho hơn 200 sinh viên đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình vào tháng trước.

    Tính đến ngày 5/8, theo thống kê chính thức, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chống Chính phủ đã khiến ít nhất 350 người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo các nguồn tin khác, gần 1.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, vượt xa số liệu thống kê chính thức.

    1. Nguyên nhân diễn ra cuộc biểu tình nói trên

    Bangladesh, quốc gia nghèo với 170 triệu dân, giáp Ấn Độ, được mệnh danh là “xưởng may của thế giới”, nơi người dân chủ yếu sống dựa vào nghề dệt may. Ước tính xuất khẩu hàng dệt may của nước này ra thị trường quốc tế trị giá khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Nền độc lập của Bangladesh được tạo dựng sau cuộc chiến tranh đẫm máu vào năm 1971. Bấy giờ, Sheikh Majibur Rahman, vị Tổng thống đầu tiên, đã lãnh đạo nhân dân vùng Đông Pakistan tách khỏi nước này và thành lập ra Nhà nước Bangladesh như ngày nay. 4 năm sau, ở một cuộc đảo chính, ông đã bị ám sát cùng với hầu hết người thân trong gia đình. Con gái ông, Sheikh Hasina, đã lên nắm quyền, đứng đầu Liên minh Awami do cha mình thành lập.

    Ban đầu, bà Hasina đã mang đến cho Bangladesh một thời kỳ tăng trưởng kinh tế dựa trên các ý tưởng về dân chủ và luân phiên chính trị, theo hình thức các đảng phái chính trị thay nhau nắm quyền thông qua bầu cử. Hasina và đối thủ của bà, Begum Khaleda Zia, đã thay nhau lãnh đạo đất nước.

    Dưới sự lãnh đạo của Hasina, Bangladesh đã nhanh chóng chuyển mình từ quốc gia nghèo nhất thế giới sang nền kinh tế có tăng trưởng nhanh nhất ở Nam Á. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh đã tăng gấp đôi sau 10 năm và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người liên tục vượt qua Ấn Độ và Pakistan. Ngân hàng thế giới (WB) ước tính ít nhất 25 triệu người Bangladesh đã thoát nghèo trong 20 năm qua. Chính quyền Hasina đóng vai trò quan trọng trong vấn đề xóa đói giảm nghèo ở nước này.

    Về xây dựng cơ sở hạ tầng, Hasina sử dụng nguồn vốn trong nước, các khoản vay và hỗ trợ phát triển để thực hiện các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng – cầu Padma trị giá 2,9 tỷ USD là ví dụ điển hình nhất về năng lực của bà.

    Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, kinh tế Bangladesh trải qua thời kỳ lạm phát cao và cạn kiệt dự trữ ngoại hối, khiến sự bất mãn của người dân dần tăng lên. Uy tín mà Chính quyền Hasina giành được nhờ thành tích kinh tế bị suy giảm đáng kể khi đứng trước những khó khăn kinh tế trong ngắn hạn.

    Tình hình kinh tế của Bangladesh hiện nay rất tồi tệ. Một mặt, do tác động của nhập khẩu lạm phát và sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề trong nước, nên Bangladesh đang phải đối mặt với áp lực lạm phát nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Trong năm tài chính 2023 – 2024, lạm phát của Bangladesh tăng đến 9,73%, đạt mức cao nhất kể từ năm tài chính 2011-2012.

    Vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng trong các nhóm thanh niên Bangladesh cũng là một nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc biểu tình quy mô lớn này. Ước tính khoảng 18 triệu thanh niên Bangladesh hiện đang phải vật lộn để tìm kiếm việc làm. Số liệu của Cục thống kê Bangladesh cho thấy số thanh niên thất nghiệp đã tăng khoảng 240.000 người trong quý I/2024, nâng tổng số lên đến 2,59 triệu người. Hiện nay, số người thất nghiệp ở Bangladesh đã lên tới 30 triệu người, chiếm gần 1/5 tổng dân số. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tốt nghiệp đại học cao hơn so với các nhóm có học vấn thấp.

    Tình trạng trên tiếp diễn trong suốt nhiều năm liền, khiến cho sự bất mãn của người dân ngày càng gia tăng, nhất là khi họ ngày càng tỏ ra chán ghét sự chuyên quyền và chủ nghĩa gia đình trị của Hasina, vốn từ lâu đã làm mờ nhạt những thành tựu rực rỡ của bà trong 15 năm cầm quyền. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc biểu tình của sinh viên, và khiến phong trào sinh viên nhanh chóng biến thành một cuộc cách mạng dân tộc quy mô lớn.

    Cụ thể, kể từ sau khi giành độc lập vào năm 1971, Bangladesh quyết định thực hiện chính sách tôn vinh những quân nhân đã đấu tranh “vì tự do”, bằng cách dành 30% chỉ tiêu tuyển viên chức mỗi năm cho con em họ. Chính sách về chỉ tiêu viên chức đó được Tổng thống Sheikh Mujibur Rahman thiết lập từ năm 1972 và kéo dài đến hiện tại, gây ra nhiều bất bình trong dân chúng, đặc biệt là với những người trẻ có năng lực. Bởi lẽ, tại Bangladesh, viên chức được coi là công việc ổn định và có thu nhập cao hơn nhiều ngành nghề khác. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng cao, tìm được một công việc trong chính quyền là niềm mơ ước của nhiều người trẻ Bangladesh. Do đó, các cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra để yêu cầu Chính phủ chấm dứt hệ thống hạn ngạch việc làm mà bị cho là thiếu công bằng, phân biệt đối xử, chỉ ưu tiên một nhóm đặc quyền, nhất là những người ủng hộ đảng Liên đoàn Awami cầm quyền của Thủ tướng Hasina.

    Trên thực tế, nỗi bất bình này đã từng làm dấy lên phong trào kêu gọi cải cách chính sách tuyển dụng viên chức vào năm 2013 và 2018. Bấy giờ, bất chấp việc sinh viên đại học, cao đẳng ra sức ủng hộ và đẩy mạnh phong trào, Chính phủ Bangladesh vẫn nhất quyết bảo lưu quan điểm trái ngược với họ.

    Khi hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn của sinh viên nổ ra vào hồi tháng 10/2018, bà Hasina đã phải chấp thuận xóa bỏ chế độ phân bổ chỉ tiêu viên chức. Tuy nhiên, thân nhân các cựu binh Bangladesh đệ đơn kiện và Tòa Thượng thẩm Bangladesh ra phán quyết hủy bỏ quyết định này của Chính phủ. Chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức được khôi phục và tiếp tục thi hành, trong đó 30% việc làm sẽ dành cho thân nhân cựu binh, 10% cho phụ nữ, 10% cho vùng kém phát triển, 5% cho cộng đồng người bản địa và 1% cho người khuyết tật. Phán quyết này lập tức làm dấy lên sự phản đối từ sinh viên, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên Bangladesh đang rơi vào tình trạng thất nghiệp ở mức đáng báo động, khi nền kinh tế nước này đang chững lại sau đại dịch.

    Lí do tiếp theo dẫn đến sự leo thang, kéo dài và mở rộng quy mô của cuộc biểu tình hồi tháng 8 vừa qua cũng đến từ phản ứng đáp trả gay gắt bằng bạo lực của chính quyền Hasina đối với người biểu tình. Ban đầu, khi đối mặt với các nhóm sinh viên, chính quyền Hasina ban đầu đã không lựa chọn phương thức đối thoại hòa bình mà vẫn sử dụng các cơ quan thực thi pháp luật như cảnh sát và các biện pháp cứng rắn để đàn áp người biểu tình, thông qua ba phương thức sau:

    Thứ nhất, Chính quyền Hasina áp dụng phương thức đối đầu vũ trang để giải tán người biểu tình. Thủ đô Dhaka nhiều lần áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố, đồng thời chính phủ cử cảnh sát đến giải tán các cuộc biểu tình bằng vũ lực. Trong cuộc xung đột, cảnh sát sử dụng đạn cao su, lựu đạn âm thanh và hơi cay đã gây thương vong nặng nề cho người biểu tình.

    Thứ hai, tổ chức sinh viên thuộc đảng Liên đoàn Awami của Hasina – Liên đoàn Chhatra Bangladesh (BCL), tấn công bạo lực các nhóm sinh viên. Biện pháp đưa chính trị vào trường học này đã gây ra sự bất mãn nghiêm trọng trong xã hội Bangladesh. Sau khi cuộc biểu tình leo thang nhanh chóng, với sự ngầm cho phép của Cảnh sát và Ban Giám hiệu trường đại học, các thành viên BCL được trang bị vũ khí, đội mũ bảo hiểm và cầm gậy đã trực tiếp bao vây các sinh viên biểu tình, khiến hàng trăm sinh viên bị thương. Trong các cuộc đụng độ, các thành viên BCL còn ném gạch, thậm chí cả bom xăng vào các sinh viên tham gia biểu tình.

    Thứ ba, Chính quyền Hasina một lần nữa áp đặt lệnh cấm hoàn toàn Internet và cắt các dịch vụ di động. Họ cho rằng nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột này là do các thế lực nước ngoài kích động sự phẫn nộ của các nhóm thanh niên trong nước thông qua Internet. Việc cắt Internet đã dẫn đến tình trạng mất kết nối trên phạm vi cả nước. Tất cả các phương tiện truyền thông chính thống ở Bangladesh đều ngừng hoạt động, các chuyến bay quốc tế và ngành tài chính cũng bị ảnh hưởng.

    Không những thế, tính chuyên chế và độc tài của chính quyền Hasina còn thể hiện trên rất nhiều khía cạnh khác, bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp cứng rắn như “cưỡng bức mất tích” và “hành quyết không thông qua xét xử” các đối thủ chính trị, khiến cho tham nhũng lan rộng trong bộ máy hành chính. Luật an ninh kỹ thuật số được triển khai năm 2018 trở thành công cụ hữu ích để Chính quyền Hasina trấn áp những người chỉ trích và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do ngôn luận trên không gian mạng.

    Có thể nói, Chính quyền Hasina đã sa đà vào một phương thức cai trị ngày càng độc tài, tạo ra bầu không khí sợ hãi và đàn áp trong một thời gian dài, đồng thời dựa vào “sức mạnh cứng” để duy trì sự thống trị của mình. Điều này đã châm ngòi và thổi bùng cuộc biểu tình sinh viên thành một cuộc cách mạng dân tộc tại Bangladesh.

    1. Cuộc trốn chạy của Thủ tướng Sheikh Hasina và sự lên tiếng của quân đội Bangladesh

    Theo các thông tin mới nhất từ truyền thông Bangladesh, trước khi Văn phòng Thủ tướng bị tấn công, Hasina và chị gái Sheikh Rehana chạy trốn trong tình trạng hỗn loạn, không chuẩn bị trước, trên một chiếc trực thăng quân sự cất cánh từ Bangabhaban, dinh thự chính thức của Thủ tướng Bangladesh lúc 2:30 chiều (giờ địa phương) ngày 5/8. Một số nguồn tin cho rằng, ban đầu bà Sheikh Hasina lên đường sang London, Anh vào lúc 1h sáng ngày 6/8 nhưng bị từ chối nhập cảnh. Sau đó, hai chị em bà phải đến căn cứ không quân Hindon ở Ghaziabad, Ấn Độ. ProthomAlo trích dẫn các nguồn tin khác cho biết, Thủ tướng Bangladesh tiếp đó đã khởi hành đến bang Tây Bengal ở Ấn Độ. Trong khi đó, kênh truyền hình CNN News 18 của Ấn Độ đưa tin máy bay chở bà Hasina đã hạ cánh xuống thành phố Agartala, thủ phủ của bang Tripura, Đông Bắc Ấn Độ.

    Sau khi Hasina chạy trốn, quân đội Bangladesh đã can thiệp vào tình hình chính trị và cố gắng duy trì trật tự trong nước. Đại diện quân đội đã có cuộc hội đàm với các chính đảng lớn ở Bangladesh và gặp Tổng thống nước này Mohammed Shahabuddin. Ngoài ra, vài giờ sau khi Hasina tháo chạy khỏi Bangladesh, Shahabuddin cũng đã ra lệnh thả Khaleda Zia, cựu Thủ tướng và Chủ tịch đảng đối lập chính của Bangladesh là đảng Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh (BNP), cũng như thả tất cả những người bị bắt vì biểu tình.

    Trái ngược với chính quyền Hasina, quân đội Bangladesh lựa chọn không nổ súng vào người biểu tình. Họ luôn giữ thái độ thận trọng và lập trường trung lập trong các tuyên bố. Khi đợt biểu tình mới xảy ra, quân đội nước này thậm chí dần cảm thấy không hài lòng với Chính phủ Bangladesh. Điều này khiến Hasina không còn nhận được sự hỗ trợ của quân đội và phải nhận một kết cục bị thảm.

    Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, trong cuộc họp nội bộ của quân đội vào ngày 4/8, Tướng Waker-Uz-Zaman đã nhấn mạnh rằng: “Quân đội Bangladesh sẽ luôn đứng về phía người dân, bảo vệ lợi ích công chúng và đáp ứng mọi yêu cầu của đất nước”. Hàng chục cựu quan chức cấp cao của quân đội Bangladesh ra tuyên bố kêu gọi quân đội không nên cứu những người gây ra tình trạng hiện tại, hy vọng quân đội sẽ sớm cắt đứt quan hệ với Chính quyền Hasina để tránh tự chuốc họa vào thân.

    Ngoài ra, cựu Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh Iqbal Karim Buya đã đưa ra sự chỉ trích mang tính tượng trưng đối với Hasina, yêu cầu Chính phủ rút quân ngay lập tức và cho phép biểu tình. Ông nói: “Các cuộc biểu tình không chỉ bắt nguồn từ sự phẫn nộ của người dân, mà còn bắt nguồn từ niềm tin của người dân đối Chính phủ bị giảm sút nghiêm trọng”.

    Cùng với tình hình ở Bangladesh hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát vào ngày 5/8, không có gì đáng ngạc nhiên khi quân đội cũng cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Hasina. Chiều cùng ngày, quân đội Bangladesh đưa ra tối hậu thư cho Hasina, yêu cầu bà từ chức và ra khỏi đất nước trong vòng 45 phút. Trong lúc cấp bách, Hasina thậm chí còn không kịp phát biểu trên truyền hình thông báo quyết định từ chức của mình, 15 năm nắm quyền của bà đã kết thúc một cách vội vàng như vậy.

    Chiều 5/8, Tư lệnh quân đội Bangladesh Waker-Uz Zaman có bài phát biểu trước công chúng, xác nhận Hasina đã từ chức và cho biết quân đội yêu cầu thành lập chính phủ lâm thời. Trong bài phát biểu trên truyền hình sau khi Tổng thống Hasina “chạy nạn” ra nước ngoài, Waker-uz-Zamam thông báo tiếp quản tình hình và kêu gọi người dân giữ vững niềm tin vào quân đội. Quân đội đã đề nghị Thủ tướng Bangladesh Mohammed Shahabuddin, vị trí chủ yếu mang tính nghi lễ, thành lập Chính phủ mới. Các thủ lĩnh biểu tình cũng ra tối hậu thư, yêu cầu Quốc hội giải tán vào chiều nay. Thủ tướng Shahabuddin sau đó thông báo giải tán Quốc hội, mở đường cho tổng tuyển cử.

    Tướng Waker-uz-Zaman cũng cam kết sẽ điều tra các đợt trấn áp biểu tình, kêu gọi các bên bình tĩnh trong thời gian thiết lập Chính phủ mới. “Hãy tin vào quân đội. Chúng tôi sẽ điều tra và trừng phạt những người chịu trách nhiệm”, ông nói. “Tôi đã ra lệnh cấm quân đội và cảnh sát không nổ súng dưới bất kỳ hình thức nào. Giờ đây, trách nhiệm của sinh viên là bình tĩnh và hỗ trợ chúng tôi”.

    Quân đội Bangladesh cũng khá khôn ngoan khi họ không dùng bạo lực để đánh nhân dân. Bởi họ được Liên hợp quốc sử dụng trong các công việc bảo vệ hoà bình ở các vùng xung đột khác trên thế giới, nên họ không vì sợ mất hợp đồng với Liên hợp quốc, mà chỉ đứng sau can thiệp khi Thủ tướng Hasina đã rời đi.

    1. Quan điểm của nước ngoài xoay quanh sự kiện ở Bangladesh

    Cuộc khủng hoảng ở Bangladesh đặt ra thách thức lớn nhất đối với Ấn Độ, một “quân sư” chính trị và chiến lược truyền thống của Bangladesh, khi cả hai có chung đường biên giới đất liền dài khoảng 4.000 km. Tờ Financial Times giải thích trong một bài bình luận: “Sự kết thúc đột ngột của Chính phủ Hasina sau 15 năm nắm quyền đã để lại khoảng trống quyền lực ở Bangladesh, một đất nước với 170 triệu dân mà Ấn Độ coi là đối tác khu vực trung thành nhất của mình. Mặt khác, đó là một thất bại đối với chiến lược khu vực mới của Ấn Độ vào thời điểm Thủ tướng Narendra Modi đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Hơn nữa, quyết định của Ấn Độ ủng hộ Sheikh Hasina cho đến phút chót có nguy cơ làm tổn hại đến hình ảnh của Ấn Độ đối với nhiều người dân Bangladesh”.

    Ấn Độ còn là chủ nợ chính của Bangladesh với số dư khoảng 8 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á, kể cả Trung Quốc. Nhật báo Financial Times trích dẫn phân tích của C Raja Mohan, nhà nghiên cứu tại Viện chính sách xã hội châu Á ở New Delhi, cho rằng: “Hasina đã ủng hộ Ấn Độ và sẵn sàng làm sâu sắc thêm mối quan hệ. Câu hỏi chiến lược là: liệu chúng ta có thể tạo ra một mối quan hệ mang tính cấu trúc vượt qua được các thay đổi ở Bangladesh không?”. Financial Times cũng nhắc lại: Các sự kiện ở Bangladesh bổ sung vào thất bại ngoại giao của Ấn Độ.

    Trước dư luận đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đắc cử nhiệm kì thứ 3 hồi tháng 6 vừa qua, đã nhanh chóng đưa ra quan điểm chính trị của nước này với vấn đề ở Bangladesh cũng như việc tiếp nhận bà Hasina. Ông tuyên bố rằng sự cố tại Bangladesh không ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh. Ấn Độ tiếp nhận bà Hasina vì bà đang ở tình huống nguy hiểm, và đây chỉ là giải pháp tạm thời. Trên thực tế, chính quyền của bà Hasina vốn là một đồng minh tin cậy, lâu năm với Ấn Độ. Dưới thời bà Hasina, quan hệ quốc phòng Ấn Độ – Bangladesh đặc biệt phát triển, bao gồm xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ sang Dhaka, các chương trình xây dựng năng lực, tập trận quân sự chung và đào tạo quân nhân Bangladesh. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ cũng tỏ ra hết sức thận trọng và phải nhanh chóng đưa ra thông báo như trên bởi họ đang rất quan ngại rằng việc tiếp nhận Thủ tướng Hasina có thể sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ Ấn Độ – Bangladesh trong thời gian tới, khi nước láng giềng thành lập một Chính phủ mới.

    Các nước láng giềng còn lại bao gồm Sri Lanka, Nepal và Bhutan, cũng là thảm họa khác cho Ấn Độ khi họ đang xích lại gần hơn với Trung Quốc. Shafqat Munir, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu an ninh và hòa bình Bangladesh, nhấn mạnh: “Sự lo âu đang ở mức cao nhất tại New Delhi vào lúc này về khuôn khổ mà chính phủ tiếp theo ở Bangladesh sẽ hình thành. Tuy nhiên, những thực tế địa chính trị và địa lý sẽ quyết định tầm quan trọng của việc hợp tác với Ấn Độ”.

    Nikkei Asia trích dẫn đánh giá của Pallab Bhattacharya, cựu phóng viên của hãng tin Press Trust of India hiện đang viết cho nhật báo lớn của Dhaka The Daily Star, cho biết: “Các hoạt động kinh doanh không thể tiếp tục như trước. Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều về chính trị và kinh tế ở Bangladesh kể từ năm 2009 và giờ đây đang ngờ vực liệu động lực này có thể tiếp tục vì chính phủ mới có thể bao gồm những yếu tố không thân thiện với Ấn Độ”.

    Điều này ám chỉ các chính trị gia của BNP cũng như đảng Jamaat-e-Islami có thể nghiêng về Pakistan, vốn cũng là một nước láng giềng với Bangladesh, song lại là kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ. Nhà quan sát tinh tường về chính trị nội bộ Bangladesh giải thích tất cả điều này cuối cùng có thể có lợi cho Trung Quốc – đồng minh thân cận của Pakistan, trong thế đối đầu với Ấn Độ.

    Về phía Trung Quốc, Nikkei Asia cũng nhấn mạnh rằng sự thay đổi chế độ đang diễn ra ở Dhaka là cơ hội duy nhất của Trung Quốc để xích lại gần hơn với Bangladesh và củng cố ảnh hưởng của mình tại đây, từ đó góp phần làm suy yếu Ấn Độ. Trong chuyến thăm của Hasina đến Bắc Kinh, hai nước đã ký các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại đến y tế cộng đồng, bổ sung vào một khoản viện trợ của Trung Quốc trị giá 140 triệu USD.

    Bắc Kinh và Dhaka đã tận dụng cơ hội để nâng cấp mối quan hệ của họ thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” – một thuật ngữ ưa thích trong ngôn ngữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để xích lại gần một đồng minh tiềm năng. Truyền thông Nhật Bản phân tích: “Các sự kiện ở Bangladesh đã chấm dứt một Chính phủ mà Trung Quốc đã đầu tư nhiều nhưng lại mở đường cho một Chính phủ mới ra đời mà theo các chuyên gia, có thể còn thuận lợi hơn đối với Trung Quốc”.

    Nikkei Asia cho biết thêm, tuy nhiên, điều mà chính quyền Trung Quốc chắc chắn lo ngại, đó là tính chất của các sự kiện ở Bangladesh cũng có thể gợi lại những ký ức mà Bắc Kinh đang cố gắng xóa bỏ, ám chỉ đến phong trào phản đối của sinh viên Bắc Kinh dẫn đến cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, một sự kiện cấm kỵ ở Trung Quốc. Jabin Jacob, một nhà nghiên cứu tại Khoa quan hệ quốc tế của Đại học Shiva Nadar Ấn Độ, nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ là quốc gia sau cùng bình luận về sự phản đối của các sinh viên, vì câu chuyện của chính họ”. Sự thận trọng của Trung Quốc sẽ càng lớn hơn khi những thất vọng đang ngày càng tăng trong dân chúng Trung Quốc những năm gần đây do tình trạng thất nghiệp của thanh niên, tăng trưởng kinh tế chậm lại và hàng loạt vụ phá sản trong lĩnh vực bất động sản làm giảm sức mua của các hộ gia đình Trung Quốc.

    Trên thực tế, trước các tin đồn từ phía Ấn Độ rằng Trung Quốc đứng sau cuộc biểu tình ở Bangladesh, nhưng nước này tuyệt đối giữ im lặng, vì họ biết mình cần phải giữ gìn cả quan hệ với Bangladesh lẫn Ấn Độ. Trong lịch sử, ngay từ đầu năm 1971, khi phong trào giành độc lập chống Pakistan tại Bangladesh đang lên cao, Trung Quốc cũng không tỏ rõ thái độ ủng hộ chính phủ do Pakistan lập nên, thậm chí cũng từ chối yêu cầu của Pakistan là đưa quân vào đánh dẹp quân viện trợ của Ấn Độ đang tham gia giúp đỡ chính quyền Sheikh trong cuộc khởi nghĩa. Đây là một nước đi thận trọng và khôn ngoan, vì nó diễn ra ngay trước chuyến thăm của Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972. Ngay khi cuộc khởi nghĩa năm 1971 vừa giành được độc lập, phía Trung Quốc lập tức tuyên bố công nhận Chính phủ Sheikh do Ấn Độ lập nên ở Bangladesh, và tuyên bố trở thành bạn bè với Bangladesh. Trung Quốc vốn đang sử dụng một cái cảng quan trọng ở Bangladesh và có sự hợp tác mạnh mẽ về xuất khẩu dệt may với nước này. Bangladesh vẫn luôn làm một địa chính trị chiến lược mà Trung Quốc muốn giữ quan hệ tốt. Do đó, Trung Quốc sẽ giữ thái độ im lặng, và rất thận trọng, dè dặt khi đưa ra bất kì phát ngôn nào liên quan đến sự kiện ở Bangladesh.

    Về phía Mỹ và phương Tây, thái độ không ủng hộ Chính phủ Hasina vốn đã rất rõ ràng, bởi Mỹ coi là đây chính phủ độc tài, đàn áp tự do với nhiều chính sách bất công. Tuy nhiên, Mỹ cũng không công khai lên án. Bởi lẽ, đối với Mỹ, Bangladesh có ảnh hưởng rất nhỏ so với Ấn Độ, nên Mỹ không muốn lên tiếng hay tỏ rõ sự phản đối Chính phủ do Ấn Độ lập nên ở Bangladesh, tránh để sự việc này gây ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ.

    1. Dự báo về tương lai mới ở Bangladesh và bài học cho các nước khác

    Đối với nhiều người dân Bangladesh, việc Hasina phải lưu vong chắn là một lần giải phóng mới, nhưng cũng để lại khoảng trống rất lớn, có thể khiến tương lai của nước này trở nên bất định hơn. Vì vậy, chính phủ lâm thời được thành lập chỉ sau vài ngày Hasina buộc phải từ chức. Chính phủ này sẽ sớm tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với các đại diện của sinh viên và giáo viên biểu tình để giải quyết tâm lý bất mãn.

    Hiện nay, Bangladesh cũng đang có kế hoạch thúc đẩy các cuộc bầu cử công bằng để thành lập chính phủ mới trong thời gian tới sau khi tình hình đã ổn định trở lại. Nhiều khả năng đất nước này sẽ có diện mạo hoàn toàn mới trong thời gian tới, nhưng sẽ phải mất tương đối nhiều thời gian mới có thể khôi phục được sự ổn định và thịnh vượng. Bởi hiện nay, theo Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Dhaka, các cuộc biểu tình đã khiến Bangladesh thiệt hại hơn 10 tỷ USD. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn khiến nguồn cung hàng hóa bị ảnh hưởng, giá cả lên cao và làm tình trạng lạm phát thêm trầm trọng, Thêm vào đó, sự thiếu hụt đồng USD và tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng tại Bangladesh luôn ở mức cao. Ngành dệt may, nguồn cung cấp ngoại tệ chính của đất nước, vốn chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu trị giá 50 tỷ USD, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc đình công và đóng cửa nhà máy do vấn đề an toàn lao động. Cuộc khủng hoảng chính trị lần này có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề nói trên, khi các đối tác nặng ký như những gã khổng lồ thời trang H&M và Zara có thể quay lưng lại với Bangladesh.

    Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng Tư lệnh quân đội Bangladesh, Đại tướng Waker-Us-Zaman xác nhận một Chính phủ lâm thời sẽ được thành lập tại nước này. Bởi vì đây là chính phủ tạm thời nên rất khó đánh giá được xu hướng, quan điểm chính trị hay hướng đi của họ trong tương lai, mà phải chờ đến cuộc bầu cử mới, xem đảng nào lên nắm quyền, thì sẽ đưa đất nước phát triển theo hướng đó. Trong cuộc bầu cử tại Bangladesh sắp tới, BNP là đảng có rất nhiều người Islam, nếu đảng này giành chiến thắng, thì nhiều khả năng Bangladesh sẽ biến thành quốc gia Hồi giáo hơn là tiếp tục xu hướng thế tục. Vai trò của Ấn Độ ở đây là rất lớn, Bangladesh phải phụ thuộc rất nhiều vào Ấn Độ về nhiều mặt, từ giao thông vận tải cho tới hàng hoá, công nghệ… nên sắp tới, bất kể đảng nào lên nắm quyền, Chính phủ Bangladesh cũng sẽ không chống Ấn Độ, hoặc ít nhất sẽ đứng ở vị trí trung lập.

    Cuộc biểu tình ở Bangladesh đã để lại nhiều bài học cho các nước trên thế giới, mà bài học lớn nhất chính là giữ vững ổn định và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tiềm lực an ninh từ bên trong để đối phó với các nguy cơ, thách thức bên ngoài. Dễ nhận thấy, cuộc biểu tình trên chủ yếu xuất phát từ những bất mãn về quyền lợi kinh tế – chính trị của người dân, và hoàn toàn có thể giải quyết bằng đối thoại và cơ cấu lại chính sách sao cho hợp lý. Tuy nhiên, các thế lực bên ngoài rất dễ nhân cơ hội này kích động, xúi giục người dân, biến các cuộc biểu tình quy mô nhỏ thành các cuộc cách mạng màu nhằm lật đổ, thay đổi chế độ. Điều đó đã từng xảy ra ở các nước Đông Âu, Đông Nam Á, Mỹ Latin từ cuối thế kỷ XX cho đến nay. Lịch sử đã chứng minh, khi một quốc gia suy yếu về mặt kinh tế, thì tất yếu người dân sẽ dễ nảy sinh tâm lý bất mãn, khiến cho chính trị, an ninh đất nước cũng trở nên bất ổn. Trong thời đại công nghệ và toàn cầu hoá, chúng ta đã và đang phải đối phó với các nguy cơ an ninh phức tạp, từ truyền thống đến phi truyền thống. Đặc biệt, chúng ta cũng không thể loại trừ những rủi ro khôn lường của các cuộc cách mạng màu, vốn luôn được châm ngòi và thổi bùng lên từ những sự kiện nhỏ nhất. Nó là lời cảnh báo đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo và nước đang phát triển, cần phải không ngừng củng cố sức mạnh nội lực để ổn định lòng dân, đồng thời xây dựng những điểm tựa toàn diện, vững chắc về cả kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…

    T.P

    RELATED ARTICLES

    Tin mới