Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ dò tìm hiệu quả tiêm kích tàng hình Mỹ

TQ dò tìm hiệu quả tiêm kích tàng hình Mỹ

Các nhà khoa học Trung Quốc thông báo đã tìm ra phương pháp hiệu quả về mặt chi phí để có thể dò ra máy bay tàng hình của Mỹ.

Một loại radar sử dụng công nghệ mới đang được các nhà khoa học Trung Quốc phát triển có thể phát hiện và theo dõi máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ bằng tín hiệu từ hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou của Bắc Kinh.

Sử dụng một ăng-ten thu tín hiệu đơn giản, radar này tiết kiệm chi phí, có thể triển khai ở hầu hết mọi nơi trên Trái Đất và không phát ra tín hiệu có thể khiến nó bị lộ vị trí.

Thêm vào đó, nếu hệ thống BeiDou bị nhiễu, radar này có thể chuyển đổi băng tần để sử dụng hệ thống GPS, Galileo của châu Âu hoặc GLONASS của Nga, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Trong một bài báo đã được bình duyệt trên Tạp chí Công nghệ Quốc phòng của Đại học Quốc gia Trung Quốc, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng hình ảnh của một chiếc F-22 Raptor, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất tại Mỹ, để minh họa cho mục tiêu giả định của radar.

Dữ liệu hiệu suất ước tính cho thấy công nghệ này cũng có thể được áp dụng để phát hiện các máy bay tàng hình khác, chẳng hạn như F-35 của Mỹ.

Trung Quốc có một số lượng lớn radar chống mục tiêu tàng hình dọc theo bờ biển và trên các tàu chiến của mình. Nhưng các radar này phức tạp về mặt công nghệ và chỉ một số ít cường quốc mới có khả năng lắp đặt và chi trả.

Ở các quốc gia nhỏ hơn như Yemen, Syria và Li Băng, máy bay chiến đấu tàng hình của phương Tây có thể đến và đi tự do mà ít lo ngại bị phát hiện.

Theo nhóm dự án do Wen Yuanyuan, một kỹ sư cao cấp của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, radar BeiDou có thể giúp công nghệ chống tàng hình dễ tiếp cận hơn vì có chi phí rẻ hơn.

BeiDou, hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc, có số lượng vệ tinh gần gấp đôi so với GPS.

Khi tín hiệu BeiDou gặp máy bay tàng hình, chúng sẽ bị khúc xạ, tạo ra tín hiệu mà các nhà khoa học có thể phân tích để đưa ra dự đoán khá chính xác về loại mục tiêu và vị trí của nó.

Mục tiêu tàng hình thường phát ra tín hiệu yếu, rất khó để dò ra. Với công nghệ hiện tại, các radar thụ động cần có một bộ ăng-ten chuyên dụng hướng thẳng vào vệ tinh để thu được tín hiệu điều hướng trực tiếp.

Bằng cách so sánh tín hiệu tham chiếu này với tín hiệu nhận được từ một bộ ăng-ten khác, thông tin về máy bay tàng hình có thể được trích xuất. Tuy nhiên, cách tiếp cận này làm gia tăng mức độ phức tạp và làm tăng chi phí của radar.

Thay vào đó, nhóm nghiên cứu của chuyên gia Wen đề xuất một phương pháp chưa từng có, sử dụng một kênh duy nhất để xác định máy bay tàng hình, mà không cần đến ăng-ten tham chiếu.

Theo các nhà nghiên cứu, thiết kế mới này không chỉ cắt giảm đáng kể chi phí cho radar mà còn giúp thiết bị trở nên đơn giản hơn. Từ đó, việc triển khai thiết bị dễ dàng và hiệu quả hơn, cũng như giá thành thấp hơn.

Bước đột phá này có được là nhờ một thuật toán độc đáo.

Vào năm 1991, Goran Zivanovic, một nhà khoa học máy tính ở Belgrade, khi đó là thủ đô của Nam Tư, đã phát minh ra một phương pháp mới để phát hiện tần số tuần hoàn ẩn trong tín hiệu điện từ.

Sau khi thuật toán này được công bố, ông Zivanovic đã biến mất khỏi giới học thuật, và Nam Tư tan rã một năm sau đó. Công trình của ông nhận được rất ít sự chú ý, và trong 15 năm qua, không có nhà khoa học phương Tây nào trích dẫn các bài báo của ông.

Nhưng ở Trung Quốc, ý tưởng của ông đã được đánh giá cao và được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như radar, truyền thông và thiết bị sóng âm phản xạ.

Nhóm của nhà khoa học Wen đã nâng cấp thuật toán ban đầu để có thể ứng dụng trong việc phát hiện tín hiệu mục tiêu tàng hình. Trong các thử nghiệm mô phỏng, thuật toán đã phân biệt thành công khoảng cách, hướng và tốc độ của 3 mục tiêu tàng hình với độ nhiễu vô tuyến.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới