Ngày 21/10, tin “Trung Quốc sẽ áp thuế đối với người giàu ở nước ngoài (“hải ngoại phú nhân thuế”) xuất hiện và lan truyền đã thu hút sự chú ý rộng rãi và chủ đề này được đưa vào danh sách chủ đề tìm kiếm nóng.
Thông tin lan truyền nói sẽ đánh thuế đối với những cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc có giá trị tài sản ròng cao trên khắp thế giới, rằng “10 triệu USD là ngưỡng phải nộp thuế”, “cổ đông của các công ty niêm yết ở nước ngoài sẽ là đối tượng nộp thuế”…
Hãng Bloomberg ngày 15/10 đưa tin, khi Trung Quốc bắt đầu thực thi các quy định về đầu tư nước ngoài, một số người giàu có ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang phải đối mặt với mức thuế lên tới 20% đối với thu nhập đầu tư ra nước ngoài.
Các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc xác nhận chính phủ từ nhiều năm trước đã đưa ra chính sách liên quan và đã chuẩn bị về mặt thể chế cho việc thực hiện cụ thể việc thu thuế thu nhập cá nhân ở nước ngoài.
Trang tin Trung Quốc “Đệ nhất tài kinh” (Yicai, hay China Business News) gần đây đưa tin nói việc “thu thuế toàn cầu” đã có cơ sở chính sách. Vào tháng 3/2024, Tổng cục Thuế Quốc gia Trung Quốc thông báo trong một dịch vụ quyết toán thuế và cảnh báo rủi ro rằng thu nhập ở nước ngoài phải được kê khai, không được giấu giếm chờ may rủi, đồng thời làm rõ cá nhân cư dân phải kê khai, nộp thuế đối với thu nhập ở nước ngoài. Luật thuế thu nhập cá nhân quy định rằng cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại Trung Quốc đối với thu nhập có được từ cả nguồn trong và ngoài nước.
Trong “Luật thuế thu nhập cá nhân”, “thu nhập ở nước ngoài” được liệt kê rõ ràng là trường hợp người nộp thuế phải khai thuế và cá nhân cư trú được yêu cầu có thu nhập từ bên ngoài Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến tháng 6 năm sau khi thu nhập phải khai báo nộp thuế trong vòng 30 ngày.
Một luật sư tại Công ty Luật Đại Thành Bắc Kinh, nói quy định liên quan do Trung Quốc ban hành năm 2020 đã chuẩn bị cơ sở cho việc thực hiện cụ thể việc thu thuế thu nhập cá nhân ở nước ngoài. Chỉ là trước đây việc thực hiện cụ thể chưa chặt chẽ, cân nhắc chính có thể là để phát triển kinh tế và ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài.
Khi “Thông báo số 3” được ban hành năm 2020, các chủ đề liên quan đã thu hút một loạt sự chú ý. Lý do khiến tin đồn lần này thu hút nhiều sự chú ý là vì nếu chính sách này được thực hiện nghiêm túc, sẽ ảnh hưởng lớn đến giới thượng lưu Trung Quốc có tài sản ở nước ngoài.
“Thông báo số 3” mô tả tương đối chi tiết về khái niệm thu nhập ở nước ngoài, số thuế phải nộp, phương pháp tính khấu trừ và hạn mức thuế, phạm vi miễn, giảm thuế, đối tượng kê khai…
Có ý kiến cho rằng lý do khiến Trung Quốc thực hiện biện pháp này có thể tóm tắt như sau: Thứ nhất, nhu cầu của Trung Quốc về doanh thu tài chính không đủ. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, nợ của chính quyền địa phương tăng và chi tiêu công tăng, chính phủ cần tìm nguồn thu mới. Áp thuế đối với người giàu ở nước ngoài có thể thu thêm tiền thuế từ các cá nhân có giá trị ròng cao với tài sản hoặc thu nhập lớn ở nước ngoài và tăng doanh thu tài chính của đất nước.
Thứ hai, ngăn chặn dòng tiền từ người giàu Trung Quốc chảy ra ngoài. Trung Quốc đã trải qua tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài nghiêm trọng trong mấy năm qua, với nhiều người giàu chuyển tài sản ra nước ngoài để tránh rủi ro về chính sách và thuế trong nước. Bằng cách thu “thuế dành cho người giàu ở nước ngoài”, hy vọng sẽ giảm dòng vốn chảy ra ngoài và khuyến khích những cá nhân giàu có giữ vốn ở trong nước để đầu tư.
China Business News nhận thấy rằng theo sửa đổi lần thứ bảy của “Luật thuế thu nhập cá nhân” năm 2018, người nộp thuế thu nhập cá nhân ở Trung Quốc bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú; tức những người có nơi cư trú hoặc không có nơi cư trú sống ở Trung Quốc tổng cộng đủ 183 ngày hoặc ít hơn 183 ngày trong một năm tính thuế. Cá nhân cư trú phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của luật này đối với thu nhập có được từ trong và ngoài Trung Quốc. Thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú là thu nhập có được từ bên trong Trung Quốc.
Điều này cũng có nghĩa là cho dù cá nhân cư trú ở Trung Quốc có thu nhập chịu thuế từ nước ngoài hay trong nước, hoặc cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ trong nước và “chuyển” ra nước ngoài thông qua các kênh khác hay không, về mặt lý thuyết, đều nằm trong phạm vi thu nhập cá nhân phải nộp thuế. Trong “Luật thuế thu nhập cá nhân”, “có thu nhập ở nước ngoài” được ghi rõ ràng là người nộp thuế phải khai thuế theo quy định của pháp luật và yêu cầu cá nhân cư trú có thu nhập từ bên ngoài Trung Quốc cần phải khai báo thuế vào thời gian từ 1/3 đến 30/6 năm tiếp theo.
Nhiều người hành nghề luật thuế cho rằng việc đánh thuế thu nhập ở nước ngoài của cư dân là một xu hướng chung và việc Trung Quốc hành động có thể chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng, nếu Trung Quốc thực hiện việc đánh thuế nghiêm ngặt, họ cũng sẽ phải xem xét những vấn đề như một số cư dân chịu thuế có thể trốn thuế bằng cách thay đổi quốc tịch, chuyển nhượng tài sản…
T.P