Friday, October 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới hỗn loạn?

Thế giới hỗn loạn?

Hàng chục năm trước, các nguyên thủ của các cường quốc từng nói đến khái niệm “Thế giới hỗn loạn”. Nay thì từ một bộ xương còn mang tính ý niệm, nó đã rõ hình hài xương thịt.

Vì lẽ đó, tại Hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra tại Kazan, Nga, từ ngày 22 đến 24/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần nhấn mạnh cụm từ “thế giới đang ngày càng hỗn loạn”, từ đó nhận định, Nga và Trung Quốc, với tư cách là hai cường quốc, cũng như khối BRICS phải có trách nhiệm đóng góp vào bảo đảm trật tự thế giới.

Nếu như cách đây gần hai thập niên, người ta còn đổ lỗi cho sự ra đời và phát triển nhanh chóng của Internet, với tư cách là hệ thống thông tin toàn cầu gồm nhiều mạng máy tính liên kết với nhau, thì ngày này sự hỗn loạn còn thêm nhiều yếu tố khác và công nghệ thông tin, cạnh tranh địa chính trị, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo…

Trước hết là sự xuất hiện “người khổng lồ” Internet. Mạng lưới truyền thông kỹ thuật số này đã tạo ra cơ hội cho con người tiếp cận với mọi thông tin diễn ra trên khắp thế giới. Mọi người có thể liên lạc với bất kỳ ai ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc máy tính nối mạng. Thế giới trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết.

Trong tiếng reo hò vang dậy là tiếng thét, tiếng ai oán nữa. Từ đây loài người bước vào một thế giới với những quốc gia giàu có nhưng lại dễ bị tổn thương, thậm chí gục ngã hơn bao giờ hết. Tại Mỹ hay nhiều nước phương Tây có thể bị khủng bố bất cứ lúc nào. Chính sách của một quốc gia bị chi phối bởi thứ sức mạnh đến từ cuộc chiến thông tin, từ những lời bình luận vô tội vạ, những câu chuyện kể, những hình ảnh được chụp và được chia sẻ trên mạng xã hội.

Ngày nay, Ông Tập Cận Bình liên tục bày tỏ sự thất vọng khi tiếp xúc với người đồng cấp Nga. Ông nói với Putin, tình hình quốc tế đang hỗn loạn ở mức đáng báo động. Vì thế, quan hệ đối tác chiến lược của Bắc Kinh với Moscow là động lực quan trọng cho sự ổn định trong bối cảnh có những thay đổi “trăm năm mới có một lần”.

Trước đó, tháng 5/2024, ông Tập và ông Putin đã cam kết về một “kỷ nguyên mới” của quan hệ đối tác giữa hai đối thủ nặng ký nhất của Mỹ. Hai ông chẳng ngại ngần khi tuyên bố, Mỹ chính là bá chủ Chiến tranh Lạnh. Mỹ chính là kẻ hung hăng gieo rắc hỗn loạn trên toàn thế giới. Mỹ là “kẻ to xác chứ không phải là người to lớn”!

Tại Thượng đỉnh BRICS, Ông Tập khẳng định chắc chắn rằng: “Hiện tại, thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng thấy trong một trăm năm, tình hình quốc tế đan xen với hỗn loạn”. Có thể hiểu, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà các thế lực đen tối mang danh chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bè phái tôn giáo đang “lèo lái” nền chính trị thế giới, thúc đẩy chủ nghĩa dân túy bài ngoại một cách thô bạo.

Sự hỗn loạn hắc ám đang lan tỏa khắp thế giới này. Cuộc chiến Israel với Pakistan, Iran, Liban, Libi; xung đột Nga Ukraine kéo dài, chưa có giải pháp khả thi đều có sự hà hơi tiếp sức của Mỹ và phương Tây. Rốt cục chỉ có người dân lành là chịu đau khổ, chết chóc, đói rét, bệnh tật. Cuộc sống yên hàn bị đẩy về cảnh khốn khổ của những năm 50 thế kỷ trước – khi ấy trật tự thế giới tương đối ổn định.

“Thời kỳ chuyển tiếp” chúng ta đang và sẽ bước vào có thể sẽ vô cùng hỗn loạn, mang tính hủy diệt và bạo lực đến mức không thể hình dung nổi.

Thế giới làm gì trước cơn “điên loạn tập thể” này? Ông Tập nêu một bí quyết: “Tôi tin chắc rằng tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục trong nhiều thế hệ và trách nhiệm của các quốc gia lớn đối với người dân của mình sẽ không thay đổi. Hai nước ngày càng tìm thấy mục tiêu địa chính trị chung”. Ông Tập khẳng định, các nước BRICS là “lực lượng chủ chốt trong việc thúc đẩy hiện thực hóa đa cực toàn cầu bình đẳng và có trật tự, cũng như toàn cầu hóa kinh tế bao trùm và khoan dung”.

Còn Tổng thống Nga Putin tuyên bố: “Hợp tác Nga-Trung trong các vấn đề thế giới là một trong những yếu tố ổn định chính trên trường thế giới. Chúng tôi có ý định tăng cường hơn nữa sự phối hợp trên tất cả các nền tảng đa phương để bảo đảm an ninh toàn cầu và trật tự thế giới công bằng“.

Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây có “lý thuyết” của họ. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, và coi Nga là mối đe dọa quốc gia lớn nhất của mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, các nền dân chủ phải đối mặt với thách thức từ các chế độ chuyên quyền, độc đoán như Trung Quốc và Nga. Bất chấp phép lịch sự ngoại giao, ông Biden đã gọi ông Tập là “kẻ độc tài”, ông Putin là “đồ tể” và thậm chí là “kẻ điên khùng” (!).

Như vậy, thế giới hỗn loạn là do ai, vì đâu? Vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Chừng nào hai nửa thế giới còn chạy theo mục tiêu cường quyền, chạy đua vũ trang, bá chủ thế giới, thì chừng đó các trận động đất chính trị còn tiếp tục xảy ra. Chính sự hỗn loạn đã và đang làm thu hẹp không gian dành cho đối thoại, ngoại giao và hợp tác; đẩy chạy đua vũ trang và các biện pháp răn đe lên tuyến đầu trong chiến lược của nhiều quốc gia.

Rõ ràng sự cạnh tranh, trừng phạt lẫn nhau giữa các nước lớn không chỉ đơn thuần nhằm tranh giành lãnh thổ, vùng biển, nhất là khu vực Biển Đông, để giành giật tài nguyên, kiểm soát thương mại, công nghệ và năng lực quân sự, mà quan trọng hơn cả là để chi phối quan điểm và tầm nhìn sẽ định hình hệ thống quốc tế trong tương lai, nói cụ thể là tranh giành địa vị bá chủ thế giới.

Trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trước các vấn đề toàn cầu và vô vàn những biến số phức tạp, có thể làm thay đổi mạnh mẽ toàn cảnh cục diện thế giới, đặt ra bài toán hết sức khó khăn. Tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Nó làm suy yếu Hiến chương Liên hợp quốc, hệ thống thương mại đa phương, các hiệp định phát triển bền vững và môi trường.

Điều đó đòi hỏi các quốc gia phải định vị mình trong một thế giới hỗn loạn. Điều này có thể tham khảo kinh nghiệm từ Việt Nam. Chính quyền Hà Nội chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, ngày càng hiện đại để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống; trong đó, “không liên kết với nước này để chống nước kia” là quan điểm nhất quán, xuyên suốt.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới