Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiện'Dịch bệnh cô đơn' lan rộng ở Hàn Quốc

‘Dịch bệnh cô đơn’ lan rộng ở Hàn Quốc

Trái ngược với sự nhộn nhịp và hào nhoáng như nhiều người vẫn nghĩ, mỗi năm, Hàn Quốc ghi nhận hàng ngàn “cái chết cô đơn”, chủ yếu là những người già sống một mình. Đây là vấn đề chính quyền Seoul đang nỗ lực giải quyết.

Những “cái chết cô đơn” gia tăng ở Hàn Quốc.


“Dịch bệnh cô đơn” lan rộng
Hàng năm, hàng ngàn người Hàn Quốc (chủ yếu là đàn ông trung niên) chết trong lặng lẽ và cô đơn, không có liên hệ với bạn bè hoặc gia đình. Đôi khi, phải mất tới vài ngày hoặc vài tuần mới có thể phát hiện ra thi thể của họ.

Đây là những “cái chết cô đơn”, được gọi là “godoksa” trong tiếng Hàn, cũng là một phần của vấn đề lớn hơn được gọi là “dịch bệnh cô đơn” đang lan rộng khắp đất nước, một vấn đề cấp bách đến mức chính phủ đang phải làm mọi cách để ứng phó.

“Dịch bệnh cô đơn” là hiện tượng đáng chú ý trong thập kỷ qua tại Hàn Quốc, khi những vấn đề liên quan tới dịch bệnh này dần tăng: từ “cái chết cô đơn” tới tình trạng những người trẻ tuổi tách mình khỏi xã hội và ở nhà trong nhiều tháng liền. Hiện tượng này, được gọi bằng thuật ngữ tiếng Nhật là “hikikomori”, đã trở nên ngày càng phổ biến; Hàn Quốc có tới 244.000 người “ẩn dật” như vậy vào năm 2022 theo một ước tính.

Số lượng cái chết cô đơn cũng tăng lên – đạt 3.661 ca vào năm ngoái, tăng từ con số 3.559 ca vào năm 2022 và 3.378 ca vào năm 2021, theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc.

Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, hơn 84% số ca tử vong cô đơn được ghi nhận vào năm ngoái là nam giới, gấp hơn 5 lần số ca tử vong của phụ nữ. Đàn ông ở độ tuổi 50 và 60 chiếm hơn một nửa tổng số, khiến họ trở thành nhóm đối tượng “đặc biệt dễ bị tổn thương trước nguy cơ tử vong một mình”.

Chính phủ nỗ lực giải quyết
Trong nhiều năm qua, chính quyền Hàn Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến ​​khác nhau để giải quyết vấn đề này, bao gồm Đạo luật Phòng ngừa và Quản lý Cái chết cô đơn, yêu cầu chính phủ phải lập một kế hoạch phòng ngừa toàn diện và báo cáo tình hình 5 năm một lần.

Năm 2023, chính phủ đã thông qua một sửa đổi cho phép một số thanh thiếu niên sống ẩn dật đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm khoản hỗ trợ lên tới 650.000 won (475 USD) mỗi tháng cho chi phí sinh hoạt, để giúp họ “tái hòa nhập với xã hội”.

Tuần này, chính quyền thành phố đã tuyên bố họ sẽ chi 451,3 tỷ won (gần 327 triệu USD) trong 5 năm tới để “xây dựng một thành phố mà không ai phải cô đơn”.

Theo chính quyền thành phố, những sáng kiến ​​mới của họ bao gồm các biện pháp trực tuyến và trực tiếp, cố vấn về những vấn đề liên quan tới sự cô đơn.

“Sự cô đơn và cô lập không chỉ là vấn đề cá nhân, mà là nhiệm vụ mà xã hội phải cùng nhau giải quyết”, thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết trong một thông cáo báo chí. Thành phố sẽ “huy động toàn bộ năng lực của thành phố” để giúp những người cô đơn chữa lành và “trở lại xã hội”, ông nói thêm.

Thành phố cũng có kế hoạch giới thiệu các dịch vụ tâm lý mở rộng và không gian xanh; các chế độ ăn dinh dưỡng cho cư dân trung niên và cao tuổi; một “hệ thống tìm kiếm” chuyên dụng để xác định những cư dân bị cô lập cần giúp đỡ; và các hoạt động khuyến khích mọi người ra ngoài và kết nối với người khác, chẳng hạn như làm vườn, thể thao, câu lạc bộ sách, v.v.

Các chuyên gia hoan nghênh các biện pháp này nhưng cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa – một phần vì sự cô đơn ở Hàn Quốc gắn liền với một số nét đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc rất khó thay đổi.

An Soo-jung, giáo sư tâm lý học tại Đại học Myongji, cho biết: “Cô đơn là một vấn đề xã hội đáng kể hiện nay, vì vậy những nỗ lực hoặc chính sách giải quyết vấn đề này là hoàn toàn cần thiết” – tuy nhiên, ông cảnh báo rằng “cần phải cân nhắc cẩn thận về mức độ hiệu quả của các biện pháp này sẽ được thực hiện”.

Vấn đề không chỉ tồn tại ở Hàn Quốc
Tuy nhiên, Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất chiến đấu trong cuộc chiến này.

Nhật Bản, nơi xu hướng hikikomori lần đầu tiên được công nhận và nghiên cứu sâu rộng, đã bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Cô đơn và Cô lập vào năm 2021. Năm sau, chính phủ đã ban hành một kế hoạch đối phó chuyên sâu bao gồm dịch vụ tư vấn 24/7 và mở rộng các chương trình tư vấn và công tác xã hội.

Các quốc gia khác, bao gồm Vương quốc Anh, cũng đã bổ nhiệm các chức vụ tương tự. Tổng giám đốc Y khoa Mỹ đã cảnh báo về “đại dịch cô đơn và cô lập” trong một khuyến cáo năm 2023, thúc giục các biện pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội mạnh mẽ hơn và quản lý các nền tảng trực tuyến.

Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thành lập một ủy ban chống lại sự cô đơn vào năm 2023, gọi đây là “mối đe dọa sức khỏe cấp bách”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới