Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ đang đứng trước những thách thức lớn

Mỹ đang đứng trước những thách thức lớn

Vào những ngày nước rút cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống lần thứ thứ 47, nước Mỹ bất ngờ rơi vào tình thế địa chính trị nan giải chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
Giữa vòng xoáy bất ổn, Mỹ đứng trước những “cơn bão” lớn

Washington đang phải căng mình đối phó với những vấn đề quốc tế nghiêm trọng trên ba khu vực chiến lược: châu Âu, Trung Đông và châu Á. Các đối thủ chính như Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đang ngày càng cứng rắn, tạo ra những thách thức lớn cho Mỹ.

Trong bối cảnh nguồn lực của Mỹ có giới hạn, Washington cần tính toán kỹ lưỡng để điều chỉnh chiến lược quan trọng. Dù vẫn là siêu cường duy nhất, Mỹ đang phải đối mặt với sự giảm sút tương đối trong một số lĩnh vực so với các đối thủ cạnh tranh.

Nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế cùng lúc

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế, đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai, Washington phải đồng thời đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng và phức tạp như vậy.

Giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một thời điểm đặc biệt trong lịch sử ngoại giao của Mỹ, khi các thách thức không chỉ đến từ nhiều hướng mà còn có tính chất phức tạp và đan xen chưa từng thấy”.

Tại châu Âu, cuộc chiến Nga – Ukraine đã kéo dài gần 3 năm với những diễn biến ngày càng phức tạp. Nga, không như kỳ vọng của Mỹ và phương Tây, vẫn trụ vững về cả kinh tế, chính trị và ngoại giao. GDP đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ tư thế giới, còn trong cuộc chiến với Ukraine, Nga ngày càng giành được nhiều lợi thế quan trọng trên chiến trường.

Mỹ, với tư cách là trụ cột của NATO, đã phải nỗ lực tổng động viên toàn bộ khối NATO và các nước đồng minh trên toàn thế giới và trực tiếp đổ một lượng lớn nguồn lực chưa từng có để hỗ trợ Kiev.

Tính đến tháng 10/2024, Washington đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng hơn 75 tỷ USD.

Trong khi đó, các nước NATO châu Âu cũng đã tăng cường đáng kể ngân sách quốc phòng, với Đức cam kết chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, trong khi Pháp và Anh đẩy mạnh phát triển năng lực quân sự độc lập.

Cuộc chiến ở Ukraine và xung đột giữa Nga với Mỹ và phương Tây đã làm thay đổi mạnh mẽ cục diện an ninh châu Âu từ sau chiến tranh lạnh đến nay. NATO đã được mở rộng với sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự ở sườn phía Đông.

Tình hình nóng bỏng ở Trung Đông sau sự kiện Hamas tấn công vào Israel ngày 10/7/2023 và các hành động trả đũa của Israel đã trở thành mối quan ngại hàng đầu của Washington. Nguy cơ lan rộng chiến tranh ra toàn khu vực Trung Đông ngày càng hiện hữu.

Như các nhà nghiên cứu về tình hình khu vực đã chỉ rõ, tuy Israel đã có những thành công đáng kể trong việc hạ các thủ lĩnh hàng đầu của “trục kháng chiến” và làm suy yếu đáng kể các lực lượng đang chiến đấu chống nhà nước Do Thái, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại khi Iran đang ngày càng lý trí và quyết đoán hơn.

Các tổ chức như Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Li Băng hay Houthi ở Yemen vẫn không khuất phục, dù đã liên tục phải gánh chịu những tổn thất rất to lớn, trong khi các nhóm vũ trang tại Iraq và Syria vẫn không ngừng có các hoạt động nhắm vào lợi ích của Mỹ ở khu vực chiến lược trọng yếu này.

Trong khi đó, sự xích lại gần nhau giữa Moscow và Bắc Kinh cùng sự phát triển liên tục của nhóm nước mới nổi BRICS đang tạo ra một thách thức chưa từng có đối với vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt trong nhiều thập niên qua.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Trung phát triển cả về lượng và chất, đặc biệt là qua kim ngạch thương mại song phương đạt 200 tỷ USD vào năm 2023, các dự án năng lượng trị giá hơn 100 tỷ USD, và thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ trong rất nhiều thanh toán song phương.

Không chỉ vậy, 2 nước đã tăng cường tập trận chung, chuyển giao công nghệ quốc phòng và tăng cường phối hợp chiến lược trong các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, BRICS liên tục được mở rộng đang dần trở thành một cực đối trọng với phương Tây với 45% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và 35% thương mại quốc tế.

Tình hình căng thẳng mới tại Đông Bắc Á là điều Washington ít mong đợi nhất lúc này khi cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul liên tục có những động thái cực đoan thù địch chống nhau.

Đặc biệt, việc Bình Nhưỡng cho nổ mìn cắt đứt tuyến đường sắt lẫn tuyến đường bộ nối liền hai miền – biểu tượng của tiến trình hòa bình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên suốt 20 năm qua, đã đẩy căng thẳng giữa 2 bên lên mức cao nhất trong 70 năm qua.

Theo một số đánh giá của giới nghiên cứu quốc tế, số vụ phóng tên lửa của Triều Tiên năm 2024 đã tăng 300% so với cùng kỳ năm trước, còn các hoạt động quân sự ở gần Khu phi quân sự tăng 200%.

Mặc dù đang phải đối mặt với những thách thức nội tại nghiêm trọng như nợ công tăng cao (trên 30 nghìn tỷ USD), chia rẽ chính trị sâu sắc và nguồn lực có hạn để duy trì cam kết toàn cầu, nước Mỹ vẫn duy trì vị thế siêu cường với những lợi thế vượt trội trong nhiều lĩnh vực.

Về quân sự, ngân sách quốc phòng năm 2024 lên tới 886 tỷ USD, với 800 căn cứ quân sự trên toàn cầu, 11 tàu sân bay hạt nhân và công nghệ quân sự tiên tiến nhất thế giới. Về kinh tế, GDP năm 2024 ước tính đạt 25.500 tỷ USD, đồng USD vẫn chiếm 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu, và Mỹ tiếp tục dẫn đầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để đối phó, Washington một mặt duy trì đối thoại chiến lược với Trung Quốc, mặt khác vẫn kiên định trong các vấn đề cốt lõi và tiếp tục hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cao, tăng cường quan hệ nhiều mặt với các đối tác then chốt trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và các nước ASEAN, tập trung thúc đẩy các sáng kiến như AUKUS về công nghệ hạt nhân, QUAD về an ninh hàng hải và các khuôn khổ hợp tác kinh tế mới như Khuôn khổi hợp tác kinh tế Ấn Độ dương – Thái Bình dương (Indo-Pacific Economic Framework).

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt, Mỹ đã đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chip bán dẫn thế hệ mới, không chỉ nhằm củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ mà còn có thể làm thay đổi căn bản cán cân quyền lực toàn cầu trong tương lai.

Với Nga, Washington tiếp tục các biện pháp bao vây, cấm vận và trừng phạt, đồng thời cam kết hỗ trợ Ukraine, nhưng tránh những hành động có thể đưa đến đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Về vấn đề Triều Tiên, Mỹ theo đuổi chính sách kiềm chế và ngăn ngừa leo thang nhưng tăng cường các hình thức trực tiếp hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra.

Trong khi các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng lên trên 15%, Mỹ cũng đã nhanh chóng có các hành động phối hợp với các nước này để đối phó. Mới nhất là việc thành lập liên minh 11 nước giám sát Triều Tiên thay thế cơ chế cũ của Hội đồng Bảo an đã bị Nga phủ quyết không được gia hạn, cũng như tiếp tục tập trận với quân đội Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên.

Riêng ở khu vực Trung Cận Đông, Mỹ chủ trương kiềm chế ngăn chặn bùng nổ chiến tranh nóng giữa các bên nhưng vẫn cương quyết bảo vệ Israel trước những đe dọa mới nhất từ phía Tehran và “Trục kháng chiến”.

Nước này nhanh chóng điều động hai nhóm tàu sân bay USS Gerald R. Ford và USS Dwight D. Eisenhower, tăng cường hiện diện quân sự tại các căn cứ ở Qatar, UAE và Iraq, đồng thời triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trong khu vực.

Các chuyên gia dự báo trong vòng từ 6 tới 12 tháng tới, xung đột Ukraine sẽ tiếp tục căng thẳng, tình hình Trung Đông khó có thể sớm ổn định và không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể có thêm các động thái gây căng thẳng hơn nữa với Hàn Quốc… Tuy nhiên, trước mắt, ít nhất là cho đến khi kết thúc bầu cử tổng thống Mỹ, Washington sẽ cố gắng tối đa để kiểm soát tình hình, tránh những diễn biến bất ngờ có thể nổ ra.

Về lâu dài, Mỹ sẽ phải xây dựng một chiến lược ngoại giao toàn diện hơn để đối phó với những diễn biến mới trong một thế giới đa cực, cân bằng giữa các cam kết quốc tế và nhu cầu trong nước, đồng thời đổi mới cách tiếp cận với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Giáo sư Đại học Harvard Joseph Nye đã nhận định, sức mạnh thực sự của Mỹ không chỉ nằm ở khả năng quân sự hay kinh tế, mà còn ở khả năng thích ứng và đổi mới trước những thách thức mới, kể cả các những thách thức an ninh phi truyền thống, và phải tìm được cách tiếp cận cân bằng và bền vững trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, có thể thấy cách thức Washington đối phó với các thách thức hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến vị thế toàn cầu của Mỹ còn cả trật tự thế giới trong những thập niên tới, không chỉ tác động trực tiếp đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống lần này mà còn tới cả tương lai chính trị nước Mỹ trong những năm tới.

Thực tế thì quan điểm và xử lý của chính quyền Biden-Harris về các vấn đề quốc tế nổi bật thời gian qua đã ít nhiều làm mất ưu thế của Phó Tổng thống Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang rất sít sao hiện nay, nhất là trong vấn đề xung đột Israel – Palestine/Ả-rập.

Nếu để tình hình tuột khỏi kiểm soát, đấy rất có thể sẽ là yếu tố mới quyết định ngăn cản bà Harris trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Điều đó đòi hỏi sự linh hoạt, khôn khéo trong điều hành chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ trong thời gian trước mắt nhằm đảm bảo được những lợi ích chiến lược của quốc gia nói chung, lợi ích của đảng Dân chủ và cá nhân ứng cử viên Harris nói riêng.

Với sự xuất hiện của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử (quantum computing), cùng với những thay đổi trong cấu trúc liên minh toàn cầu, những quyết định của Washington trong giai đoạn này sẽ còn có ý nghĩa đối với việc định hình lại trật tự thế giới trong nhiều thập niên tới.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới