Trung Quốc bắt đầu công đoạn đào đất để xây dựng đường hầm Jintang, hầm đường sắt cao tốc dưới biển dài nhất thế giới.
Đường hầm Jintang nối thành phố Ninh Ba với quần đảo Chu Sơn, thuộc tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc. Công việc đào hầm dưới biển bắt đầu vào ngày 22/10 và đang tiến triển với tốc độ trung bình 16 m/ngày.
Đường hầm dài 16,18 km và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026, tuyến đường sắt cao tốc dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2028.
Ninh Ba và Chu Sơn hiện kết nối bằng một cây cầu vượt biển và di chuyển bằng phà. Đoạn đường sắt nối liền hai thành phố này có tốc độ thiết kế lên tới 250 km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 1 tiếng rưỡi bằng ô tô xuống chỉ còn 26 phút.
Đường hầm mới cũng kết nối Chu Sơn với mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc, rút ngắn hành trình giữa Chu Sơn và Hàng Châu từ 3 tiếng rưỡi xuống còn 77 phút.
Trung Quốc vận hành mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với hơn 46.000 km đang hoạt động – chiếm hơn 70% tổng chiều dài đường sắt cao tốc trên thế giới.
Dự án đường hầm Jintang khởi công vào tháng 5, với hai máy khoan hoạt động đồng thời từ hai đầu và sẽ gặp nhau ở giữa, bên dưới Đường thủy Jintang ở Biển Hoa Đông.
Giám đốc dự án Zhang Jintao cho biết việc xây dựng đường hầm dưới biển còn nhiều thách thức kỹ thuật.
“Chúng tôi phải đối mặt những thách thức về điều kiện địa chất phức tạp và biến đổi, khó khăn khi đào hầm dưới áp suất nước cao và yêu cầu về độ chính xác cao trong quá trình khai quật đường dài”, ông Zhang nói.
Đài truyền hình nhà nước CCTV nhấn mạnh những lợi ích của tuyến đường sắt dưới biển đối với Ninh Ba và Chu San, đặc biệt là vai trò đẩy nhanh quá trình hội nhập vào Vành đai kinh tế sông Dương Tử.
Vành đai Dương Tử là vùng kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, trải dài trên 11 tỉnh và thành phố, bao phủ hơn 21% diện tích đất đai của Trung Quốc, đồng thời chiếm gần một nửa dân số và tổng sản lượng kinh tế của nước này.
Chu San nằm ở ngã ba của vành đai sông Dương Tử và điểm giữa bờ biển phía đông Trung Quốc, được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và trung tâm của các tuyến vận tải đường thủy sông-biển, bao gồm các tuyến quốc tế hỗ trợ an ninh về lương thực, năng lượng và tài nguyên khoáng sản.
T.P