Friday, November 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTới lượt Indonesia?

Tới lượt Indonesia?

Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia vừa cho biết, cảnh sát biển nước này đã hai lần xua một tàu hải cảnh Trung Quốc khỏi vùng biển Bắc Natuna trong những ngày gần đây.

Hình ảnh tàu của Indonesia và Trung Quốc tại vùng biển Natuna

“Tàu hải cảnh Trung Quốc đã tái xâm nhập vùng tài phán của Indonesia tại biển Bắc Natuna hôm 23/10”, Cơ quan An ninh hàng hải (Bakamla) Indonesia phát thông cáo. Theo đó, hôm 23/10, một tàu của cảnh sát biển Indonesia đã chặn tàu hải cảnh Trung Quốc, số hiệu CCG 5402, và “xua nó ra khỏi khu vực”. Vẫn theo cơ quan này, trước đó hai ngày, tàu hải cảnh mang số hiệu trên của Trung Quốc cũng đã đi vào vùng biển Bắc Natuna vào ngày 21/10, nhằm gây rối hoạt động khảo sát dầu khí mà công ty dầu khí nhà nước Indonesia Pertamina đang thực hiện.

Bakamla cũng tung ra một video clip ghi lại cuộc đấu khẩu giữa lực lượng cảnh sát biển Indonesia với lực lượng hải cảnh Trung Quốc trên thực địa. Đoạn tư liệu gốc này được các cơ quan báo chí Indonesia và nhiều nước trong khu vực chia sẻ nhanh chóng, rầm rộ. Hiệu ứng ngay tức thì: câu chuyện Biển Đông vừa mới tạm nguôi ngoai được mấy ngày lập tức có chiều nóng trở lại.

Những ngôn từ hai bên sử dụng trong cuộc đấu khẩu bằng tiếng Anh khá căng thẳng. Bên nào cũng kiên quyết, khẳng định lẽ phải thuộc về mình. Cụ thể, khi một tàu Indonesia cố gắng liên lạc với tàu Trung Quốc qua radio, hải cảnh Trung Quốc đã trả lời rằng “Vùng biển này thuộc quyền sở hữu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (cách gọi Biển Đông của Trung Quốc) và vùng biển lân cận… ”. Còn cảnh sát biển Indonesia thì khẳng khẳng định: Theo luật pháp quốc tế UNCLOS, vị trí hiện tại của tàu Trung Quốc thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Hoạt động của tàu Trung Quốc trong khu vực này không được chính quyền Indonesia cho phép…”

Sau một tuần, vụ việc khép lại trên thực địa để đưa câu chuyện Biển Đông tạm thời trở lại trạng thái âm ỉ nóng. Nhưng với giới quan sát, tàu CCG 5402 của Trung Quốc rút đi không đồng nghĩa rằng, nó sẽ không trở lại. Tàu hải cảnh, rồi tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc cũng từng đến/ rút,…rồi lại trở lại các vùng biển mà Việt Nam, Philippines đã tuyên bố chủ quyền đó thôi. Thậm chí, trở lại một cách hung hãn, quyết đoán và ngang ngược hơn.

Những cú “trở lại” đó đã khiến lực lượng hải cảnh Philippines, Việt Nam mệt lử do phải bám theo để đối phó. Nó cũng khiến nhiều ngư dân Philippines và Việt Nam trở thành nạn nhân, bị cướp tài sản, thậm chí, đổ máu, bị thương trong thời gian qua. Sau các vụ gây hấn với tàu Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây, Sabin, vụ ngư dân tàu cá QNg 95739TS của Việt Nam bị tàu số hiệu 301 của Trung Quốc truy đuổi, đánh đập bị thương, cướp tài sản, là thí dụ điển hình cho thấy Trung Quốc sẵn sàng làm tất cả để đạt mục đích chiếm cho được Biển Đông…

Chính thế, mới có người cho rằng, sau Philippines và Việt Nam, giờ tới lượt Indonesia bị Trung Quốc khuấy đảo.

Nhận định trên không sai nếu thấy rằng, thời gian qua, so với Philippines và Việt Nam, Bắc Kinh dường như để cho Jakarta “dễ thở” hơn chút ít. Nhưng nếu lùi lại thời gian, vùng biển Bắc Natuna mà Indonesia tuyên bố chủ quyền đã thành đích ngắm thèm muốn của Bắc Kinh từ khá lâu rồi. Dù luôn thề thốt không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia, nhưng những dự đoán về tiềm năng hải sản, khoáng sản, đặc biệt là dầu khí…tại chuỗi gồm gần 300 đảo lớn nhỏ trong khu vực Natuna đã khiến Bắc Kinh không thể kiềm chế lòng tham lâu hơn nữa.

Bắc Kinh gây sự bằng cách ngang nhiên tuyên bố khu vực này là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc. Tháng 12/2019, với sự hộ tống của tàu hải cảnh khổng lồ, hàng chục tàu cá Trung Quốc ồ ạt tiến vào vùng biển Natuna đánh bắt hải sản. Vụ việc làm bùng lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Indonesia. Không thể ngồi yên, tổng thống Indonesia – ông Joko Widodo, đã phải lập tức bay tới thị sát và tuyên bố đanh thép: “không có sự thỏa hiệp về chủ quyền của Indonesia”.

Thời điểm ấy, dư luận từng hốt hoảng tưởng hai bên “choảng” nhau tới nơi khi Indonesia điều chiến đấu cơ, tàu chiến tới thực địa ứng phó.

Tiếp đó, trong các năm 2020, 2021, 2022, khi thì tàu cá Trung Quốc “lạc” vào vùng biển Natuna một cách đáng ngờ; khi thì tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) được Bắc Kinh điều vào thực hiện cái gọi là “khảo sát” tại đây, cũng đáng ngờ không kém. Thậm chí, có lần tàu hải cảnh Trung Quốc còn xâm nhập, đe dọa hoạt động khoan thăm dò của công ty dầu khí Harbour Energy tại Lô Tuna nằm ở Biển Natuna (do tập đoàn nhà nước Zarubezhneft của Nga hậu thuẫn)…

Và giờ đây, tới lượt tàu CCG 5402 xâm nhập gây rối hoạt động khảo sát dầu khí mà công ty dầu khí nhà nước Indonesia Pertamina đang thực hiện.

Hệ thống lại, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, sau các cuộc gây hấn cấp tập với Philippines, Việt Nam, giờ là lúc Trung Quốc tái gây hấn với Indonesia trong vùng biển Natuna chăng?

Nếu đó là ý đồ thật của Bắc Kinh, quần đảo Natuna thật sự sẽ là nhân tố bất ổn mới trên Biển Đông, đúng như dự báo của các nhà phân tích quốc tế. Như vậy, Biển Đông không còn là câu chuyện liên quan trực tiếp tới “5 nước, 6 bên”, mà to hơn, thành chuyện của “6 nước, 6 bên” mất rồi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới