Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng Trung Đông leo thang: Xung đột Israel - Iran và...

Căng thẳng Trung Đông leo thang: Xung đột Israel – Iran và nguy cơ chiến tranh toàn diện

Thế giới hiện nay đổ dồn sự quan tâm vào cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine khi cuộc chiến này ngày càng có nguy cơ leo thang. Ukraine đã đưa ra kế hoạch tiến sâu vào nội địa Nga và kêu gọi Mỹ cũng như các nước phương Tây hỗ trợ các loại vũ khí tầm xa phục vụ cho cuộc tiến công. Đáp trả điều này, phía Nga tuyên bố sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân khi lãnh thổ của đất nước có nguy cơ bị đe dọa. Sự đáp trả mạnh mẽ từ Nga sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO và các nước phương Tây, thậm chí có thể dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ 3 bao gồm cả chiến tranh hạt nhân.

Tên lửa được bắn về phía Israel từ Dải Gaza, Chủ Nhật ngày 8 tháng 10 năm 2023.

Trong tuần qua, thế giới lại chứng kiến cuộc xung đột vũ trang quân sự giữa Iran và Israel. Cuộc chiến có nguy cơ bùng lên thành chiến tranh lan rộng và lan ra toàn vùng Trung Đông. Nhìn qua có thể thấy cuộc chiến không những ẩn chứa nhiều mâu thuẫn không được giải quyết một cách cơ bản mà còn ngày càng tăng trước sự hung hăng hiếu chiến của các bên.

Công bằng mà nói, việc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 là khởi đầu của cuộc chiến. Mặc dù Hamas chỉ là phong trào Hồi giáo và không hoàn toàn đại diện cho Palestine, nhưng tổ chức này đã phát triển thành một lực lượng quân sự đáng kể với nhiều thù hận với Israel. Sự lớn mạnh của Hamas đã khiến tổ chức này có khả năng thực hiện các cuộc trả đũa và điều này dẫn đến cuộc tấn công ngày 7/10/2023. Cuộc giao tranh đến nay đã hơn một năm và không có dấu hiệu kết thúc. Nhưng xung đột không chỉ dừng lại ở Hamas mà sau gần một năm Israel đã “cầy xới” toàn bộ Dải Gaza, làm xáo trộn, hủy hoại nhiều nhà ở và khiến hàng triệu người thiệt mạng. Theo thông tin quan trọng, Israel đã tiêu diệt được lực lượng cơ bản ở Dải Gaza, từ hệ thống chỉ huy tới nhiều binh sĩ của Hamas.

Trước bối cảnh như vậy, trong suốt một năm qua, cuộc tiêu diệt tấn công Hamas đã đưa thế giới vào một tình thế phải chấp nhận những hoạt động được coi là vô nhân đạo, tàn bạo của Israel và không ai ngăn cản điều đó. Từ Liên hợp quốc, Chính phủ Hoa Kỳ đến các nước lớn như Trung Quốc và Nga đều gây áp lực cho Israel để đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Dải Gaza nhưng tất cả áp lực này trong suốt bao năm qua đều không có kết quả. Mỹ và châu Âu khẳng định ủng hộ sự độc lập chủ quyền của Israel khi bị tấn công, họ đã hỗ trợ, cung cấp viện trợ cho Israel. Đặc biệt Mỹ đã tăng cường quân sự, viện trợ về tài chính để Israel tiến hành chiến tranh. Những nước khác cũng nhìn nhận Hamas là lực lượng tổ chức khủng bố nên ở mức độ nào đó họ ủng hộ xử lý nhóm Hồi giáo cực đoan này. Họ cũng lên án có mức độ và ủng hộ cho việc thành lập Nhà nước Palestine để xóa bỏ tính chính danh của lực lượng Hamas và nếu Israel đồng thuận theo chiều hướng này thì hòa bình sẽ được lập ra và chiến tranh sẽ kết thúc. Nhưng tất cả điều đó đều chỉ mới dừng lại ở những lời kêu gọi còn Israel vẫn tiến hành những chủ trương mà họ đã vạch định. Có nghĩa là Israel phải cơ bản tiêu diệt Hamas và các lực lượng Hồi giáo khác như Hezbollah, Houthi… và thậm chí cả những nhà nước ủng hộ các phong trào này. Nước này cho rằng đây là thời điểm làm tan rã các lực lượng chống đối, bao gồm tấn công Iran.

Ngày 1/10/2024, một sự kiện làm chấn động dư luận quốc tế là cuộc tấn công của Iran vào Isreal, được coi như sự trả đũa khởi đầu đối với nước này. Các nhà bình luận sơ bộ đưa ra nhận xét nguyên nhân Iran tấn công Israel. Thứ nhất, Israel đã tiến hành nhiều vụ tấn công tàn khốc giết các tướng lĩnh Iran ngay trên đất của Iran. Thứ hai, tiêu diệt lãnh đạo Hamas ngay sau khi ông này đến dự lễ nhậm chức Tổng thống tại Tehran. Thứ ba là các vụ tấn công hầu hết các tướng lĩnh của Liban, các chỉ huy cấp cao và nhiều sĩ quan. Gần đây nhất, ngày 17/9/2024, khoảng 5.000 máy nhắn tin được cho là của các thành viên Hezbollah đã phát nổ. Vụ tấn công đã làm bị thương hơn 2.800 người và khiến 12 người thiệt mạng. Iran và các nước Hồi giáo cho rằng do tình báo của Israel gây ra. Tất cả hoạt động trên đã gây phẫn nộ cho các nhà lãnh đạo của Iran, đặc biệt là ông Khamenei – nhà lãnh đạo tối cao Iran – và quần chúng Iran, Syria đều cho rằng phải trừng trị Israel. Trong đó nhiều nhà bình luận còn suy luận vụ rơi máy bay của Tổng thống Iran là không loại trừ âm mưu do Isreal gây ra, có thể chính từ đây đã dấy lên phong trào chống Israel để trả thù.

Người ta cho rằng Israel đã gây ra quá nhiều tội ác đối với người dân Dải Gaza. Theo thống kê, đến tháng 5 năm 2024 đã có ít nhất 35.000 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em và phụ nữ. Ngoài cái chết trực tiếp bởi bom đạn, số người tử vong gián tiếp do thiếu lương thực, thuốc men và điều kiện sống thiếu thốn cũng lên tới hơn 60.000 người. Cho đến nay Israel đã từ chối mọi yêu cầu chấm dứt chiến tranh và đàm phán từ cộng đồng quốc tế. Israel được Mỹ và Anh đứng sau hỗ trợ và nếu không ngăn chặn những hành vi này thì không chỉ đe dọa tại Dải Gaza mà họ còn đang mở rộng chiến tranh đến các vùng Trung Đông khác, đặc biệt là tấn công Liban. Trước đó khi Israel tấn công Iran và tiêu diệt thủ lĩnh Hamas, Iran đã đáp trả mang tính chất cảnh báo.

Theo diễn biến cuộc tấn công ngày 1/10, phía Iran đã gây một sự bất ngờ rất lớn với Israel và gây một thiệt hại không hề nhỏ. Chưa có thông tin chính xác nhưng đã có nhiều máy bay quân sự bị phá hủy. Dư luận cho rằng Iran mới chỉ tấn công vào những mục tiêu quân sự của Israel còn các mục tiêu về kinh tế thì chưa phải là mục tiêu tấn công của Iran. Họ cho rằng đó cũng là mức độ kiềm chế đối với Israel. Trong khi đó Israel phản ứng rất mạnh mẽ trước sự kiện bị tấn công. Thủ tướng Israel đã mở cuộc họp nội các và tuyên bố rằng sẽ trả đũa quyết liệt bằng các đòn tấn công nhắm vào các giếng dầu hoặc cơ sở hạt nhân của Iran. Các cuộc tấn công trước đây của Israel vào Iran thường mang tính chất biểu tượng, nhưng lần này tổn thất của Israel là quá lớn và có khả năng quy mô đáp trả cũng sẽ vượt qua những lần trước. Nhận định rằng chỉ trong vài ngày tới, cuộc tấn công trả đũa từ Israel sẽ tiến vào Iran. Trước tuyên bố của Israel, phía Iran cũng đáp trả những thách thức như tuyên bố xóa sổ nhà nước Israel nếu như bị tấn công.

Trước bối cảnh căng thẳng, phản ứng của các nước như Mỹ đã có những ủng hộ bảo vệ chủ quyền của Israel nhưng kêu gọi phải kiềm chế. Bản thân Mỹ không muốn sự kiện này lan rộng ra các nước Trung Đông.

Nga cũng lên tiếng kêu gọi “kiềm chế tối đa” và tránh leo thang bạo lực. Ông Vassily Nebenzia, người đứng đầu phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại rằng Israel đang cố gắng tạo ra một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Mỹ. Xét ở Trung Đông, nếu Israel không có can dự của Mỹ thì cuộc chiến kéo dài rất có thể Israel sẽ thua. Nói chung dư luận thế giới đều lo ngại nếu cuộc chiến lan rộng ra Trung Đông và như tuyên bố của Iran là không chỉ tấn công vào khu quân sự mà còn nhằm vào các mỏ khai thác dầu của Israel. Mỹ lo ngại điều này sẽ đẩy khủng hoảng năng lượng leo thang. Ngoài vấn đề năng lượng cung ứng, đường vận tải bế tắc còn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Điều đáng chú ý là cuộc đáp trả của Iran với Israel ngày 1/10 đã không ngăn chặn ý đồ tấn công của Israel vào Liban và Iran. Với những gì Israel đã gây ra cho lực lượng Hamas, hủy diệt các nhà lãnh đạo và chỉ huy lực lượng Hezbollah, lực lượng tình báo Israel đã chứng tỏ họ đã biết được rất rõ không gian hành động của Iran và các phong trào Hồi giáo.

Các nhà lãnh đạo Israel bộc lộ niềm tin họ đang có cơ hội ngàn năm có một để định hình lại Trung Đông. Trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Israel Netanyahu hứa với “dân tộc Ba Tư cao quý” rằng ngày mà họ thoát khỏi sự cai trị của “bạo chúa” và chung sống hòa bình với Israel có thể đến “sớm hơn nhiều so với mọi người nghĩ”. Ông cũng cảnh báo rằng “không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận”.

Với những lời tuyên bố của Netanyahu, cuộc chiến Israel với Hezbollah, Iran và phong trào Hồi giáo chắc chắn không dừng lại. Netanyahu chỉ dừng lại khi phá vỡ hoàn toàn cấu trúc chỉ huy của Hezbollah. Điều đó có thể dự báo Israel sẽ tấn công vào Liban để tiêu diệt lực lượng Hezbollah. Các quan chức, chỉ huy quân sự và tình báo của Israel cho biết “Đây là cơ hội tiêu diệt Hezbollah để lực lượng này không bao giờ có thể phục hồi và sử dụng quyền lực nhóm này ở Liban nữa”.

Vụ ám sát Hassan Nasrallah, lãnh tụ của Hezbollah đã khiến uy tín của Netanyahu tăng lên đối với cử tri Israel, tạo động lực chính trị để Netanyahu kéo dài cuộc tấn công và phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn được nhắc đi nhắc lại của Mỹ, đồng minh phương Tây và Liên hợp quốc.

Ngày 5/10 vừa qua, Iran và các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Lãnh sự chung tại Abu Dhabi, sau đó Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng có chuyến thăm tới Ả rập Xê Út vào ngày 8/10. Có thông tin cho biết họ phát hiện tại khu vực biên giới phía Tây Iran có rất nhiều đoàn xe chở các bệ phóng của các loại tên lửa đạn đạo với số lượng lớn di chuyển khắp nơi trong khu vực. Thông tin từ chính phủ nước này cho biết họ đang sẵn sàng chuẩn bị ở mức cao nhất trong trường hợp Israel tấn công đáp trả thì họ cũng sẽ ngay lập tức đáp trả. Iran nói rằng họ không loại trừ khả năng sẽ tấn công vào những mục tiêu sống còn với Israel, trong đó có cơ sở hạt nhân.

Một vấn đề nữa đáng lo ngại, Iran là một nước lớn, đến nay chưa thể biết được tiềm lực quân sự của Iran đến đâu và sản xuất được bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Nếu chiến tranh leo thang và Iran sử dụng vũ khí hiện đại như họ công bố thì sẽ là một thảm họa và gây tổn hại lớn. Đây không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng Iran và Israel mà còn kéo theo cả Liban, Iraq, Syria cũng như các lực lượng Hồi giáo, đồng thời đẩy cả thế giới, bao gồm Mỹ và các cường quốc khu vực vào vòng xoáy chiến tranh. Tình hình này có nguy cơ sẽ hủy hoại toàn cầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới