Hai tuần trước Ngày bầu cử, Phương Liên đến điểm bỏ phiếu sớm ở Texas để bầu cho ông Trump, tin rằng ứng viên Cộng hòa sẽ giúp cải thiện kinh tế Mỹ.
“Vợ chồng tôi đến điểm bỏ phiếu ở nhà thờ gần nhà để bầu cho ứng viên Cộng hòa Donald Trump, trong bối cảnh thuế, lạm phát tăng cao, an ninh khu vực suy giảm sau nhiệm kỳ của Tổng thống đảng Dân chủ”, Phương Liên, 38 tuổi, nói với VnExpress sau khi bỏ phiếu sớm ngày 23/10 ở Houston, bang Texas.
Texas được coi là “bang đỏ”, nơi các cử tri có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa. Liên cho biết giới chức bang đã tổ chức các điểm bầu cử ở từng khu vực, nơi có nhân viên điều phối hướng dẫn cử tri nhập số công dân vào máy bầu cử. Cử tri trước đó vài tháng cần đăng ký trực tuyến để có thể đi bỏ phiếu.
Chính quyền thành phố Houston cũng đã thêm tiếng Việt vào danh sách 5 ngôn ngữ sẵn có để hướng dẫn cử tri đăng ký, bỏ phiếu trực tiếp và trực tuyến. Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ ba ở Houston, trong khi toàn bang Texas có hơn 316.000 người gốc Việt, đông thứ hai trong nhóm gốc Á.
Sau khi nhập dữ liệu trên màn hình máy bầu cử, vợ chồng Liên bấm nút in phiếu bầu, kiểm tra lại kỹ càng thông tin trên đó rồi đem đến máy scan nộp phiếu. Quá trình bỏ phiếu hoàn tất, nhân viên bầu cử phát tem lưu niệm, chứng nhận cử tri đã đi bầu.
“Giới chức tổ chức bầu cử tốt, an ninh cao, vợ chồng tôi đi bầu sớm nên cũng không quá đông đúc. Chúng tôi mong ông Trump tái đắc cử, khắc phục những hậu quả do chính sách trợ cấp xã hội cho người nhập cư mà phe Dân chủ để lại ở Texas”, chị Liên, người đã định cư ở Mỹ 8 năm, chia sẻ về lựa chọn trong lá phiếu.
Theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu, phát triển chính sách Người Mỹ gốc Á, Thái Bình Dương (AAPI), Mỹ có 1,3 triệu cử tri gốc Việt đủ điều kiện bỏ phiếu.
Khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington hồi tháng 5 cho thấy 51% cử tri gốc Việt ở Mỹ đã đăng ký xác định nghiêng về đảng Cộng hòa, trong khi 42% nghiêng về đảng Dân chủ, ngược lại với phần đông cử tri gốc Á.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra cử tri gốc Việt đang có sự phân hóa lựa chọn trong lá phiếu. Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Texas chỉ ra người gốc Việt lớn tuổi thường ủng hộ đảng Cộng hòa, còn người trẻ tuổi nghiêng về đảng Dân chủ có xu hướng quan tâm đến các vấn đề xã hội như nợ sinh viên, chăm sóc sức khỏe, nhà ở.
Tại Đại học Texas, John Lam và Vincent Dinh có quan điểm chính trị trái ngược khi bầu tổng thống. Lam quan tâm đến vấn đề hạ tầng, nhập cư, quyền công dân, trong khi Dinh ủng hộ tạo việc làm, giảm sinh hoạt phí.
“Tôi bầu cho ứng viên đảng Dân chủ, nhìn chung phe Dân chủ nắm quyền sẽ tốt hơn đối với nước Mỹ so với phe Cộng hòa”, Lam nói. Về phía Dinh, anh ủng hộ đảng Cộng hòa vì lập trường chống phá thai và cam kết xử lý bất ổn kinh tế. “Tình hình tệ đi trong 4 năm qua. Tôi hy vọng ông Trump có thể một lần nữa khiến nước Mỹ khởi sắc”.
Lan T., 40 tuổi, sống ở bang New Jersey, cũng cho biết cộng đồng người Việt ở khu vực có sự phân hóa trong lá phiếu, khi cư dân các thành phố lớn phía bắc, gần New York thường ủng hộ phe Dân chủ, còn ở phía nam có xu hướng ủng hộ Cộng hòa.
Chị Lan nằm trong 1,9 triệu cử tri bang này bỏ phiếu sớm để tránh cảnh xếp hàng nhiều giờ trong Ngày bầu cử. “Tôi và gia đình bầu cho bà Harris, vì nền dân chủ, quyền của phụ nữ và vấn đề biến đổi khí hậu”, chị Lan, làm việc trong ngành marketing ở New Jersey, nói.
Patrick Do, chuyên viên phân tích 26 tuổi sinh ra và lớn lên ở New York, cũng bầu cho bà Harris khi đi bỏ phiếu sớm hôm 2/11.
“Không giống quan điểm của thế hệ trước, cử tri gốc Việt trẻ tuổi hiểu tình hình, không khí của chính phủ, xã hội. Chúng tôi cởi mở hơn với thay đổi, đặt niềm tin vào bà Harris vì tầm nhìn của đảng Dân chủ đối với đất nước”, Patrick giải thích.
Trước Ngày bầu cử, hàng loạt bang đã tăng cường biện pháp an ninh, chuẩn bị cho mọi kịch bản bạo lực có thể xảy ra. Lực lượng phản ứng khẩn cấp được đặt trong tình trạng sẵn sàng, trong khi cảnh sát tăng cường tuần tra đường phố.
Patrick mô tả bầu không khí ở New York căng thẳng hơn mọi năm vì tính chất sít sao của cuộc bầu cử lần này, song khu vực anh sinh sống vẫn đảm bảo an ninh.
Nhưng tại Washington, Long Nguyễn, 31 tuổi, cho biết người dân thủ đô vẫn chưa quên được vụ bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021. Giới chức Washington đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất, dựng rào chắn quanh Nhà Trắng và nhiều khu vực, tòa nhà trong thành phố.
“Họ cảnh giác hơn. Một số phòng ban ở công ty tôi đã cho phép nhân viên làm việc từ xa đến hết tuần để đảm bảo an toàn”, Long nói. “Tình hình sẽ nóng cho đến khi có kết quả bầu cử, tôi cũng dự định hạn chế đến các khu vực có nguy cơ cao xảy ra bạo loạn”.
Dù vậy, vào Ngày bầu cử 5/11, Long cho biết bầu không khí trở nên háo hức, khi nhiều người đến điểm bỏ phiếu. Một số công ty cho nhân viên đi làm muộn ngày 5/11 để bỏ phiếu, nên nhiều cử tri gốc Việt đã tranh thủ thời gian để đến điểm bầu cử vào buổi sáng.
Long cùng nhiều người thân, bạn bè gốc Việt ủng hộ bà Harris, như đa số người dân ở thủ đô Washington.
“Nước Mỹ sẽ đi về đâu trong 4 năm tới phụ thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc bầu cử này. Nếu ông Trump đắc cử, tình trạng phân cực chính trị có thể gia tăng, dẫn đến các chính sách bảo thủ mạnh mẽ hơn, trong khi nhiệm kỳ của Harris sẽ tập trung vào các cải cách tiến bộ, nhưng sẽ vấp phản đối lớn từ phía Cộng hòa”, Long nói.
T.P