Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThỏa thuận và răn đe: Chính sách đối ngoại của ông Trump...

Thỏa thuận và răn đe: Chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ ra sao trong tình hình mới?

Tổng thống đắc cử dự kiến ​​sẽ phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, tìm cách gieo rắc nỗi sợ hãi cho đối thủ và giành được sự ủng hộ lớn hơn từ các đồng minh.

Ông Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Trump Tower ở New York vào ngày 27/9

Do thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, các cố vấn kỳ vọng ông sẽ điều hướng các cuộc xung đột ngày càng mở rộng bằng cách xây dựng khả năng răn đe đồng thời ủng hộ các chính sách giao dịch với các đồng minh.

Theo các cố vấn này, nước Mỹ chưa đủ đáng sợ ở nước ngoài dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Họ cho rằng, bằng cách phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump sẽ mang lại hòa bình hoặc ít nhất là ngăn chặn sự leo thang hơn nữa ở Ukraine, Trung Đông và hơn thế nữa.

“Đó sẽ là sự trở lại của hòa bình thông qua sức mạnh. Răn đe sẽ được khôi phục”, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Robert O’Brien, người có thể đóng vai trò cấp cao trong chính quyền sắp tới, cho biết. “Đối thủ của Mỹ hiểu rằng những điều họ đã đạt được trong 4 năm qua sẽ không được dung thứ nữa”.

Việc thực thi các chính sách như vậy nói dễ hơn làm, đặc biệt là khi Nga, Iran và Triều Tiên liên kết thành một liên minh quân sự không chính thức có sự hậu thuẫn về kinh tế và ngoại giao từ một Trung Quốc đang nhanh chóng tái vũ trang.

Khi ông Trump thất bại vào năm 2019 trong việc đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vấn đề Bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết một cách tương đối cô lập. Nhưng tình hình hiện nay đã khác hẳn, một cựu quan chức Nhà Trắng của ông Trump cho biết.

“Với việc binh lính Triều Tiên hợp tác với Nga để tấn công Ukraine bằng tên lửa của Iran, trong khi Iran đang bán dầu cho Trung Quốc, sự liên kết giữa tất cả các lĩnh vực chính sách khác nhau này là điều mà chúng ta không có”, vị quan chức cho hay. “Chúng ta có thể có một chính sách riêng biệt đối với Triều Tiên. Chúng ta có thể có một chính sách riêng biệt đối với Iran. Bây giờ nó phải được thực hiện một cách toàn diện hơn nhiều”.

Không giống như ông Biden, người đã không nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ tháng 2/2022, ông Trump đã ra hiệu rằng ông đang hướng tới đàm phán giải quyết cuộc chiến ở Ukraine. Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, người từng giữ chức vụ an ninh quốc gia hàng đầu trong chính quyền Trump, cho biết, chính sách ngoại giao cá nhân như vậy có thể hữu ích trong việc làm suy yếu trục chống Mỹ mới.

Ông Kellogg, người đang được cân nhắc cho một vị trí cấp cao trong chính quyền mới, cho biết: “Tất cả đều bắt đầu từ các mối quan hệ cá nhân. Tổng thống Trump sẽ liên hệ với các nhà lãnh đạo chủ chốt để cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề. Bạn luôn có sẵn những lựa chọn mạnh mẽ hơn, như trừng phạt hoặc vũ lực, nhưng đó không phải là lựa chọn đầu tiên”.

Các liên minh của Mỹ có thể sẽ phải chịu căng thẳng nếu ông Trump tăng thuế thương mại đối với các đồng minh châu Âu và châu Á, như ông đã nói trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông thường xuyên phàn nàn rằng các quốc gia như Đức, quốc gia có thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ trong khi được hưởng sự bảo hộ quân sự, đang lợi dụng sự hào phóng của Mỹ.

Chuẩn bị cho một mối quan hệ mới với Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7/11 đã cảnh báo về “chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương ngây thơ” trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Âu tập trung tại Budapest. Ông Trump “đã được người dân Mỹ bầu chọn và ông ấy sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ, đó là điều hợp pháp và tốt đẹp”, ông Macron nói. “Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có sẵn sàng bảo vệ lợi ích của người châu Âu hay không. Đây là câu hỏi duy nhất”.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhóm của ông Trump ban đầu gặp khó khăn trong việc thuyết phục người châu Âu thay thế thiết bị từ các nhà cung cấp viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc như Huawei vì lo ngại họ có khả năng bị gián điệp. Cuộc chiến thương mại của ông Trump chống lại châu Âu khiến một số nhà lãnh đạo ít sẵn sàng hợp tác với Washington hơn.

Nếu các chính phủ châu Âu cảm thấy chính quyền mới của ông Trump đe dọa an ninh của họ bằng cách giúp đỡ Nga trong vấn đề Ukraine, thì các đồng minh của Mỹ có thể muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phá bỏ quan hệ với Washington.

Cách tiếp cận cứng rắn hơn
Mối quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ chi phối nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Các cố vấn cũ và hiện tại cho biết ông dự kiến ​​sẽ tăng cường cách tiếp cận cứng rắn của mình. Ông Trump có thể quay trở lại cuộc chiến thương mại mà ông từng khởi xướng và đầu tư nhiều hơn vào sự chuẩn bị của quân đội Mỹ cho một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Thái Bình Dương.

Hai cựu quan chức chính quyền Trump cho biết, Tổng thống đắc cử cảnh giác hơn với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 và vì hậu quả tai hại của nó, ông đã thua ông Biden vào năm 2020, theo Wall Street Journal.

Thượng nghị sĩ Chris Coons cảnh báo rằng bất kỳ hành vi xử lý sai lầm nào của ông Trump trong quan hệ với các đồng minh châu Âu đều có thể mang lại lợi ích địa chính trị cho Bắc Kinh. Ông nói: “Người Trung Quốc đã chờ đợi và chuẩn bị cho điều đó, và tốt hơn hết chúng ta nên thách thức những tiến bộ công nghệ cũng như sự thống trị có thể xảy ra ​​của Trung Quốc trong quan hệ đối tác với các đồng minh của chúng ta”.

Thu hẹp các cam kết quân sự của Mỹ ở nước ngoài là mục tiêu trong chính quyền trước đây của ông Trump. Các cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu và Trung Đông không liên quan trực tiếp đến quân đội Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là ông Trump sẽ đứng ngoài cuộc. Thay vào đó, các cố vấn cũ và hiện tại cho biết, Tổng thống sắp tới có thể sẽ cố gắng can dự vào mặt ngoại giao, có khả năng nhiều hơn ông Biden từng làm.

Theo những người ủng hộ và thậm chí một số người chỉ trích ông, điểm mạnh nhất của ông Trump chính là sự khó đoán, không giống như ông Biden, người thường thông báo trước về hành động của mình. Trong một câu nói hớ hênh vào tháng 1/2022, ông Biden nói rằng các đồng minh phương Tây sẽ không có phản ứng thống nhất nếu Nga thực hiện một “cuộc xâm lược nhỏ” vào Ukraine – nhận xét mà những người ủng hộ ông Trump cho rằng đã khuyến khích cuộc tấn công toàn diện chỉ hơn một tháng sau đó.

Với ông Trump, các nhà lãnh đạo đối thủ không thể chắc chắn Mỹ sẽ phản ứng đến mức nào trước các động thái của họ.

Matthew Kroenig, phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Răn đe đòi hỏi phải truyền đạt rõ ràng các mối đe dọa đối với đối thủ của bạn và ông Trump đã làm được điều đó”.

Cái giá đắt
Ông Trump đã nói rõ rằng ông muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, mặc dù chưa nói rõ bằng cách nào. Các cố vấn của ông đề nghị “đóng băng” chiến tranh tại chỗ, xác nhận trên thực tế Nga đã chiếm được khoảng 20% ​​lãnh thổ Ukraine và buộc Kiev từ bỏ mục tiêu hàng thập kỷ là trở thành thành viên của NATO.

Các cố vấn cho biết, ông Trump được cho là cứng rắn hơn với Iran so với ông Biden, có khả năng sẽ khôi phục việc thực thi các biện pháp trừng phạt và quay trở lại chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền trước của ông, đặc biệt nếu Tehran tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngày 8/11, Bộ Tư pháp tiết lộ rằng FBI đã phá vỡ một âm mưu của Iran nhằm ám sát ông Trump trước cuộc bầu cử. Vào tháng 8, các công tố viên Mỹ đã buộc tội một người đàn ông Pakistan có quan hệ với Iran trong âm mưu ám sát ông Trump.

Ông Trump vẫn sẵn sàng đàm phán với Iran, một trong những cựu quan chức chính quyền của ông cho biết, nhưng Tehran sẽ phải trả giá rất đắt trên bàn đàm phán.

Những người thân cận với tổng thống đắc cử cho biết, cả ông Trump và người đồng hành của ông, J.D. Vance, đều không muốn chiến tranh với Tehran. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ đứng nhìn nếu Iran quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân.

Ông Trump từ lâu đã vận động chống lại cái mà ông gọi là các cuộc chiến tranh bất tận và cuối cùng ông có thể rút quân Mỹ khỏi Syria và Iraq, nơi họ đã nhiều lần bị các nhóm ủy thác của Iran tấn công.

“Chúng tôi chưa biết nó sẽ như thế nào, nhưng cách tiếp cận của ông Trump sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều và điều đó sẽ không gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai”, Andrew Tabler, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, người từng phục vụ tại Viện Chính sách Cận Đông, cho biết. “Ông ấy có thể sẽ sử dụng ngoại giao, các biện pháp trừng phạt cũng như mối đe dọa nhờ dụng lực lượng quân sự để cố gắng tác động đến kết quả”.

Các cố vấn cũ và hiện tại cho biết ông Trump có thể sẽ tìm cách đưa Arab Saudi vào Hiệp định Abraham, một loạt thỏa thuận song phương mà chính quyền của ông đã đàm phán giữa Israel và 4 quốc gia Arab. Ông đã không đạt được điều đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Không giống như chính quyền Biden, vốn ngăn cản Israel tấn công các địa điểm hạt nhân và cơ sở xuất khẩu năng lượng của Iran, ông Trump đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “hãy làm những gì ông phải làm” liên quan đến Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Ông Trump đã vận động thành công để thu hút cử tri Hồi giáo và Arab trước cuộc tàn sát ở Gaza, đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris tại các thị trấn có đông người Mỹ gốc Arab, như Dearborn, Michigan. Không giống như ông Biden, ông Trump sẽ phải trả một cái giá về mặt chính trị nếu như muốn vũ trang cho Israel để kết thúc chiến tranh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới