Tổng thống đắc cử đã thay đổi căn bản các chuẩn mực và ý thức hệ của nền chính trị Mỹ.
Donald Trump sẽ đi vào lịch sử như một vị tổng thống thực sự làm nên lịch sử. Đó không phải là một phán đoán đạo đức, nhưng đơn giản là sự thừa nhận về quy mô thành tựu của ông trong việc tái thiết hoàn toàn nền chính trị Mỹ.
Giống như Franklin Roosevelt hay Ronald Reagan, Trump không chỉ đơn thuần giành chiến thắng trong lần tái tranh cử. Ông còn mang đến những thay đổi cơ bản về chính sách, ý thức hệ, và bối cảnh chính trị. Thật không may, ông cũng mang đến một thay đổi sâu sắc trong các chuẩn mực chính trị, bằng cách tung hô các thuyết âm mưu và từ chối chấp nhận rằng mình đã thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Lời cáo buộc rằng Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ hóa ra không phải là lập luận thuyết phục mà Đảng Dân chủ mong đợi. Có lẽ là vì người Mỹ đơn giản là không tin vào lập luận này. Nhưng cũng có bằng chứng cho thấy thực sự có nhu cầu về một lãnh đạo cứng rắn hơn ở Mỹ.
Một cuộc thăm dò của Viện Pew được thực hiện vào đầu năm nay cho thấy 32% người Mỹ tin rằng việc có một nhà lãnh đạo cứng rắn có thể điều hành mà không bị ràng buộc bởi tòa án hoặc cơ quan lập pháp là một ý tưởng hay. Một cuộc thăm dò khác, được thực hiện vào năm ngoái, cho thấy 38% người Mỹ và 48% đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng đất nước cần một nhà lãnh đạo sẵn sàng “phá vỡ một số quy tắc nếu đó là điều cần thiết để đưa mọi thứ về đúng quỹ đạo.”
Bản năng chính trị mách bảo Trump – rằng nhiều người Mỹ có thể muốn một nhà lãnh đạo cứng rắn – cũng thúc đẩy ông tách biệt mình khỏi quan điểm chính thống của Đảng Cộng hòa và phe Reagan trong nhiều thập kỷ về nhiều vấn đề, từ thương mại tự do đến bảo vệ nền dân chủ trên toàn thế giới. Trước khi Trump xuất hiện, người ta vẫn cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là một gánh nặng bầu cử – chỉ được những kẻ thua cuộc lập dị như Pat Buchanan ủng hộ. Trump, người nói rằng thuế quan là từ yêu thích của ông, đã chứng minh rằng người dân Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận các chính sách bảo hộ. Bằng chứng về thành công của ông trong việc đảo ngược nhiều thập kỷ chính thống là chính quyền Biden đã không bãi bỏ thuế quan của Trump.
Trump cũng đã phá vỡ quan hệ với những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, vốn tôn thờ ký ức của Reagan và ủng hộ việc thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, điều này cũng chứng tỏ là một lời kêu gọi chính trị khôn ngoan. Các nghiên cứu học thuật đã chỉ ra rằng những khu vực của đất nước có thương vong quân sự cao hơn mức trung bình có nhiều khả năng ủng hộ Trump hơn đáng kể.
Dưới thời chính quyền George W. Bush, người ta thường cho rằng Đảng Cộng hòa sẽ mất đi sự ủng hộ của cử tri gốc Tây Ban Nha nếu họ tỏ ra quá thù địch với vấn đề nhập cư. Và Trump đã chứng minh rằng điều này không đúng.
Ý thức hệ của Trump, theo một số khía cạnh, là sự đảo ngược chủ nghĩa Reagan. Trong khi Reagan kêu gọi thương mại tự do và đối đầu với Liên Xô, thì Trump lại ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và hòa giải với nước Nga của Vladimir Putin. Sự lạc quan tươi sáng của Reagan về Mỹ trái ngược với sự bi quan ảm đạm của Trump về sự suy tàn của nước Mỹ. Và trong khi Reagan thường cư xử đúng mực và lịch sự, thì Trump lại có phần thô bạo và đe dọa.
Chính sách kiểu Reagan duy nhất mà Trump luôn ủng hộ là cam kết giảm thuế và bãi bỏ các quy định. Không phải ngẫu nhiên mà đây lại là yếu tố của chủ nghĩa Reagan được các ông trùm công nghệ và tài chính tài trợ cho các chiến dịch chính trị coi trọng nhất.
Từ tuyên bố đầu tiên của mình khi ra tranh cử vào năm 2015, Trump đã thách thức các chuẩn mực về hành vi chính trị theo những cách dẫn đến các dự đoán sai lầm rằng sự nghiệp chính trị của ông sẽ sớm kết thúc. Ông chỉ trích và bắt nạt những đảng viên Cộng hòa khác, chế giễu người khuyết tật, đưa ra những bình luận thô tục về phụ nữ, và cố gắng lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng không có điều gì trong số đó đủ để chấm dứt sự nghiệp của ông. Trên thực tế, những bình luận đập tan những điều cấm kỵ của Trump còn có thể có lợi cho ông.
Trong tám năm qua, Trump đã tiếp quản Đảng Cộng hòa Vĩ đại – như cách mà những người Cộng hòa thích tự gọi mình – và biến nó thành một công cụ cá nhân. Những nhân vật Cộng hòa không thể chịu đựng các chính sách hoặc phong cách của ông – như Mitt Romney, Paul Ryan, và Liz Cheney – đã rời khỏi chính trường hoặc bị gạt ra ngoài lề. Trong khi đó, những đảng viên khác từng phản đối ông đã phải xin lỗi. J.D. Vance, người sẽ là phó tổng thống của Trump, từng tweet rằng, “Những người theo Đạo Thiên Chúa, mọi người đang nhìn chằm chằm vào chúng ta khi chúng ta phải xin lỗi vì người đàn ông này. Xin Chúa giúp chúng ta.” Thế rồi, ông đã xin lỗi – không phải với Chúa, mà là với Trump.
Chiến thắng của Trump trước Kamala Harris sẽ được xem là bằng chứng cho thấy chương trình nghị sự MAGA của ông không chỉ được Đảng Cộng hòa mà cả nước Mỹ chấp nhận. Những người ủng hộ ông có thể sẽ yêu cầu nhanh chóng triển khai toàn bộ các chính sách MAGA – cho dù đó là trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm thuế, hay thanh trừng “nhà nước ngầm.”
Tuy nhiên, trong khi thành công chính trị của Trump là không thể phủ nhận, sẽ là một sai lầm nếu diễn giải quá mức uy quyền của ông. Hiện tại, có một tâm trạng chung chống lại lãnh đạo đương nhiệm mạnh mẽ trên khắp phương Tây khi cử tri phải vật lộn với lạm phát, nhập cư, và thay đổi văn hóa. Tâm trạng chống lại lãnh đạo đương nhiệm đó đã khiến Đảng Bảo thủ không còn nắm quyền ở Anh, Emmanuel Macron mất thế đa số ở Pháp, và bây giờ là sự sụp đổ của chính phủ Đức. Đây cũng là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp mà đảng đương nhiệm để mất phiếu bầu.
Những cử tri Mỹ thất vọng giờ đây đã đặt niềm tin vào một nhà lãnh đạo tự xưng là cứng rắn. Trong bốn năm tới, họ sẽ khám phá ra liệu Trump có phải là câu trả lời cho lời cầu nguyện của họ, hay chỉ là một cơn ác mộng biết đi.
T.P