Gặp lãnh đạo NATO, ngoại trưởng Mỹ nói cần phản ứng mạnh với việc quân đội Triều Tiên được triển khai chiến đấu cùng lực lượng Nga ở biên giới Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, để bàn về tình hình Ukraine trong giai đoạn chuyển giao chính quyền ở Washington.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Blinken cho biết ông đã cùng ông Rutte thảo luận việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine và những việc NATO phải làm để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình. Chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ sẽ “tiếp tục củng cố mọi thứ chúng tôi đang làm cho Ukraine”, ông nói.
Theo Hãng tin AFP, ông Blinken đã thảo luận về thực tế là binh lính Triều Tiên đã được “đưa vào cuộc chiến, và bây giờ đang chiến đấu theo đúng nghĩa đen, điều cần phải và sẽ có phản ứng cứng rắn”.
Vài ngày trước đó, phó phát ngôn Vedant Patel của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng hơn 10.000 binh lính Triều Tiên “đã được điều đến miền đông nước Nga và hầu hết trong số họ đã chuyển đến vùng Kursk ở phía tây, nơi họ bắt đầu tham gia vào các hoạt động chiến đấu cùng với lực lượng Nga”.
Theo đó, lực lượng Nga đã huấn luyện binh lính Triều Tiên “về pháo binh, thiết bị bay không người lái và các hoạt động bộ binh cơ bản, bao gồm cả việc dọn chiến hào, đây là những kỹ năng quan trọng cho các hoạt động tiền tuyến”.
Trong ngày 13-11, giờ Brussels, ông Blinken sẽ có cuộc gặp với hàng loạt quan chức NATO và châu Âu để bàn về việc nhanh chóng đẩy mạnh ủng hộ cho Ukraine trong những tuần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha, Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu Christopher Cavoli, Ngoại trưởng Anh David Lammy và các quan chức hàng đầu của EU.
Theo Hãng tin Reuters, ông Blinken sẽ thúc đẩy các đồng minh nắm vai trò lớn hơn trong việc ủng hộ cho Kiev trong khi chưa rõ động thái của chính quyền ông Trump.
Sự trở lại của ông Trump đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay không và làm dấy lên lo ngại trong các đồng minh của Washington rằng ông có thể buộc Kiev chấp nhận hòa bình theo các điều khoản của Nga.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã tuyên bố ông có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine “trong vòng 24 giờ” nhưng không nói rõ sẽ làm điều đó như thế nào.
Trên thực địa, cả Nga và Ukraine đều đang chạy đua để giành ưu thế đàm phán trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng vào đầu năm sau.
T.H