Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTriển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 hứa hẹn “nhiều...

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 hứa hẹn “nhiều bất ngờ”

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết sẽ có một danh mục vũ khí do Việt Nam chế tạo với “những vượt trội” được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 và “hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ”. Trong số các quốc gia tham gia triển lãm có các công ty đến từ Iran, Israel, Trung Quốc, Nga và Mỹ. Đây là một sự kiện hiếm hoi khi các đối thủ địa chính trị cùng tham gia trưng bày sản phẩm vũ khí của họ.

Đại diện Ban tổ chức chủ trì họp báo.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung thiết bị quân sự để giảm sự phụ thuộc kéo dài nhiều thập niên vào Nga. Hà Nội cũng đã thảo luận về các thỏa thuận mua sắm tiềm năng với nhiều quốc gia, cố gắng tận dụng chính sách ngoại giao linh hoạt để có mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc.
Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện vẫn chưa công bố danh sách đầy đủ các đơn vị tham gia và không rõ những loại vũ khí nào sẽ được trưng bày. Reuters dẫn lời Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết, Tập đoàn quốc phòng khổng lồ Norinco của Trung Quốc, đơn vị hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng tham dự cuộc triển lãm. Phía Mỹ sẽ có các công ty Boeing và Lockheed Martin tham gia.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Lockheed Martin hiện đang đàm phán nâng cao với Việt Nam để cung cấp một số máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules.

Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về an ninh Việt Nam tại Đại học New South Wales (Australia), nhận định danh sách đa dạng các nước tham gia triển lãm chính là “màn trình diễn của ngoại giao cây tre”: “Việt Nam sẽ hợp tác với bất kỳ đối tác nào mà họ thấy phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng”.

Việt Nam nhận lô hàng quân sự đầu tiên của Mỹ kể từ sau chiến tranh

Các trang Army Recognition, Australian Defence và Saigon Aviation đưa tin 5 máy bay Beechcraft T-6C Texan II đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18/11, đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, Việt Nam tiếp nhận một lô máy bay huấn luyện quân sự do Mỹ sản xuất. Trang Main Battle Tank và Army Recognition gọi đây là đợt bàn giao lịch sử, nêu bật sự chuyển đổi của Việt Nam từ việc phụ thuộc vào các thiết bị do Nga sản xuất sang hướng đa dạng hoá quan hệ đối tác quốc phòng.

Army Recognition dẫn dữ liệu theo dõi chuyến bay của Flightradar24 cho biết máy bay đầu tiên hạ cánh xuống Tp. Hồ Chí Minh vào khoảng trưa 18/11, sau hành trình dài hai giờ từ Sân bay Don Mueang ở Bangkok (Thái Lan), nơi các máy bay quá cảnh.

Trước đó, trang Airliner dẫn dữ liệu bay Flightradar24 cho thấy, sau khi khởi hành từ bang Kansas (Mỹ), những máy bay này đã quá cảnh ở các quốc gia châu Âu như Scotland, Anh, Pháp, các nước Trung Đông, sau đó đến Ấn Độ, Thái Lan để tiếp nhiên liệu.

Số máy bay này nằm trong thoả thuận Việt Nam ký với Mỹ năm 2021, sẽ giúp Việt Nam hiện đại hoá lực lượng không quân, tăng cường đào tạo phi công và giám sát hàng hải. Army Recognition viết: “Các máy bay vừa được tiếp nhận sẽ được đưa về sân bay quân sự Phan Thiết, do Trung đoàn 920 điều hành. Chúng được sử dụng cho cả vai trò huấn luyện phi công và giám sát hàng hải”.

T-6C dự kiến sẽ giải quyết những lỗ hổng trong hoạt động của không quân Việt Nam, bao gồm những hạn chế trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và bay đêm. Ngoài việc đào tạo phi công, máy bay sẽ được sử dụng để giám sát hàng hải, bao gồm cả tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trang Australian Defence dẫn lời Tiến sĩ Stephen Burgess, Giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hàng không Mỹ, phân tích nhu cầu của Việt Nam đối với loại máy bay hiện đại của Mỹ: “Các phi công của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam thường xuyên bay qua đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa và không thể bay trong thời tiết khắc nghiệt hoặc vào ban đêm. Những vấn đề đó cho thấy những hạn chế của lực lượng không quân trên Biển Đông và nhu cầu về loại máy bay T-6 này cũng như đào tạo phi công chuyên sâu”.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tháng 8/2021, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ và công ty Textron Aviation Defense đã ký hợp đồng đầu tiên cung cấp máy bay T-6C cho Việt Nam. Giá trị của đơn hàng thứ nhất này là 43,84 triệu USD. Đến tháng 10/2023, Textron Aviation Defense ký hợp đồng thứ hai trị giá 31 triệu USD để cung cấp thêm 3 máy bay huấn luyện T-6C Texan-2 cho Không quân Việt Nam. Theo Army Recognition, dự kiến đến năm 2027, Textron sẽ hoàn tất bàn giao toàn bộ 12 máy bay cho Việt Nam.

T-6C là máy bay đầu tiên được mua trực tiếp từ Mỹ kể từ khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016. Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam tháng 12/2022, Đại sứ Mỹ Marc Knapper đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Việt Nam. Chuẩn tướng Sarah Russ của Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương xác nhận quá trình bàn giao máy bay sẽ kéo dài 4 năm, với từ 3 đến 6 chiếc được chuyển đến Việt Nam mỗi năm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới