Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo thế giới đang bên bờ vực của Thế chiến III khi căng thẳng liên tục leo thang.
“Gần đây, chúng ta đã nói rất nhiều về việc Thế chiến III có thể bắt đầu, rằng chúng ta đang ở bờ vực của sự kiện khủng khiếp đó. Nhưng, bằng cách nào đó, nhân loại vẫn đang kiềm chế và chưa lao vào Thế chiến III”, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, đồng thời nói thêm rằng “cuộc chiến thông tin” đang diễn ra sôi nổi.
Tổng thống Lukashenko đã đưa ra những bình luận trên vào ngày 22/11 trong bài phát biểu trước các sinh viên đại học ở Minsk, vài ngày sau khi Ukraine tiến hành một số cuộc tấn công bằng hệ thống ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất, cũng như tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất, vào lãnh thổ Nga, điều mà trước đó Moscow đã cảnh báo cứng rắn.
Moscow đã đáp trả bằng cuộc tấn công vào một tổ hợp phòng thủ ở Dnepropetrovsk, Ukraine, sử dụng tên lửa tầm trung siêu vượt âm Oreshnik mới nhất.
Ông Lukashenko nói thêm rằng xung đột Ukraine nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán có sự tham gia của Nga, Ukraine và Belarus.
“Không có Mỹ, không có châu Âu, họ sẽ không làm gì tốt cho chúng ta… Chúng ta phải ngồi lại và đi đến một thỏa thuận”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko thừa nhận xung đột vẫn tiếp tục leo thang.
“Trong mọi trường hợp, Belarus không nên can dự. Nếu xảy ra xung đột giữa Nga và NATO, điều đó cũng không dễ dàng với chúng ta. Chúng ta không muốn chiến tranh trên lãnh thổ của mình, chúng ta không muốn lợi ích của các bên khác được quyết định ở đây bằng rủi ro của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Tổng thống Lukashenko từng khẳng định Belarus không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh với NATO, và không muốn xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Belarus sẵn sàng bảo vệ biên giới của mình. Belarus không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, thay vào đó đã kêu gọi đàm phán.
Dù vậy, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, Belarus đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành một cuộc tấn công vào Kiev. Mối quan hệ giữa Belarus và Ukraine đã trở nên căng thẳng kể từ đó.
Belarus – một đồng minh của Nga – có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Năm ngoái, Nga đã triển khai những vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo thỏa thuận.
Tổng thống Lukashenko hồi tháng 4 cho biết, hàng chục vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus theo thỏa thuận cuối năm ngoái giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Belarus cũng đã thông qua học thuyết quân sự mới, lần đầu tiên cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngày 21/11, Nga tuyên bố tấn công Ukraine bằng một loại tên lửa siêu vượt âm tầm trung đời mới có tên gọi Oreshnik. Moscow cảnh báo có thể thử nghiệm tên lửa này với các nước phương Tây khi các nước này cung cấp tên lửa cho Kiev để sử dụng cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Ông Putin cho hay, cuộc tấn công nhằm đáp trả việc Ukraine tập kích lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ trong 2 ngày liên tiếp.
2 ngày trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố học thuyết hạt nhân mới của Nga cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các quốc gia tấn công Nga bằng vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất mà Tổng thống Joe Biden được cho là đã đồng ý cho Ukraine bắn vào lãnh thổ Nga.
Giữa lúc căng thẳng leo thang, Valerii Zaluzhnyi, Đại sứ Ukraine tại Anh và cựu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, tin rằng với “sự tham gia trực tiếp của các đồng minh của Nga” vào cuộc chiến ở Ukraine, có thể coi như Thế chiến III đã bắt đầu.
T.H