Người dân bộ tộc này thọ hơn 100 tuổi, đồng thời trong hơn 900 năm qua không ai mắc ung thư dù sống gần như tách biệt với xã hội và cơ sở y tế vẫn còn thô sơ.
Cộng đồng người Hunza (hay còn có tên Burusho) là bộ tộc có tuổi thọ cao nhất thế giới sinh sống tại một thung lũng cùng tên biệt lập ở độ cao gần 2.500m so với mực nước biển, nằm ở phía bắc Pakistan.
Người Hunza nổi tiếng với tuổi thọ đáng kinh ngạc, có thể lên đến 120 tuổi. Đặc biệt, bộ tộc này gần như không hề mắc các căn bệnh phổ biến như ung thư, ngay cả trong suốt hơn 900 năm lịch sử.
Sức khỏe phi thường này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, và họ đã tìm ra yếu tố chính góp phần vào tuổi thọ của người Hunza.
Chế độ ăn uống của người Hunza vô cùng đa dạng và gần gũi với thiên nhiên. Họ chủ yếu dùng các loại rau củ quả tươi sạch như khoai tây, cà rốt, rau sống, củ cải, bí, táo, đào, mơ… cùng với các loại hạt giàu dinh dưỡng như óc chó, hạnh nhân.
Ngoài ra, sữa, sữa chua và phô mai cũng là những nguồn cung cấp protein quan trọng. Tất cả các loại thực phẩm này đều được trồng hữu cơ, không sử dụng hóa chất nên rất an toàn và bảo vệ sức khỏe.
Đặc biệt, người Hunza hiếm khi ăn thịt cũng như những loại thực phẩm chế biến sẵn, vốn được hầu hết mọi người trên thế giới yêu thích.
Thịt rất chỉ xuất hiện trên mâm cơm của người Hunza vào những dịp đặc biệt và mỗi người chỉ được một lượng nhỏ. Ngoài ra, các bữa ăn của họ thường được chế biến từ nguyên liệu tươi sạch, mang đến hương vị tự nhiên và bổ dưỡng.
Giới chuyên gia nhận định rằng việc hạn chế ăn thịt và không ăn thực phẩm chế biến sẵn là một trong những điều quan trọng giúp người Hunza sống thọ hơn người dân ở những vùng khác và không có ai mắc ung thư trong suốt 900 năm.
Thực phẩm chế biến sẵn, với hàm lượng đường, muối và chất béo bão hòa cao, là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, tim mạch và một số loại ung thư. Đường và muối dư thừa có thể làm tăng huyết áp, gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ đột quỵ.
Chất béo bão hòa góp phần làm tăng cholesterol xấu, dẫn đến xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, các chất phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm chế biến có thể gây kích ứng đường ruột, làm suy giảm chức năng gan, thận và tăng nguy cơ ung thư.
Ngược lại, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn chay có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Việc hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến và các sản phẩm từ sữa giúp giảm lượng chất béo bão hòa, cholesterol xấu và tăng cường chất xơ, vitamin, khoáng chất. Chất xơ giúp ổn định đường huyết, giảm cảm giác thèm ăn và tăng cường hệ vi sinh đường ruột.
Các chất chống oxy hóa có trong rau củ quả giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, giảm viêm nhiễm và hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại bệnh tật. Một số nghiên cứu sơ bộ còn cho thấy việc ăn chay ngắn hạn có thể kích hoạt quá trình “tái thiết” hệ miễn dịch, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư.
T.P