Dù đang trong quá trình chuyển giao quyền lực, cuộc đấu Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn căng thẳng. Ngày 22/11, Hiệp hội Thương mại Mỹ thông báo cho các hội viên: chính phủ sẽ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới chống Trung Quốc trong tuần này.
Thêm 200 công ty chip Trung Quốc bị đưa vào “danh sách đen”
Dự kiến, 200 công ty chip Trung Quốc sẽ bị đưa vào “danh sách đen”, các nhà cung cấp Mỹ sẽ không thể giao hàng cho các công ty này. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông của Mỹ đưa tin giới chính trị Mỹ ngày càng lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ “Địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (còn gọi “Quy chế tối huệ quốc” của Trung Quốc).
Những người thúc đẩy chủ trương này bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người sẽ giữ chức Ngoại trưởng trong chính quyền của ông Donald Trump tới đây. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã chỉ trích phía Mỹ có mưu đồ đưa quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hiệp hội Thương mại Quốc gia Mỹ (USCC), với hơn 400 thành viên, vào ngày 22/11 đã gửi e-mail đến các công ty và tổ chức liên quan. Theo một bản tóm tắt mà hãng Reuters có được, chính quyền Biden có kế hoạch đưa thêm tới 200 công ty chip Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại. Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch công bố chi tiết các biện pháp kiểm soát có liên quan trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào ngày 28 tháng này.
Theo những người thông thạo với vấn đề này, biện pháp kiểm soát đầu tiên có thể bao gồm các hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc. Bức e-mail cũng cho biết chính phủ Mỹ dự kiến sẽ công bố một bộ quy định khác hạn chế xuất khẩu chip nhớ băng thông cao sang Trung Quốc vào tháng 12 tới. Khi được hỏi, Bộ Thương mại Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin này.
Nếu thành hiện thực, điều này cho thấy chính quyền Biden trong thời gian cuối nhiệm kỳ vẫn đang tích cực thúc đẩy kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận chất bán dẫn. Phía Mỹ tuyên bố rằng các biện pháp này nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng các công nghệ tiên tiến để tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc (PLA) và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ. Trung Quốc chỉ trích Mỹ có ý đồ ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Xu hướng yêu cầu hủy bỏ quy chế tối huệ quốc
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 23/11 đưa tin, những lời kêu gọi chính quyền Washington hủy bỏ “Địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” của Trung Quốc đã gia tăng. Trung Quốc đạt được địa vị này vào năm 2000 (vào thời điểm đó thường được gọi là “Quy chế tối huệ quốc”). Sau đó, vào tháng 12/2001, Trung Quốc đã gia nhập thành công Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc (US China Economic and Security Review Commission) của Quốc hội Mỹ vào tuần trước đã công bố bản báo cáo thường niên, trong đó ủng hộ việc hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc.
Kể từ năm 2002, ủy ban liên đảng này đã ban hành báo cáo thường niên, nhưng trước đó chưa từng kêu gọi loại bỏ quy chế đãi ngộ này với Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng điều này sẽ mở đường cho việc Mỹ áp đặt mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong tương lai.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã đạt 427,2 tỷ USD vào năm 2023. Nếu địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc bị hủy bỏ hoàn toàn, mức thuế tối thiểu mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ là 35% và mức tối đa sẽ là 100%. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Hạ nghị sĩ Mỹ John Mueller hôm 14/11 đã đệ trình một dự luật kêu gọi chấm dứt chính thức địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc. Vào tháng 9 năm nay, thành viên Thượng viện Mỹ cũng đưa ra dự luật tương tự. Một trong những khởi xướng dự luật là Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người đã được ông Trump đề cử làm Ngoại trưởng mới.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn 4 quốc gia là Nga, Belarus, Triều Tiên và Cuba không có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ. Năm 2022, sau khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, Mỹ đã hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn giữa Mỹ và Nga.
T.P