Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ tăng cường hỏa lực ở châu Á - Thái Bình Dương

Mỹ tăng cường hỏa lực ở châu Á – Thái Bình Dương

Gần đây, Mỹ liên tục đẩy mạnh triển khai khí tài hỏa lực mạnh ở cả Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á và vùng tây Thái Bình Dương.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) của quân đội Mỹ ngày 26.11 thông báo vừa điều động tàu ngầm hạt nhân USS Minnesota (SSN 783), thuộc lớp Virginia, đến đồn trú tại căn cứ quân sự của nước này ở đảo Guam thuộc vùng tây Thái Bình Dương.
Củng cố Thái Bình Dương

Đây là dòng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cùng ngày 26.11, quân đội Trung Quốc cho biết đã điều lực lượng trên biển và trên không theo dõi, cảnh báo một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ bay qua eo biển Đài Loan, đồng thời cáo buộc Washington tìm cách khiến cộng đồng quốc tế “hiểu lầm”. Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết một máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon đã bay qua eo biển trên “trong không phận quốc tế”, đồng thời nói thêm rằng chuyến bay này chứng minh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trả lời Thanh Niên ngày 27.11, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: “Tàu ngầm được xem là khí tài hải quân mạnh mẽ với hiệu quả “tàng hình” cao nhất của Mỹ. Tàu ngầm hạt nhân được xác định là yếu tố quan trọng đối với khả năng răn đe hiệu quả ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) và có khả năng tấn công cực kỳ lớn. Tàu ngầm hạt nhân là công cụ cốt lõi để giảm thiểu các hệ thống phong tỏa/chống tiếp cận của Trung Quốc”.

“Washington hiểu rằng răn đe đòi hỏi khả năng cao về “tàng hình” và hiệu quả trong quá trình triển khai để đảm bảo Indo-Pacific không trở thành khu vực bị chi phối bởi cách tiếp cận theo kiểu “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh”. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, tàu ngầm Mỹ mang lại khả năng răn đe mà không quá căng thẳng so với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trong khu vực hoặc các cuộc tập trận quy mô lớn”, GS Nagy đánh giá.
Tăng cường thế trận tên lửa

Ngày 26.11, tờ South China Morning Post đưa tin Mỹ tiến hành triển khai hệ thống pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) đến đảo Nansei của Nhật Bản. Vị trí này gần các đảo của Đài Loan. Khá nổi tiếng ở chiến trường Ukraine, HIMARS còn có khả năng phóng tên lửa ATACMS (có tầm bắn đến 300 km) chứ không chỉ khai hỏa các loại rốc két thường.

Trước đó, Hãng thông tấn Kyodo ngày 24.11 đưa tin Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới biên soạn một kế hoạch quân sự chung để ứng phó với tình huống khẩn cấp tại Đài Loan, bao gồm việc phóng tên lửa.

Từ năm 2022, Mỹ cũng đã triển khai các hệ thống HIMARS tại Philippines để tập trận. Mới nhất, hồi tháng 8, Mỹ và Philippines tiến hành cuộc tập trận chung tại một căn cứ ở Philippines có hướng ra Biển Đông. Trong cuộc tập trận này, phía Mỹ đã khai hỏa HIMARS với giả định phòng thủ trong tình huống bao gồm một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông đe dọa chủ quyền của Philippines. Gần đây, Mỹ cũng tiết lộ triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung ở Philippines. Như vậy, Washington đã triển khai nguồn lực tên lửa ở cả Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á.

Cùng trả lời Thanh Niên hôm qua (27.11), TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “HIMARS có thể phóng ATACMS đạt tầm bắn 300 km và đủ sức chống hạm rất hữu ích. Xung quanh đảo Nansei có những eo biển mà hải quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động. Nhật Bản cũng đang tăng cường triển khai tên lửa ở khu vực này”.

Vị chuyên gia này phân tích thêm: “Nhìn từ góc độ chiến lược quân sự, cách thiết lập quân sự tại đây có hai loại lực lượng. Đó là lực lượng tiền tuyến và lực lượng cơ động. Nếu xảy ra xung đột, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines có thể trực tiếp đối đầu với Trung Quốc đại lục, Mỹ củng cố hậu phương từ đảo Guam, Hawaii… và sẵn sàng chi viện khi cần. Về mặt lý thuyết quân sự, đây là cách hiệu quả. Nhưng nhìn từ góc độ các quốc gia tiền tuyến như Nhật Bản, nước này muốn Mỹ sẵn sàng phối hợp ở tiền tuyến. Đó là lý do tại sao Tokyo muốn Washington bố trí hỏa lực ở đảo Nansei”.

“Bắc Kinh đang tăng cường tên lửa. Washington cần tên lửa tầm trung trở lên ở Nhật Bản, Đài Loan, Philippines để đảm bảo ứng phó rủi ro xung đột. Việc triển khai HIMARS này có thể là một bước để triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản. Ở Philippines, Mỹ đã triển khai tên lửa tầm trung”, TS Nagao phân tích thêm.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới