Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga ra tối hậu thư cho Mỹ về hoạt động triển khai...

Nga ra tối hậu thư cho Mỹ về hoạt động triển khai tên lửa

Nga cảnh báo nếu Mỹ triển khai tên lửa ở Nhật Bản, điều này sẽ đe dọa an ninh Nga và buộc Moscow phải đáp trả, trong đó không loại trừ biện pháp răn đe hạt nhân.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo Nhật Bản rằng nếu tên lửa tầm trung của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ của họ, điều này sẽ gây ra mối đe dọa thực sự cho an ninh của đất nước chúng tôi và chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp cần thiết, các bước thích hợp để tăng cường khả năng phòng thủ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27/11 cho biết.

Bà lưu ý thêm, Nhật Bản có thể hiểu rõ những biện pháp này bằng cách nghiên cứu các nguyên tắc chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga.

Hồi đầu tuần, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết Moscow sẽ xem xét triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Á nếu Mỹ triển khai những tên lửa như vậy tới khu vực này.

Khi được hỏi về tuyên bố đó, bà Zakharova từ chối thảo luận về nơi Nga có thể đặt những vũ khí như vậy, nhưng nhấn mạnh một nửa lãnh thổ của họ nằm ở châu Á nên bất kỳ tên lửa nào của Nga triển khai ở phía Đông dãy Urals sẽ ở khu vực đó.

Bà cho biết Moscow đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Mỹ và các quốc gia vệ tinh rằng Nga sẽ phản ứng dứt khoát và tương xứng với việc Washington triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên đất liền ở nhiều nơi trên thế giới.

Bà lưu ý, phương Tây không nên hoài nghi về năng lực của Nga sau khi nước này phóng tên lửa tầm trung siêu vượt âm thế hệ mới Oreshnik vào mục tiêu ở Ukraine tuần trước.

Oreshnik có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, tên lửa này rất khó đánh chặn do có tốc độ di chuyển gấp 10 lần âm thanh.

Moscow lần đầu tiên sử dụng tên lửa Oreshnik trong điều kiện thực chiến sau khi Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa chiến thuật ATACMS do Washington cung cấp để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, Nga cũng sửa học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân. Đây được cho là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm ngăn phương Tây tiếp tục vượt lằn ranh đỏ trong cuộc xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, Reuters dẫn đánh giá của giới tình báo Mỹ cho rằng việc phương Tây dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa với Ukraine sẽ không dẫn đến nguy cơ leo thang hạt nhân.

“Mọi đánh giá đều thống nhất rằng việc sử dụng tên lửa ATACMS không làm thay đổi tính toán hạt nhân của Nga”, nguồn tin nhận định.

Ngay cả việc Nga sử dụng tên lửa Oreshnik cũng không làm thay đổi kết luận này. Theo giới tình báo Mỹ, thay vì leo thang hạt nhân, Nga sẽ tìm cách đáp trả tương xứng với những gì họ cho là sự leo thang từ phía Mỹ. Ví dụ, Moscow có thể mở rộng chiến dịch phá hoại các mục tiêu ở châu Âu nhằm gia tăng áp lực lên phương Tây về việc ủng hộ Ukraine.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới