Friday, January 24, 2025
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaTQ đang ngấm ngầm "đâm dao vào lưng” Việt Nam

TQ đang ngấm ngầm “đâm dao vào lưng” Việt Nam

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang tích cực gia tăng đáng kể việc quân sự hoá đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp với Việt Nam. Theo “Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Hoàng gia” (Chatham House) có trụ sở tại London, địa điểm chiến lược này đang trở thành một trong những căn cứ tình báo tín hiệu quan trọng của Bắc Kinh tại Biển Đông, phản ánh tham vọng rộng lớn hơn của Trung Quốc tại khu vực này.

Hơn 2 tháng trước đây (tức là vào tháng 8/2024), đã xuất hiện những báo cáo về việc Trung Quốc bổ sung vào cơ sở hạ tầng quân sự với một đường băng mới được xây dựng trên đảo Tri Tôn. Theo đó, đường băng tương đối ngắn và hẹp, dài hơn 600 mét, rộng khoảng 14 mét. Nó có khả năng chứa máy bay cất hạ cánh trên đường băng ngắn (STOL), máy bay cánh quạt tua bin, máy bay hạng nhẹ và thậm chí cả trực thăng hoặc máy bay không người lái (drone).

Mục đích của đường băng này vẫn chưa được xác định chắc chắn, nhưng nó có thể thúc đẩy đáng kể hậu cần cho các hoạt động quân sự. Ngoài đường băng, hình ảnh vệ tinh cho thấy một khu vực làm việc mới rộng lớn bao gồm một nhà máy xi măng, có thể tăng cường đáng kể hậu cần trên hòn đảo có người ở cực Tây của Quần đảo Hoàng Sa. Một số chuyên gia đặt câu hỏi phải chăng Trung Quốc xây dựng nhà máy xi măng ở Tri Tôn để phục vụ việc xây dựng các công trình khác lớn hơn ở khu vực này?

Ngày 17/10/2024, “Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Hoàng gia” (Chatham House) công bố thông tin về việc Trung Quốc xây dựng hệ thống radar khẩu độ xung lực tổng hợp (SIAR) có khả năng chống tàng hình trên đảo Tri Tôn. Theo Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins (Mỹ) năm 2020, SIAR phát ra “một lượng năng lượng tương đối lớn”. Một số nghiên cứu đã xác định hệ thống SIAR là nguồn chính của các trường bức xạ cường độ cao có thể gây nhiễu cho hệ thống điện tử hàng không, dẫn đường và thông tin liên lạc của máy bay.

Tiến sĩ Benjamin J. Sack, nhà nghiên cứu từ Rand Corporation, cho biết SIAR có thể tạo nguy cơ đáng kể cho máy bay dân dụng. Ông Benjamin J. Sack nhận định: “Mạng lưới SIAR đang ngày càng được tăng cường của Trung Quốc có thể tạo thêm một rào cản nữa cho máy bay dân dụng nào muốn đi vào vùng trời đông đúc trên Biển Đông, nơi ngày càng nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc”.

Sự hiện diện của hệ thống radar mới này của Trung Quốc tại căn cứ quân sự trên đảo Tri Tôn cho thấy Bắc Kinh đang nhanh chóng nâng cao năng lực tình báo của mình tại vùng biển tranh chấp này. Khi đi vào hoạt động, hệ thống radar này sẽ tăng cường đáng kể khả năng ngăn chặn tín hiệu và tác chiến điện tử của Trung Quốc trên khắp quần đảo Hoàng Sa và góp phần vào mạng lưới giám sát rộng hơn trên khắp Biển Đông.

Phân tích của Chatham House chỉ ra rằng Trung Quốc đang nâng cấp tiền đồn của mình và có khả năng thiết lập một điểm phóng cho tên lửa chống hạm cùng với hệ thống radar tiên tiến. Các radar chống tàng hình tương tự, được gọi là SIAR (radar xung lực và khẩu độ tổng hợp), đã được thiết lập ở phía Nam trên Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa và ở phía Bắc trên đảo Hải Nam. Sự phát triển tại đảo Tri Tôn sẽ lấp đầy một khoảng trống quan trọng ở rìa phía Tây khu vực giữa Biển Đông trong phạm vi phủ sóng radar của Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng sự phát triển của đảo Tri Tôn có thể được so sánh với đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng), đóng vai trò là mô hình cho sự mở rộng và chiến lược quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất ở Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc quân sự hoá từ nhiều năm trước. Đây là căn cứ tình báo tiên tiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nơi có các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom tầm xa và các tài sản quân sự khác. Tháng 11/2020, Trung Quốc đã triển khai một máy bay ném bom mang tên lửa H-6J đến đảo Phú Lâm, sau các nhiệm vụ trước đó của máy bay ném bom H-6K của Không quân PLA (PLAAF) vào năm 2018, điều này đã chứng minh khả năng tiếp nhận các máy bay lớn hơn của hòn đảo này.

Theo đánh giá của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đảo Phú Lâm hiện là trung tâm quân sự chính của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Nó được trang bị các cơ sở rộng lớn bao gồm một đường băng có nhà chứa máy bay chiến đấu, cơ sở hải quân, hệ thống radar giám sát cũng như các hệ thống phòng thủ tiên tiến như tên lửa hành trình đất đối không và chống hạm. Với sự phát triển của đảo Phú Lâm như một mô hình, đảo Tri Tôn dường như đã sẵn sàng trở thành một tài sản quan trọng trong mạng lưới tình báo và phòng thủ của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Việc tăng cường quân sự trên Đảo Tri Tôn thể hiện sự leo thang đáng kể trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thiết lập sự thống trị quân sự ở Biển Đông. Bằng cách làm theo mô hình phát triển trên, đảo Phú Lâm và kết hợp các khả năng giám sát và phòng thủ tiên tiến, Trung Quốc đang tạo dựng một mạng lưới quân sự toàn diện nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ và thể hiện sức mạnh của mình trên khắp khu vực. Tham vọng bành trướng của Trung Quốc có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực cũng như hoạt động tự do hàng hải quốc tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung ở khu vực ngày càng gay gắt, cam kết của Mỹ đối với một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tiếp tục thách thức các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hải quân Mỹ cùng với hải quân các nước đồng minh gia tăng hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự trong thời gian gần đây để phản đối “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng quanh Hoàng Sa, bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trong khu vực. Để đáp trả các hoạt động của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hoá Biển Đông, trong đó có việc xây dựng những công trình quân sự bao gồm hệ thống radar chống tàng hình ở đảo Tri Tôn. Viêc làm này của Bắc Kinh đe doạ hoà bình ổn định trong khu vực và làm gia tăng mối lo ngại giữa các quốc gia láng giềng.

Với những động thái kể trên, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đang ngấm ngầm “đâm dao vào lưng” Việt Nam cả trên nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen là bởi vì Tri Tôn nằm đối diện với Đà Nẵng, điểm nhô ra ở giữa Việt Nam, được coi như cái lưng của Việt Nam. Khi đi sâu phân tích thấy rõ việc tăng cường quân sự hoá đảo Tri Tôn hàm chứa âm mưu thâm độc của Bắc Kinh nhằm vào Việt Nam, cụ thể là:

Thứ nhất, Đà Nẵng là nơi có vị trí quan trọng hàng đầu đối với an ninh của Việt Nam. Đà Nẵng đều được chọn làm điểm tấn công đổ bộ khởi đầu cho hai cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp và Mỹ trước đây bởi Đà Nẵng nằm ở giữa Việt Nam, đánh vào Đà Nẵng nhằm chia cắt Việt Nam. Năm 1858, Pháp đã nổ tiếng súng đầu tiên vào Đà Nẵng bắt đầu cuộc xâm lược đô hộ Việt Nam; sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam được coi bắt đầu vào năm 1964, khi các nhóm quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng.

Đảo Tri Tôn nằm cách bờ biển Đà Nẵng 315 km. Với vị trí đặc biệt đó của Đà Nẵng và từ những sự kiện nói trên trong lịch sử mà các chuyên gia nói việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hoá đảo Tri Tôn chính là đang ngấm ngầm “đâm dao vào lưng” Việt Nam. Một vài chuyên gia còn cảnh báo, các công trình quân sự trên đảo Tri Tôn có thể còn nằm trong một ý đồ thâm hiểm chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào miền Trung Việt Nam khi cần thiết.

Thứ hai, thời gian gần đây Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng nhằm vào Philippines, thường xuyên cho tàu hải cảnh tấn công, đâm va tàu công vụ của Philippines khiến dư luận tập trung sự chú ý vào vùng biển phía Đông Biển Đông để rảnh tay triển khai các công trình quân sự, bao gồm xây dựng hệ thống radar mới trên đảo Tri Tôn. Thủ đoạn đánh lừa dư luận thường được Bắc Kinh sử dụng để đẩy mạnh các hoạt động sai trái ở Biển Đông. Cách đây 10 năm (vào năm 2014), Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế miền Trung Việt Nam gây căng thẳng với Việt Nam nhằm thu hút sự chú ý của dư luận để rảnh tay triển khai bồi đắp, mở rộng các cấu trúc mà họ chiếm đóng thuộc Trường Sa, khi mà dư luận để ý đến hành động nguy hiểm này thì Trung Quốc đã mở rộng hàng chục hec ta trên các cấu trúc ở Trường Sa.

Giới quan sát cho rằng hiện Trung Quốc đang mạnh tay với Philippines ở Biển Đông với hàng loạt các vụ va chạm và có vẻ nhẹ tay hơn với Việt Nam nhưng trên thực tế Bắc Kinh đang âm thầm “đâm vào lưng” Hà Nội bằng việc lắp đặt hệ thống ra đa chống tang hình và gia tăng quân sự hoá đảo Tri Tôn. Quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp giữa Hà Nội với Bắc Kinh và Đài Bắc (trong tranh chấp này, Đài Bắc chỉ mang danh nghĩa, hầu như không có vai trò gì), đảo Tri Tôn nằm ở điểm cực Tây của quần đảo Hoàng Sa và cách mũi Ba Làng An thuộc đất liền Việt Nam 134,6 hải lý (249,3 km) và cách đảo Lý Sơn 121,1 hải lý (224,3 km). Do vậy, động thái này của Trung Quốc rõ ràng là để nhắm vào Việt Nam.

Thứ ba, các chuyên gia quân sự cảnh báo việc lắp đặt các thiết bị giám sát (hệ thống radar chống tang hình cùng với việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không và đất đối đất trên đảo Tri Tôn, sẽ bổ sung thêm một lớp chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) đáng kể cho Trung Quốc, nằm trong phạm vi 150 dặm tính từ bờ biển Việt Nam. Khả năng này không chỉ cho phép PLA theo dõi chặt chẽ các hoạt động quân sự của Việt Nam, bao gồm cả Su-30 Flankers mà còn mở rộng phạm vi A2/AD của Trung Quốc đối với lãnh thổ Việt Nam, qua đó làm gia tăng căng thẳng chiến lược trong khu vực.

Quan hệ chính trị và kinh tế thương mại giữa Hà Nội và Bắc Kinh không ngừng phát triển trong những năm qua, nhiều chuyến thăm liên tiếp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Lãnh đạo 2 nước đã đạt được nhận thức chung về việc giải quyết thoả đáng các vấn đề tranh chap trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, không có những hành động làm phức tạp tình hình. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định những động thái mới của Trung Quốc ở đảo Tri Tôn cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách ru ngủ Hà Nội bằng những lời sáo rỗng hay nói cách khác Trung Quốc đang ngấm ngầm “đâm dao vào lưng” Việt Nam.

Nhận thức rõ về mối nguy hiểm từ những hành động mới, trong đó có việc xây dựng hệ thống radar chống tang hình của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn, ngày 31/10/2024, Hà Nội đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối Bắc Kinh qua phát biểu của Phó Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Theo đó, Việt Nam bày tỏ hết sức quan ngại trước thông tin Trung Quốc đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đưa radar ra đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam “mạnh mẽ phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”; đồng thời khẳng định “kiên quyết bảo vệ chủ quyền” bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Giới phân tích nhận định đây là lần Hà Nội tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ nhất đối với Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Không chỉ phản đối việc xây dựng radar mới trên đảo Tri Tôn, Việt Nam còn phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc bắt giữ, hành hung với ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và “không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân tại quần đảo Hoàng Sa”. Bất chấp mối quan hệ được coi là “tốt đẹp” giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, các chuyên gia cảnh báo việc Trung Quốc ngấm ngầm “đâm dao vào lưng” Việt Nam là dấu hiệu cho thấycác tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông vẫn tiếp tục là điểm nóng đáng kể đối với sự ổn định của khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới