Friday, January 24, 2025
Trang chủBiển ĐôngVấn đề tàu cá, ngư dân đánh bắt ở quần đảo Hoàng...

Vấn đề tàu cá, ngư dân đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa lại nổi lên

Ngày 31/10/2024, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.

Giới quan sát cho rằng phát biểu của phía Việt Nam lần này là khá mạnh mẽ để bảo vệ các quyền và lợi ích của ngư dân Việt Nam.

Đáp trả lại các ý kiến của Hà Nội, tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 01/11/2024, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian), ngang nhiên phát biểu rằng phía Trung Quốc hy vọng Việt Nam tăng cường “giáo dục và quản lý” ngư dân của mình, và không tham gia vào các “hoạt động phi pháp” ở vùng biển thuộc “quyền tài phán của Trung Quốc”.

Vài ngày sau đó, Nhóm nghiên cứu được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn cho biết một số ngư dân người Việt đang bị giam giữ vì “đánh cá trái phép” trên vùng biển Hoàng Sa. Sáng kiến Thăm dò Biển Đông (viết tắt SCSPI) là một viện nghiên cứu được chính quyền hậu thuẫn có trụ sở ở Bắc Kinh, viết trên tài khoản mạng xã hội X của họ rằng những ngư dân này “bị bắt giữ vào tháng Tư và tháng Năm”, vì đánh cá trái phép trên khu vực biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, họ không cho biết thông tin chi tiết về số lượng người bị bắt giữ.

Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (tiến Trung gọi là Tây Sa và tiếng Anh là Paracels). Việt Nam đưa ra các chứng cứ pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa. Năm 1974, Hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực gây ra cuộc hải chiến đẫm máu cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (đang quản lý quần đảo Hoàng Sa) và đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam luôn khẳng định khu vực quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của nhiều thế hệ ngư dân, nhưng lợi dụng việc đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, trong suốt thời gian quanTrung Quốc luôn tìm mọi cách ngăn cản và truy đuổi tàu cá của Việt Nam khỏi khu vực này, và thậm chí các cơ quan chức năng của Trung Quốc còn tấn công đánh đập ngư dân hoặc bắt và giam giữ tàu cá ngư dân Việt Nam. Theo thông tin từ Sáng kiến Thăm dò Biển Đông của Trung Quốc nhiều ngư dân Việt Nam đã bị giam giữ đến 6 tháng trời. Việc làm này của Bắc Kinh hoàn toàn vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế.

Sáng kiến Thăm dò Biển Đông của Trung Quốc cáo buộc ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì “đánh bắt san hô sống, sử dụng kích điện và các hình thức đánh bắt hủy diệt môi trường khác”. Giới chức tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam, địa phương có nhiều tàu cá thường xuyên đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ của phía Trung Quốc; đồng thời, khẳng định với truyền thông rằng hầu hết thuyền đánh cá của tỉnh này đều sử dụng các hình thức đánh bắt an toàn như lưới kéo, câu và lặn.

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (viết tắt là AMTI), có trụ sở ở Mỹ cho biết tính riêng về hoạt động kéo lưới thì “Trung Quốc và Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất trong tổng sản lượng đánh bắt ở Biển Đông”. Trong báo cáo “Những vết sẹo xanh sâu thẳm” được công bố vào tháng 12 năm 2023, tổ chức AMTI đã cáo buộc “Trung Quốc gây ra nhiều vụ phá hủy rạn san hô nhiều nhất ở Biển Đông thông qua việc nạo vét và lấp đất, chôn vùi khoảng 4.648 mẫu Anh (18,8km2) rạn san hô”.

Báo cáo của AMTI còn cho biết ngư dân Trung Quốc cũng đang sử dụng một phương pháp đánh bắt cực kỳ nguy hiểm là “kéo cánh quạt bằng đồng được chế tạo đặc biệt” để đào xới bề mặt rạn san hô nhằm thu hoạch ngao khổng lồ. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng các lý lẽ mà Sáng kiến Thăm dò Biển Đông của Trung Quốc đưa ra để bắt giữ ngư dân Việt Nam chỉ là sự nguỵ biện, bào chữa cho những hành động hung hăng của các lực lượng chức năng Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và khu vực quần đảo Hoàng Sa nói riêng.

Đánh giá về phản ứng hôm 31/10/2024 của của Bộ Ngoại giao Việt Nam liên quan tới hoạt động của tàu cá Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, một số chuyên gia Biển Đông cho rằng Việt Nam đã nghiêm chỉnh đề nghị Trung Quốc bồi thường và thả ngư dân bị bắt giữ ở Biển Đông, nhưng đề nghị này đưa ra hơi chậm và Hà Nội cần phải có công hàm ngoại giao phản đối hành động vi phạm pháp luật quốc tế của Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Biển Đông Trương Nhân Tuấn nhận định: “Yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân và bồi thường cho họ của Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao là khá nghiêm chỉnh.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Úc – chuyên gia quốc tế về vấn đề Biển Đông – cho rằng hành động của Trung Quốc là trái luật pháp quốc tế. Ông Carl Thayer nhấn mạnh: “Theo luật quốc tế, một quốc gia ven biển không thể sử dụng luật nội địa để biện minh cho hành động sử dụng vũ lực quá mức đối với tàu cá nước ngoài tại vùng nước tranh chấp”. Theo chuyên gia Carl Thayer: “hành động sử dụng vũ lực quá mức của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế và việc Việt Nam yêu cầu bồi thường là hợp lý”.

Hồi đầu tháng 1/2021, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật Hải cảnh mới cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền; ngày 15/5/2024, Trung Quốc ban hành Quy định thủ tục về thực thi hành chính” của lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho phép nhân viên của lực lượng này bắt giữ người nước ngoài bị tình nghi vượt hải giới “trái phép” và quy định mới này có hiệu lực từ 15/6/2024. Điều này làm dấy lên những lo ngại về việc Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực với các ngư dân của những nước láng giềng ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa các nước.

Giáo sư Carl Thayer nhận định: “Trung Quốc đang cố gắng nguỵ trang cho những gì mà họ làm và nói luật của chúng tôi (Trung Quốc) cho phép cho nên đừng có can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi (Trung Quốc). Đây là điều đáng báo động. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc được trang bị đầy đủ và tương đương như các tàu chiến. Trung Quốc bây giờ với luật hải cảnh mới, trong bất cứ đụng độ nào giờ đây họ không còn phải đâm tàu nữa. Họ chỉ cần bắn vào tàu nếu ngư dân chống cự”.

Trong một năm qua, Việt Nam và Trung Quốc trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, bao gồm chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2023; chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào giữa tháng 10/2024. Trong khi đó, Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Bắc Kinh vào tháng 8/2024 và Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc vào tháng 6/2024. Trong các cuộc gặp, hai bên cam kết đẩy mạnh quan hệ song phương và xử lý ổn thỏa bất đồng ở Biển Đông, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer: “Ngoại giao thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc không chứng minh được sự thành công. Trung Quốc hứa một điều nhưng vẫn tiếp tục hung hăng làm điều khác”.

Giới phân tích nhận định mặc dù quan hệ chính trị, kinh tế giữa Hà Nội và Bắc Kinh, song nếu các lực lượng chức năng Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng, thô bạo với tàu cá ngư dân Việt Nam thì sẽ chỉ tạo ra một tâm lý “bài Hoa” đối với người dân Việt Nam. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 12/2023, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí cùng nhau xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”, nhưng việc các lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công tàu cá, đánh đập gây thương tích ngư dân Việt Nam hay bắt giữ những ngư dân nghèo khó của Việt Nam là hoàn toàn không phù hợp với tinh của việc xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Dẫu rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa còn chưa được giải quyết, song với tình hữu nghị truyền thống láng giềng giữa hai nước, các lực lượng chức năng Trung Quốc cần ngừng ngay việc hành xử vô nhận đạo đối với những người ngư dân nghèo Việt Nam. Có như vậy hai bên mới có thể từng bước tạo dựng sự tin cậy để xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai” tạo không khí thuận lợi cho việc giải quyết các bất đồng ở Biển Đông.

Ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu từ Viện ISEAS – Yusof Ishak tại Singapore nhấn mạnh: “Những cuộc tấn công này (những vụ việc tấn công tàu cá, ngư dân Việt Nam) phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm ép buộc các quốc gia có yêu sách khác phải khuất phục và khẳng định sự thống trị của mình ở Biển Đông”. Theo ông Giang, đối với Việt Nam, những sự cố này là lời nhắc nhở rằng, mặc dù quan hệ giữa hai quốc gia Cộng sản đã được cải thiện, Bắc Kinh vẫn sẵn sàng sử dụng các chiến thuật hung hăng.

Để bảo vệ ngư dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang cho rằng hợp tác đa phương đóng vai trò thiết yếu. Ông Giang cho rằng: “Đầu tiên, các quốc gia ASEAN có yêu sách ở Biển Đông cần tăng cường hợp tác ngoại giao và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông để thiết lập các quy tắc rõ ràng và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Thứ hai, tuần tra chung và quản lý hợp tác nghề cá có thể giúp giảm thiểu các xung đột tiềm tàng”.

Ngoài ra, ông Giang đề xuất thiết lập kênh liên lạc khẩn cấp với chính quyền Trung Quốc và nhấn mạnh “sáng kiến minh bạch” của Philippines, trong đó Manila công bố công khai các hành vi gây hấn của Trung Quốc thời gian gần đây, là “động thái tuyệt vời” nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các sự cố trên biển. Giới phân tích cho rằng để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của ngư dân, Hà Nội cần thẳng thắn trao đổi với Bắc Kinh, kể cả ở cấp cao về tình trạng ngư dân bị tấn công nguy hiểm ở Biển Đông; nhấn mạnh các hành vi thô bạo với ngư dân nghèo chỉ làm mất đi tình cảm của người dân, thậm trí tạo ra tâm lý “bài Hoa” trong người dân, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới