Tuesday, December 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế TQ có nhiều thay đổi ứng phó sức ép từ...

Kinh tế TQ có nhiều thay đổi ứng phó sức ép từ Mỹ

Tập trung vào nội địa đang là chiến lược then chốt của Trung Quốc trong nỗ lực hồi phục nền kinh tế đồng thời ứng phó sức ép từ Mỹ.

Hôm qua (13.12), Tân Hoa xã đưa tin Hội nghị Công tác kinh tế trung ương thường niên vừa kết thúc ở Bắc Kinh. Qua hội nghị, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, đã nhấn mạnh các ưu tiên cho phát triển kinh tế nước này năm 2025.


Kích cầu thị trường nội địa

Theo đó, Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tài khóa chủ động hơn và đưa ra mức thâm hụt ngân sách tính trên GDP cao hơn, đồng thời đảm bảo chính sách tài khóa liên tục mạnh mẽ để tạo ra tác động lớn hơn. Các nhà hoạch định chính sách đại lục cam kết tăng cường phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài và trái phiếu có mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương, đồng thời tối ưu hóa cơ cấu chi tiêu tài khóa.

Trước khi hội nghị trên diễn ra, các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tiết lộ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2025 bằng cách áp dụng “chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải”. Lần gần nhất mà Trung Quốc dùng đến cụm từ vừa nêu là tháng 7.2010 khi nước này phải ứng phó với hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh chính là kích thích thị trường tiêu dùng nội địa. Điều này được nhấn mạnh khi Trung Quốc ngày càng đến gần với những thách thức vì thương chiến với Mỹ được dự báo leo thang sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2025.

Nếu thương chiến leo thang như dự báo, Trung Quốc có thể còn đối mặt khó khăn lớn hơn. Đó là vì kinh tế nước này vẫn chưa giải quyết hiệu quả các vấn đề như thị trường bất động sản trì trệ và niềm tin cũng như thu nhập giảm sút khiến cho tiêu dùng liên tục ở mức thấp. Chính vì thế, chính sách nới lỏng tiền tệ và linh hoạt về chính sách tài khóa được xem như chiến lược để tăng cường thị trường nội địa.


Biện pháp táo bạo nhưng có hiệu quả ?

Thực tế, từ vài tháng qua, Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra các gói kích cầu “khủng”. Cuối tháng 9, nước này cắt giảm 0,5 điểm phần trăm của lãi suất thế chấp cho nhà ở hiện tại và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Kế hoạch này được kỳ vọng mang lại lợi ích cho 50 triệu hộ gia đình – tương đương 150 triệu người, giảm chi phí lãi vay hộ gia đình trung bình khoảng 150 tỉ nhân dân tệ mỗi năm, hướng đến thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư một cách hiệu quả.

Không những vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC – đóng vai trò ngân hàng trung ương) cũng xem xét các biện pháp cho phép các ngân hàng chính sách và thương mại cấp các khoản vay cho các công ty đủ điều kiện để mua đất. Giải pháp này nhằm hồi sinh nguồn đất và giảm bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản. Trước đó, PBOC giảm thêm 10 điểm cơ bản của lãi suất hợp đồng mua lại có thời hạn (repo) thời hạn 14 ngày, từ 1,95% xuống còn 1,85%. Kèm theo đó, PBOC còn thông qua công cụ này để bơm 74,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,6 tỉ USD) cho nền kinh tế.

Không những vậy, Bắc Kinh cũng bắt đầu sử dụng các biện pháp kích thích đầu tư giữa nỗi lo những biện pháp trừng phạt của Washington đang khiến cho dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Điển hình là sáng kiến “nguồn vốn táo bạo” nhằm hướng đầu tư sang các dự án giai đoạn đầu, tập trung vào công nghệ, chấp nhận rủi ro cao hơn.

Sáng kiến này bắt đầu từ Thâm Quyến vào tháng 10 như một phần của kế hoạch thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao trong đầu tư mạo hiểm. Để thực hiện kế hoạch này, Thâm Quyến cam kết loạt quỹ đầu tư chính phủ trị giá hàng nghìn tỉ nhân dân tệ (gần 140 tỉ USD), phát triển cụm quỹ công nghiệp trị giá hàng trăm tỉ nhân dân tệ và một cụm quỹ đầu tư ở giai đoạn hạt giống và thiên thần trị giá 10 tỉ nhân dân tệ (gần 1,4 tỉ USD) vào năm 2026. Thâm Quyến đặt ra mục tiêu “khai thác hoàn toàn tiềm năng của vốn tư nhân và phấn đấu đăng ký hơn 10.000 quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm”.

Tuy nhiên, các kế hoạch hành động đầy tham vọng của Trung Quốc được cho là vẫn chưa phù hợp tình hình thực tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng kinh tế Trung Quốc thực tế đối mặt với nhiều bài toán nan giải hơn, chứ không đơn thuần là tiêu dùng giảm hay bất động sản trì trệ. Nguyên nhân còn là những mô hình phát triển lâu nay không còn phù hợp.

Phản ứng sau khi các kế hoạch mới được công bố, thị trường chứng khoán nước này vào hôm qua (13.12) tiếp tục giảm điểm. Trong khi đó, theo một đánh giá Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng S&P Ratings gửi đến Thanh Niên, kinh tế Trung Quốc năm nay khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5% đã đề ra, dự báo tỷ lệ tăng trưởng năm 2025 và 2026 lần lượt còn 4,1% và 3,8%.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới