Cán bộ công chức, viên chức tinh giản biên chế không đủ tuổi hưởng lương hưu Nhà nước cần có thêm chính sách để hỗ trợ tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống.
Thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ Tư pháp đã công bố dự thảo về việc giải quyết chế độ cho những người không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ, chức danh được về nghỉ hưu trước tuổi khi có thời gian tham gia BHXH từ 15 năm trở lên.
Tuy nhiên, khi thực hiện tinh giản biên chế, bên cạnh những người đang nắm giữ chức vụ thì có không ít người lao động là công chức, viên chức tuổi đời còn trẻ sẽ rơi vào tình trạng mất việc.
Vậy đối với công chức, viên chức nghỉ việc do tinh giản biên chế chưa đủ tuổi hưu sẽ được giải quyết chế độ như thế nào?
Căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 3 Điều 7 Nghị định 29/2023 của Chính phủ quy định về chính sách thôi việc. Cụ thể:
Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu (quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP) và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:
Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đối tượng tinh giản biên chế tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:
Được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng;
Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng mức lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;
Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;
Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;
Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm.
Các đối tượng thôi việc được bảo lưu thời gian đóng BHXH và cấp số BHXH hoặc nhận trợ cấp BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH; không được hưởng chính sách thôi việc đối với công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Người tinh giản biên chế hưởng chính sách thôi việc sau khi học nghề sẽ được bảo lưu thời gian đóng và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc được cho nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên sẽ không được hưởng các chính sách thôi việc đối với công chức, viên chức.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thêm
Trao đổi với VietNamNet, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, khi tiến hành tinh gọn bộ máy cán bộ công chức, viên chức dôi dư thì nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động có thể thích ứng trong điều kiện mất việc làm, tìm việc làm mới.
“Ngoài các chính sách chung của BHXH thì Nhà nước cần bố trí thêm nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người lao động “xoay xở” thích ứng tìm việc làm. Công chức, viên chức còn trẻ khi nghỉ việc nhà nước bắt buộc phải bắt đầu lại cuộc sống lăn lộn bên ngoài. Thế nhưng, để thích ứng với môi trường mới Nhà nước cần có chính sách riêng hỗ trợ, thậm chí hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống”, ông Huân nói.
Ông Huân cũng nói thêm, cải cách hành chính là cuộc cách mạng và cách mạng nào thì cũng có những mất mát. Tuy nhiên đối với các đơn vị có thể tự hạch toán (không dùng tiền ngân sách) thì nhà nước cần đánh giá tác động và có lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm, hàng ngàn người lao động.
Trước đó, tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (10/12), khi đề cập đến nội dung về tinh gọn tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc xây dựng các đề án cần phải coi trọng cơ chế, chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
“Việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy thì những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, cũng là cán bộ; việc quan tâm đến đời sống của họ cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân là người được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới”, bà Thanh nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị báo cáo dân nguyện cần bổ sung nội dung về cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí là phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2 – 4 năm làm việc có thể sẵn sàng nghỉ cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản giữ lại trong hệ thống.
“Trước đây chúng ta đã nói xu hướng là chuyển từ khu vực công sang tư rất nhiều. Về tổng thể việc này không vấn đề gì. Nhưng nếu không có chính sách tốt, tôi e là người tốt lại ra khỏi khu vực công, còn người không tốt, trung bình thì ở lại”, bà Thanh cho biết.
T.P