Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiUkraine sẽ thiệt hại nặng nề với kế hoạch hòa bình của...

Ukraine sẽ thiệt hại nặng nề với kế hoạch hòa bình của ông Trump

Nếu ông Trump cắt bỏ viện trợ trong khi chưa tìm được giải pháp ngoại giao với Nga thì Ukraine sẽ phải đối diện với khả năng thất bại.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng quả quyết khẳng định ông sẽ nhanh chóng thúc đẩy đàm phán tiến tới chấm dứt cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Tuyên bố trên khiến các nước đồng minh NATO phải đặt ra câu hỏi: Liệu Mỹ có rút lại sự ủng hộ đối với chính quyền Kiev hay không và liệu ông Trump có buộc Ukraine phải chấp nhận thực tế một phần lãnh thổ của mình sẽ nằm dưới sự chiếm đóng lâu dài của Nga?

Một giải pháp như vậy sẽ đặt ra tiền lệ mà các đồng minh của Ukraine luôn muốn né tránh. Họ lo ngại rằng dựa vào đó, Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh đà khôi phục phạm vi ảnh hưởng của Nga từ thời Liên Xô.

Những tuyên bố bất lợi của ông Trump

Trong một cuộc tranh cử tổng thống hồi tháng 9, ông Trump đã né tránh câu hỏi về khả năng Ukraine đánh bật cuộc tiến công của Nga mà thay vào đó liên tục tuyên bố cuộc chiến tranh cần phải chấm dứt và ông có thể kết thúc nó chỉ trong một ngày, thông qua đàm phán.

Đến tháng 12/2024, Ông Trump thậm chí còn tiến xa hơn khi nói rằng Ukraine cần phải đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh nhưng lại dập tắt hy vọng của Kiev lấy lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng.

Phó Tổng thống đắc cử J.D Vance hồi còn vận động tranh cử cùng ông Trump từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 rằng một thỏa thuận khả dĩ có thể sẽ phải để Nga giữ lại những vùng đất mà họ đang chiếm đóng và Ukraine cần chấp nhận từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO.

Một kết cục như vậy rõ ràng rất khó chấp nhận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người từ lâu vẫn tuyên bố đất nước ông không thể đồng ý đóng băng xung đột hoặc đổi chác lãnh thổ lấy hòa bình.

Gần đây, ông Zelensky đã làm dịu nhẹ lập trường khi đưa ra thông điệp Nga có thể kiểm soát trên thực tế một phần lãnh thổ đang chiếm đóng nhưng xem đó chỉ là giải pháp tạm thời để đổi lấy hòa bình.

Tuy nhiên, Nga lại yêu cầu Ukraine phải trở thành quốc gia trung lập và đề nghị áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt về quy mô các lực lượng vũ trang của Ukraine.

Ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích quy mô Mỹ hỗ trợ Ukraine, thậm chí còn công khai đe dọa cắt bỏ. Chưa chết, ông còn làm dấy lên lo ngại về việc sẽ sử dụng chương trình viện trợ làm đòn bẩy để buộc Ukraine nhượng bộ với Nga tiến tới chấm dứt chiến tranh.

Mỹ cắt viện trợ, Ukraine khó tiếp tục chiến đấu

Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington là đối tác cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine với hơn 64 tỷ USD đã chuyển giao kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện với Nga bùng nổ vào tháng 2/2022.

Những vũ khí mà Mỹ tài trợ cho Ukraine gồm có 3 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, 12 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS, hơn 3.000 tên lửa Stinger, hơn 40 hệ thống rocket phóng loạt HIMARS, hàng trăm xe bọc thép, pháo và lựu pháo, hơn ba chục xe tăng Abrams cùng rất nhiều đạn dược.

Mỹ chưa tiến tới mức cung cấp cho Ukraine bất kỳ loại máy bay hiện đại nào của họ nhưng các quốc gia phương Tây khác đã viện trợ cho Kiev một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo.

Gói viện trợ trên nằm trong tổng thể 174 tỷ USD tiền viện trợ của Mỹ, gồm cả khoản tài chính nhằm tăng cường an ninh cho Ukraine cũng như trợ giúp các đối tác và đồng minh của Mỹ ở châu Âu thay thế kho vũ khí đã chuyển cho Ukraine.

Các khoản viện trợ trên đã góp phần giúp Ukraine chặn được đà tiến công của Nga, thậm chí còn phản kích đáp trả. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky vẫn liên tục phàn nàn rằng sự hỗ trợ của Mỹ chỉ đủ để tránh thất bại chứ không đủ để giành chiến thắng.

Hồi tháng 11, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cuối cùng cũng quyết định cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Động thái này được Mỹ tuyên bố là nhằm đáp trả việc Nga bị cáo buộc đã triển khai hàng nghìn binh lính Triều Tiên tham chiến. Nga sau đó phản ứng lại bằng những đe dọa leo thang hạt nhân. Tổng thống đắc cử Trump lập tức chỉ trích đây là một quyết định “điên rồ” và đe dọa rút lại khi ông nhậm chức.

Nếu ông Trump cắt bỏ viện trợ trong khi vẫn chưa tiến hành những bước đi ngoại giao đủ mạnh để buộc Nga ngừng bắn thì Ukraine sẽ phải đối diện với khả năng thất bại. Chỉ trong vòng vài tháng, số xe tăng, tên lửa, các hệ thống phòng không mà Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ cạn kiệt đạn dược.

Các đồng minh chủ chốt khác của Ukraine như Đức, Pháp, một số quốc gia Baltic nói rằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổng thư ký mới của NATO, ông Mark Rutte đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Zelensky trong tháng này để thảo luận cách thức tăng viện trợ cho Ukraine.

Thế nhưng, sự trợ giúp của châu Âu không thể nào bù đắp được phần mất đi từ viện trợ của Mỹ trong khi các quốc gia đồng minh châu Âu của Ukraine lại thiếu năng lực sản xuất thay thế nguồn cung vũ khí Mỹ.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới