Việc cả Nga lẫn Ukraine cùng chủ động tăng nhiệt tình hình bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ của đối phương trên thực tế không đủ để tạo ra bất kỳ chuyển biến nào trên thực địa.
Bản chất các hoạt động tấn công đáp trả lẫn nhau do cả hai Nga và Ukraine thực hiện giai đoạn nửa cuối tháng 12-2024 tuy có phần gia tăng về cường độ nhưng lại có xu hướng giảm thiểu thiệt hại và chỉ tập trung vào các cơ sở hạ tầng quân sự có tầm quan trọng chiến lược.
Xung đột Ukraine – Nga đang thu hẹp quy mô thiệt hại
Điển hình gần đây nhất là cuộc tấn công ngày 18-12 của Ukraine vào tỉnh Rostov ở lãnh thổ tây nam của Nga. Ukraine đã sử dụng 6 tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và 4 tên lửa Storm Shadows của Anh nhằm gây thiệt hại cho nhà máy hóa chất Kamensky – một trong những cơ sở sản xuất nhiên liệu rắn cho các tên lửa phóng loạt và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga.
Theo ghi nhận của phía Nga, cuộc tấn công nói trên đã khiến cho một tòa nhà dân sự gần đó bị hư hại do “các mảnh vỡ” rơi xuống từ các tên lửa bị đánh chặn. Để đáp trả, phía Nga vào ngày 20-12 đã phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và tên lửa đạn đạo Iskander/KN-23 vào các cơ sở sản xuất tên lửa tầm xa của Ukraine cũng như hệ thống phòng thủ Patriot ở thủ đô Kiev của Ukraine.
Các quan chức ở Kiev cũng xác nhận nhiều cơ sở hạ tầng ở đây bị hư hại cũng do “các mảnh vỡ” từ tên lửa Nga bị đánh chặn, trong khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố toàn bộ mục tiêu liên quan đến mạng lưới an ninh và công nghiệp quốc phòng của Ukraine “đều bị đánh trúng”.
Nói cách khác, phương án cùng triển khai các hoạt động tấn công chính xác tầm xa của Nga lẫn Ukraine đều đang góp phần giảm thiệt hại về lực lượng chiến đấu của cả hai phía, thay thế dần cho xu hướng cơi nới phạm vi không kích nhằm vào một lượng lớn các mục tiêu dàn trải diện rộng như trước đây.
Không chỉ vậy, sự lựa chọn phương án trên lại diễn ra trong giai đoạn tốc độ tiến quân của Nga có nhiều biểu hiện chậm lại ở cả hai mặt trận trên bộ là tỉnh Kursk và khu vực Donbass.
Theo ghi nhận của Viện Nghiên cứu Chiến tranh – ISW (Mỹ), lực lượng Nga đã tiến quân với tốc độ khoảng 27,96 km2 mỗi ngày vào tháng 11 năm 2024, nhưng chỉ tiến quân với tốc độ khoảng 17,1 km2 mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 1-12 đến ngày 18-12.
Dấu hiệu chững lại về đà tiến công của phía Nga cũng chứng tỏ nỗ lực phòng thủ đáng ghi nhận của quân đội Ukraine. Trong đó, trên mặt trận Kursk, phía Ukraine vẫn đang kiểm soát được thị trấn chiến lược Sudzha của Nga dù cho bị bao vây từ cả ba hướng.
Còn ở mặt trận Donbass, Ukraine cũng cản được bước tiến của quân Nga đến Pokrovsk ngay cả khi các lực lượng Nga chỉ còn cách thành phố chiến lược này có 3km kể từ giữa tháng 12-2024.
Rộng đường ngoại giao
Thực tiễn thế trận giằng co trên bộ giữa Nga và Ukraine đang phù hợp với những tiến triển nhằm “đóng băng xung đột” trên thực địa và mở ra mặt trận ngoại giao đầy tiềm năng với nhiều chuyển biến tương đồng về lập trường.
Thứ nhất chính là sự thừa nhận về một viễn cảnh không đảm bảo khi chiến sự kéo dài. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-12 đã xác nhận ông không biết khi nào Nga có thể đẩy lui được lực lượng Ukraine ra khỏi khu vực Kursk. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó không né tránh sự thật rằng quân đội Ukraine không đủ sức mạnh để lấy lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Thứ hai là việc các bên để ngỏ các điều kiện đàm phán trong biên độ đủ để đối phương xem xét. Cụ thể, cũng trong cuộc họp báo ngày 19-12, ông Putin đã nhấn mạnh rằng Matxcơva sẵn sàng đàm phán với Kiev mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ngoại trừ các thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2022. Các thỏa thuận này bao gồm việc Ukraine giữ vị thế trung lập, không liên kết với khối nào, cùng với những hạn chế về triển khai vũ khí nước ngoài.
Cùng ngày 19-12, ông Zelensky tại cuộc họp báo ở Brussels sau cuộc họp của Hội đồng Châu Âu cũng xác định yêu cầu có được sự đảm bảo an ninh “rõ ràng và dễ hiểu” cho Ukraine mà không nhắc gì đến NATO trong bài phát biểu.
Thậm chí, ông Zelensky còn khoanh vùng các điều kiện “sẵn sàng phục hồi Ukraine” và “các biện pháp trừng phạt tổng lực đối với Liên bang Nga” là điều quan trọng cho thỏa thuận ngừng bắn. Cả hai lập trường này đều được giới chuyên gia nhận định có sự chuyển biến so với các yêu cầu “phi thực tế và cường điệu” trước đây.
Và điều kiện cuối cùng, cũng là điểm hội tụ lớn nhất giữa hai phía Nga và Ukraine chính là việc triển khai các động thái sẵn sàng cho giai đoạn tái thiết hậu chiến. Chính ông Putin đã xác định chính cuộc chiến này đã làm thay đổi nền kinh tế Nga với sự lạm phát cao đáng lo ngại cùng với hiện tượng thiếu hụt lực lượng lao động chủ lực.
Còn phía ông Zelensky liên tục nhấn mạnh Ukraine cần có hỗ trợ tài chính, được cung cấp bởi quyết định của khối G7 phân bổ 50 tỷ USD cho nước này dưới hình thức cho vay dựa trên số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga.
Cả ba điều kiện cần này đều đang hướng đến một viễn cảnh xuống thang chiến sự, tìm kiếm giải pháp đình chiến và đạt đến một thỏa thuận hòa bình đầy triển vọng giữa Nga và Ukraine.
5% GDP
Ngày 20-12, báo Financial Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn các nước thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng lên 5% GDP, gấp đến 2,5 lần mức đóng góp hiện tại.
Cũng theo nguồn thạo tin của báo Financial Times, nhiều khả năng ông Trump sẽ duy trì việc viện trợ quân sự cho Ukraine trong nhiệm kỳ của mình.
T.H