Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCó phải Manila đang “khiêu khích nguy hiểm”?

Có phải Manila đang “khiêu khích nguy hiểm”?

Mỹ lại ngang nhiên bán vũ khí tối tân cho Philippines khiến Trung Quốc giận dữ. Người mua “hàng” là đối tượng đang có hiềm khích với Trung Quốc, nay đã có phương tiện hiện đại để đáp trả hành động bao vây, chèn ép trên Biển Đông.

Hôm 23/12, Hãng tin Pháp AFP trích lời Trung tướng Roy Galido, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, giải thích về việc vì sao Manila quan tâm đến hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ US Typhon. Loại tên lửa này do tập đoàn Loockheed Martin chế tạo. Manila đã “nghiên cứu kỹ khả năng triển khai loại vũ khí này trong mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia và mở rộng khả năng bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích trên biển của Philippines.

Về số lượng tên lửa được mua nhiều hay ít còn tùy thuộc vào ngân sách của Manila và phải cân nhắc về phương diện tài chính, kinh tế. Trước mắt kế hoạch mua tên lửa tầm trung US Typhon không nằm trong ngân sách quốc phòng của Philippines trong tài khóa 2025.

“Chúng tôi dự định mua vì tính khả thi và chức năng của hệ thống tên lửa Typhon phù hợp với kế hoạch triển khai phòng thủ quần đảo” – Tướng Roy Galido phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 23/12. Ông cũng cho biết, số lượng tên lửa được Philippines mua chưa thể công bố. Theo quy định, quân đội Philippines phải mất ít nhất hai năm để mua một hệ thống vũ khí mới từ giai đoạn lập kế hoạch.

Bệ phóng tên lửa tầm trung trên bộ do hãng vũ khí Lockheed Martin chế tạo có tầm bắn lên tới 480km. Vào tháng 4/2024, Mỹ đã huy động hệ thống tên lửa hiện đại này đến Philippines trong khuôn khổ một chương trình tập trận chung. Lưu ý rằng, trong một số phiên bản mới tầm bắn của hệ thống US Typhon có thể xa hơn con số 480 km rất nhiều”.

Theo giới phân tích, US Typhon có khả năng bắn chặn tên lửa chống hạm, máy bay, tên lửa đạn đạo và nhiều mối đe dọa trên biển. Siêu tên lửa này có thể nhắm tới một số căn cứ quân sự Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Reuters trích lời một quan chức Mỹ: “Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon có giá trị chiến lược đối với Philippines trong mục tiêu ngăn chặn những hành động bao vây, chèn ép của Trung Quốc”.

Không chỉ có vậy, theo các nhà nghiên cứu, kế hoạch triển khai những vũ khí này của Washington tại châu Á là “một phần trong chiến lược lâu dài rộng lớn hơn nhiều của Mỹ nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc”. Đồng thời đây cũng là một phần của chiến lược toàn cầu “hậu Chiến tranh Lạnh” nhằm loại bỏ bất kỳ đối thủ ngang hàng hoặc… gần ngang hàng, nhằm duy trì quyền bá chủ của Mỹ trên toàn cầu.

Từ tháng 6/2024, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Đổng Quân đã chỉ trích Mỹ và Phippines triển khai tên lửa Typhon tại quốc gia Đông Nam Á này. Ông Đổng lớn tiếng: Việc đe dọa Trung Quốc bằng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines sẽ không bao giờ có hiệu quả. “Đây là hành động nguy hiểm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh và ổn định trong khu vực”.

Sáng 23/12/2024, Bắc Kinh một lần nữa lên tiếng mạnh mẽ sau khi Manila thông báo kế hoạch mua tên lửa US Typhon của Mỹ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh “kết tội”: Trung Quốc cam kết quản lý tốt các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn. Philippines đang “đẩy khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang qua quyết định trang bị vũ khí chiến lược tấn công”. Trung Quốc cho rằng “hành động khiêu khích nguy hiểm, gây căng thẳng trong khu vực và làm bùng lên những xung đột về địa chính trị”.

Lâu nay Bắc Kinh vẫn “yên chí lớn” khi nhận định, cho dù Mỹ có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, nhưng Trung Quốc lại chiếm ưu thế khi sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất. Loại tên lửa này có thể mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường. Trong khi đó Mỹ bị cấm triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất (theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô -trước đây- vào năm 1987).

Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước này tháng 8/2019. Hai tuần sau khi rút khỏi hiệp ước, Mỹ đã thử nghiệm phóng từ mặt đất loại tên lửa hành trình phóng trên hạm, và 4 tháng sau đó, tiếp tục Mỹ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM).

Và hành động bán hệ thống tên lửa tầm trung US Typhon cho Philippines chính là một thách thức đối với Trung Quốc. Thông điệp không lời của Washington gửi tới Bắc Kinh là các Hiệp ước này nọ chẳng có giá trị gì đối với ý chí và khả năng tự bảo vệ của các quốc gia trong cái “chợ” vũ khí, khí tài tối tân thời chiến tranh công nghệ trí tuệ nhân tạo.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới