Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), năm 2024, với quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 450 tỷ USD, Việt Nam dự kiến ở vị trí 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT).
Báo cáo mới nhất của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) cho biết, tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2025, đạt 2,8% theo giá hiện hành, tăng nhẹ so với mức ước tính 2,7% vào năm 2024.
Quy mô GDP toàn cầu ước tính đạt 110 nghìn tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng gấp đôi lên 221 nghìn tỷ USD vào năm 2039. Phần lớn sự tăng trưởng sẽ phản ánh sự bắt kịp giữa các nền kinh tế kém phát triển trước đây và các nền kinh tế phát triển hơn.
Đối với Việt Nam, báo cáo cho biết, tính đến năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam (theo sức mua tương đương – PPP) ước tính đạt 16.193 USD và được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Sau khi đạt mức tăng trưởng GDP 5% vào năm 2023, dự báo cho thấy tăng trưởng sẽ tăng tốc lên 6,1% vào năm 2024.
Các chuyên gia CEBR cho biết, Việt Nam đã đạt được một sự cân bằng thuận lợi giữa tăng trưởng và lạm phát vào năm 2024, với mức tăng trưởng GDP vượt mức trung bình với mức lạm phát dự kiến là 4,1%.
“Điều này trái ngược với sự gia tăng lạm phát mạnh mẽ ở nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới”, CEBR nhận định.
Báo cáo của CEBR đánh giá, năm 2024, với quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 450 tỷ USD, Việt Nam dự kiến ở vị trí 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT).
Nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, mặc dù sự phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu và tỷ lệ tín dụng trên GDP cao khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc toàn cầu.
Đáng chú ý, các chuyên gia CEBR ước tính, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Cụ thể, CEBR dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 676 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 33, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Singapore (656 tỷ USD), Malaysia (594 tỷ USD).
Về tăng trưởng GDP, các chuyên gia CEBR đánh giá, trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến sẽ chậm lại, trung bình đạt 5,8%.
Từ năm 2030-2039, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ giảm thêm xuống còn 5,6% mỗi năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2024 đến 2039, CEBR dự báo thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Kinh tế Thế giới sẽ cải thiện đáng kể, tăng từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 25 vào năm 2039.
T.P