Donald Trump, người tái đắc cử, trở thành Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, là một trong những nhân vật gây tranh cãi lớn nhất trong chính trường hiện đại. Tính cách thất thường và phong cách lãnh đạo bốc đồng của ông luôn khiến người khác khó đoán ông ta sẽ hành động ra sao.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp chính trị của Trump, là sự tiền hậu bất nhất trong các cam kết của mình. Theo giới quan sát, không có ví dụ nào rõ rệt, sinh động hơn về điều này khi ông thay đổi quan điểm về cách thức giải quyết xung đột Ukraine – từ lời hứa “24 giờ” trong chiến dịch tranh cử, đến việc thừa nhận cần “6 tháng” để chấm dứt cuộc chiến, như một sự điều chỉnh sau khi đối diện với thực tế.
Cam kết “24 giờ” trong chiến dịch tranh cử 2024 được ông Trump đưa ra một cách hùng hồn, đầy lạc quan. Nó như một sự thể hiện điển hình phong cách lãnh đạo của Trump – mạnh mẽ, quyết đoán và không e dè, ngần ngại thể hiện sự tự tin. Lý do ông đưa ra lời hứa này là để phản ánh quan điểm của mình về cách giải quyết các vấn đề quốc tế. Trump từ lâu đã chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden, cho rằng Mỹ đã quá can thiệp vào các cuộc xung đột quốc tế mà không có sự chuẩn bị đầy đủ. Ông khẳng định rằng với khả năng “thương thảo” của mình, ông có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán và đạt được thỏa thuận hòa bình nhanh chóng.
Tuy nhiên, tuyên bố này vấp phải nhiều sự hoài nghi. Các chuyên gia và những người theo dõi tình hình quốc tế đều nhận định: việc giải quyết cuộc chiến giữa Nga và Ukraine – đặc biệt là khi cuộc chiến đã leo thang nghiêm trọng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2 năm 2022 – không thể đơn giản như thế. Cả Nga và Ukraine đều có những yêu cầu, lợi ích và nguyên tắc cứng rắn, không dễ dàng thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn. Việc chấm dứt cuộc chiến đòi hỏi phải có sự can dự của nhiều quốc gia cũng như còn phụ thuộc các yếu tố về an ninh quốc tế và tác động toàn cầu…Thực tế đó cho thấy tuyên bố của Trump rất khó để thành hiện thực.
Không cần phải chờ lâu, hoài nghi đã được thực chứng chỉ hai tháng sau cuộc bầu cử. Ngày 7 tháng 1 năm 2025, trong một cuộc gặp giới truyền thông tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, ông Trump đã thừa nhận rằng sẽ cần ít nhất 6 tháng để có thể giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine, thay vì chỉ trong vòng 24 giờ…
Sự thay đổi này là một cú sốc đối với những người ủng hộ Trump, những người đã hy vọng vào một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến. Cú sốc đó không thể tan đi ngay cả khi Trump trần tình và thú nhận rằng việc giải quyết cuộc xung đột này không thể đơn giản như ông đã tưởng tượng trước đây; ông cần thời gian để thực hiện các cuộc đàm phán, thúc đẩy sự thay đổi chính trị và ngoại giao trong bối cảnh phức tạp của cuộc chiến…
Theo nhận định của giới quan sát việc “điều chỉnh” này phản ánh một sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận của ông chủ mới Nhà Trắng đối với một vấn đề quốc tế nóng bỏng nhất hiện nay. Một mặt, ông vẫn kiên định với cam kết về việc sử dụng đàm phán để chấm dứt xung đột. Mặt khác, ông lại thừa nhận rằng cuộc chiến không thể kết thúc nhanh chóng như trước đây ông nghĩ.
Suy cho cùng, thay đổi trong quan điểm của Donald Trump về xung đột Ukraine không quá bất ngờ, đặc biệt đối với những người theo dõi sự nghiệp chính trị của ông. Họ biết rõ một trong những đặc điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo của Trump chính là sự bất ổn và thất thường trong các quyết định. Ông thường xuyên đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ, đầy tự tin, nhưng cũng không ngần ngại thay đổi chúng khi đối mặt với thực tế khó khăn hơn.
Lý do cho sự thay đổi này có thể đến từ tính cách bốc đồng của Trump. Ông là người có xu hướng nói theo cảm hứng, đôi khi không tính toán kỹ lưỡng về những hậu quả của những tuyên bố mà mình đưa ra. Trong nhiệm kỳ tổng thống 45 của mình, ông Trump từng tuyên bố hung hăng về chiến thương mại với Trung Quốc; tuy nhiên, cũng ông buộc phải có những động thái mang tính đàm phán sau khi Bắc Kinh thực hiện các biện pháp trả đũa mạnh mẽ.
Thực tế đó nghĩa là gì? Chẳng gì khác ngoài phơi bày cái gọi là “phong cách lãnh đạo” mà nhiều người xem là thiếu ổn định và không nhất quán. Hậu quả tất nhiên là: mặc dù Trump đã xây dựng một hình ảnh của mình là một người lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán, nhưng càng thế, dư luận càng cảnh giác và coi nhẹ tính khả thi những lời hứa của ông. Đó là chưa kể, khi một lãnh đạo không thể giữ vững cam kết của mình, niềm tin vào quốc gia đó sẽ bị suy yếu trong mắt đồng minh và cộng đồng quốc tế nói chung.
Nói cách khác, cái sự “nói lời rồi lại nuốt lời” của ông Trump, trong thực tế, vào thời điểm này, đang gây nên một hậu quả “kép” tiêu cực, cho ông Trump và cho nước Mỹ.
T.V