Novaland đã mua lại 1.550 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong hạn mức mua tối đa 7.000 tỷ đồng, Nam Long, Hải Phát cũng có động thái tương tự. Song thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Tập đoàn Novaland (HoSE: NVL), doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay lớn, vừa có hàng loạt động thái đáng chú ý trong việc cơ cấu bài toán tài chính.
Công ty do ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch gần đây công bố mua lại trước hạn tối đa 7.000 tỷ đồng trái phiếu. Việc mua lại diễn ra đến hết tháng 1 năm nay, theo hình thức thỏa thuận giữa tập đoàn và các chủ sở hữu trái phiếu. Giá mua lại được tính bằng 100% mệnh giá, cộng thêm tiền lãi phát sinh tính đến ngày giao dịch.
Số trái phiếu trong kế hoạch mua lại của Novaland gồm 21 lô trái phiếu có giá trị từ 100 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng, phát hành trong năm 2020. Ban đầu, các trái phiếu này có thời hạn 36 tháng, sau đó được đàm phán để gia hạn sang 60 tháng và sẽ bắt đầu đến hạn thanh toán gốc từ tháng 6/2025 – 8/2025.
Thực hiện nghị quyết này, vào ngày cuối cùng của năm 2024, Novaland đã mua lại trước hạn toàn bộ 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.550 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vừa điều chỉnh giá chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi cho lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD. Từ ngày 5/1, các trái chủ có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu với giá 36.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ chuyển đổi là 149.038 cổ phiếu/trái phiếu và có hiệu lực áp dụng từ ngày 5/1.
Doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) cũng công bố hoàn tất mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có kỳ đáo hạn vào tháng 3/2029 nhưng đã được công ty mua lại trước hạn tới 5 năm.
Trước đó, hồi tháng 11/2024, Nam Long đã huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 10,11%/năm trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ tính lãi tiếp theo, trái chủ sẽ hưởng mức lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 4,88%/năm. Trái phiếu được phát hành có tài sản đảm bảo.
Một số doanh nghiệp khác cũng dồn lực mua lại trái phiếu trước hạn. Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (HoSE: HPX) cũng hoàn tất mua lại toàn bộ 390 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong tháng 12/2024, không còn dư nợ trái phiếu. Công ty bất động sản An Gia (HoSE: AGG) hay Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng từng rốt ráo triển khai việc này, nhằm đưa dư nợ trái phiếu về 0.
Có thể nói, cân đối nợ trái phiếu là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của doanh nghiệp bất động sản ở 1-2 năm gần đây, sau những vụ án lùm xùm liên quan trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp thậm chí sẵn sàng thực hiện đảo nợ bằng cách gia tăng nợ vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu thu nguồn tiền để có thể giảm nợ trái phiếu, trong bối cảnh việc triển khai dự án, bán sản phẩm nhà ở còn gặp khó khăn.
Tuy nhiên, nguy cơ chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu vẫn là vấn đề lo ngại trên thị trường địa ốc, khi doanh nghiệp chưa kịp thu xếp nguồn tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Báo cáo của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) chỉ ra trong 12 tháng tới, khoảng 105.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản nhà ở, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này, VIS Rating ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc, chiếm 20%.
T.P