Nếu nói tình hình Biển Đông ổn định và đang có dấu hiệu tốt lên thì chỉ có Trung Quốc. Có vẻ như nước này hoàn toàn quyết định lành dữ trên biển. Có vẻ như chuyện tranh chấp, o ép, bắt nạt nhau là do một số quốc gia có sự can thiệp từ “bên ngoài” cố tình làm toáng lên.
Thật ra, kể cả ổn định một cách hình thức cũng không có. Những vụ việc vi phạm luật pháp trên Biển Đông vẫn tái diễn với mức độ dầy dặc hơn. Để đi đến hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng ngày càng vô vọng. Như cách nói của Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kantathi Suphamongkhon là Bộ quy tắc này đang di chuyển với tốc độ “sên bò”.
Những ngày đầu năm 2025, có dịp nhìn lại tình hình năm 2024 càng thấy rõ hơn việc Trung Quốc nói và làm bất nhất. Chuyện “đầu Ngô mình sở” thể hiện trong việc tranh chấp ở Eo biển Đài Loan, Bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây… và ở câu chuyện các nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đều “bó tay chấm con” không thể nào thúc đẩy tiến độ thông qua COC. Hội nghị nào cũng truyền đi những ngôn từ chung chung, sáo rỗng.
Đài Loan và Philippines trở thành một trong những điểm nóng địa chính trị nhiều rủi ro trên thế giới, không kém gì tình hình bán đảo Triều Tiên, Trung Đông. Nói “tiềm ẩn” là vì Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông, tăng cường củng cố những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của nước này. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh cũng gia tăng sự can dự vào khu vực giàu tiềm năng kinh tế, nóng bỏng nguy cơ xung đột này.
Riêng về Eo biển Đài Loan, những ai quan tâm đều thấy nó liên tục nóng bỏng. Năm 2024 đã có tới gần 3.000 cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực nhận diện phòng không (DIZ) của Đài Loan. Trung Quốc còn tổ chức hai cuộc tập trận quân sự lớn – Liên hợp Lợi kiếm A và Liên hiệp Lợi kiếm B. Thông điệp của hai cuộc tập trận là: Lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các hành động ly khai của lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan. Đây là một hoạt động hợp pháp và cần thiết để bảo vệ chủ quyền và sự thống nhất quốc gia.
Hai cuộc tập trận nêu trên diễn ra vào đúng lúc Đài Loan tổ chức các sự kiện trọng đại của hòn đảo.
Trong Thông điệp chào năm mới 2025, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại: Việc thống nhất Đài Loan là “không thể tránh khỏi”! Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc tập trận trong năm 2025 nếu như các quan chức cấp cao Đài Loan cố tình đi thăm Mỹ, hoặc các quan chức hàng đầu của Mỹ đến thăm Đài Loan.
Còn nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức cũng không hề ngần ngại khi đáp trả, rằng, Chính phủ của ông sẽ tăng ngân sách quốc phòng và tăng cường sức mạnh quân sự, nêu cao ý chí, bền lòng bảo vệ chế độ và quyền độc lập của mình. Chỉ có người dân Đài Loan mới quyết định được cuộc sống và hạnh phúc của mình.
Về quan hệ Trung Quốc- Phi lippines, điểm nóng nhất, cái “tử huyệt” vẫn là Bãi cạn Scarborough. Ngay trước thềm năm mới, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu. Các cuộc diễu võ giương oai này có quy mô rất lớn, với sự tham gia của cả lực lượng hải quân và không quân.
Đỉnh điểm căng thẳng là Trung Quốc đã công bố một loạt Đường cơ sở xung quanh Bãi cạn Scarborough, nhằm xác định lãnh hải và không phận của mình. Đây là quyết định giẵm lên luật pháp, vì không thể vẽ Đường cơ sở nếu không thật sự sở hữu các thực thể này.
Biết thế nhưng Bắc Kinh vẫn cố tình đưa ra nhằm biện minh cho các hành động chống lại Manila và Washington. Dịp này lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiếp tục con bài cũ, bắn vòi rồng vào một tàu của Cục Thủy sản Philippines đang chở hàng tiếp tế cho ngư dân ở khu vực bãi cạn. Hải cảnh Trung Quốc đổ thừa cho con tàu này “tiếp cận nguy hiểm” lãnh hải của Trung Quốc.
Hiện nay Philippines đang cân nhắc khởi xướng một vụ kiện mới đối với Trung Quốc. Lý do kiện: Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC-1982). Kiện vậy thôi, nhưng Bắc Kinh đã thủ thế, và “vững như bàn thạch” vì nước này đã từng xé bản phán quyết của Tòa Trọng tài LHQ tại Lahaye vào năm 2016.
Bãi Cỏ Mây ngún lửa cũng là câu chuyện dài dòng, thương lượng-thống nhất-phá bỏ, rồi lại thương lượng, được xem là “trò trẻ con trong công việc đại sự. Suốt cả năm 2024, Trung Quốc và Philippines đã có nhiều cuộc đối đầu tại Bãi Cỏ Mây. Đây là một thực thể cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Năm 1999, Manila đã khôn ngoan “cài” lại một chiếc tàu chiến cũ của để làm tiền đồn, để lấy cái cớ để minh chứng cho chủ quyền.
Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn. Phải nhổ cái gai này bằng được. Tháng 6/2024 đã xảy ra cuộc ẩu đả có tính toán kỹ lưỡng. Một nhóm Hải cảnh Trung Quốc bất ngờ dùng giáo mác, mã tấu đâm thủng các thuyền của Philippines. Họ nhanh chóng vét bằng hết các loại vũ khí, trang bị khi các thuyền này đang di chuyển đến vị trí “cái gai”BRP Sierra Madre để tiếp tế và luân chuyển quân nhân. Không lâu sau đó, Trung Quốc lại xuống giọng, cho phép Philippines cung cấp tiếp tế cho chiếc tàu chiến “mắc cạn bất hợp pháp” tại Bãi Cỏ Mây, vì “nể tình”, vì những lý do nhân đạo khác (!).
Sớm nắng chiều mưa, chả biết lối nào mà lần. Một ngày nào đó, Bắc Kinh sẽ yêu cầu Manila phải di dời tàu BRP Sierra Madre và rời khỏi Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp. Khi ấy lý do nhân đạo sẽ “hết thời hiệu”.
Bùng nhùng nhất vẫn là chuyện bao giờ thì ASEAN hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông? Bàn rồi… bỏ. Đó là cái cách để người bàn mệt mỏi, thối chí. Nhưng ai thối chí thì mặc họ, Bắc Kinh lúc nào cũng bật tín hiệu lạc quan: đang làm, sắp xong!
Malaysia chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ Lào vào ngày 2/1/2025. Đây là năm bản lề trong lộ trình xây dựng ASEAN thành một cộng đồng gắn kết hơn. Đã quen lắm, chẳng chờ đợi gì, mỗi lần ghế Chủ tịch ASEAN thay đổi chủ thì câu hỏi về Bộ quy tắc ứng xử lại được đặt ra.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường của Trung Quốc đã nói tại một hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10/2024: Trung Quốc kiên quyết phản đối những gì họ coi là “chính trị hóa” Bộ quy tắc ứng xử cũng như bất kỳ “sự can thiệp từ bên ngoài” nào vào vấn đề này. Trung Quốc và cả khối đang “nỗ lực để sớm hoàn tất” COC. Cử tọa nghe tai nọ ra tai kia và vỗ tay không thành tiếng. Các quốc gia Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam có các tuyên bố chủ quyền mang tính mâu thuẫn đối với một số khu vực ở Biển Đông thì càng tỏ ra ngán ngẩm.
Một trong những trở ngại cơ bản tiềm ẩn bên trong là sự chia rẽ và yếu kém của chính khối ASEAN. Tại sao các thành viên trong khối không tìm đến giải pháp đàm phán đa phương bằng cách sắp xếp, thống nhất lợi ích giữa các quốc gia thành viên và có được một tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán với các cường quốc bên ngoài? Hay vì đường ai nấy đi, ai cũng chỉ nghĩ tới lợi ích của riêng mình, và có phần sợ Trung Quốc … thù?
Chủ tịch mới của ASEAN trong năm 2025 chưa hứa hẹn gì nhiều mà chỉ phát tín hiệu “tìm cách cải thiện tiếng nói tập thể của khối này”.
Cách gì, thưa các ngài? Một phần tư thế kỷ XXI đã đi qua rồi đấy.
H Đ