Một trong những đơn vị khai thác cảng lớn nhất Trung Quốc đã cấm các tàu chở dầu của Nga bị Mỹ trừng phạt cập cảng tại bến của mình ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, một động thái được cho là một đòn giáng mạnh vào “hạm đội bóng tối” của Nga.
Hãng tin Reuters dẫn lời ba thương nhân xác nhận lệnh cấm được ban hành bởi Tập đoàn Cảng Sơn Đông do nhà nước Trung Quốc quản lý, đơn vị này điều hành một mạng lưới cảng ở tỉnh Sơn Đông. Nhiều nhà máy lọc dầu trong khu vực là những đơn vị nhập khẩu dầu nước ngoài lớn.
Một thông báo do Cảng Sơn Đông ban hành đầu tuần qua nêu rõ rằng các tàu nằm trong danh sách trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ hiện bị cấm cập cảng, dỡ hàng hoặc tiếp nhận dịch vụ. Tập đoàn Cảng Sơn Đông vận hành các cảng ở Nhật Chiếu, Yên Đài và Thanh Đảo.
Theo Kpler, một nhà cung cấp phân tích dữ liệu cho thị trường hàng hóa, ít nhất 8 tàu chở dầu thô lớn chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, mỗi tàu có sức chứa 2 triệu thùng, đã cập cảng các cảng này vào tháng trước, chủ yếu là để vận chuyển dầu của Iran.
Danh sách OFAC bao gồm các tàu hoạt động như một phần của cái mà Washington gọi là “hạm đội bóng tối” tham gia vào các hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt để vận chuyển dầu từ Iran, Venezuela và Nga.
Vào tháng 12/2024, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với 35 công ty và tàu thuyền có liên quan đến các chuyến hàng dầu của Iran.
Khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran được chuyển đến Trung Quốc, thường được bán với mức chiết khấu lớn hoặc đổi lấy hàng hóa thay vì tiền mặt, theo những người nguồn tin được S&P Global trích dẫn vào năm ngoái.
Khi được hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo ngày 8/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun cho biết: “Tôi không nắm rõ chi tiết. Nói rộng hơn, tôi xin nhấn mạnh rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và quyền tài phán dài hạn của Mỹ không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hoặc sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã tích cực nhập khẩu dầu từ Nga khi các nước G7 áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm lên án việc nước này đưa quân tới Ukraine vào đầu năm 2022.
Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, năm 2023, Nga chiếm gần 20% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc và đã xuất khẩu 8,64 triệu tấn (tương đương 1,2 triệu thùng mỗi ngày) sang quốc gia láng giềng phía nam vào tháng trước.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xây dựng gói trừng phạt mới nhằm vào các tàu chở dầu của Liên bang Nga.
Tuy nhiên một số nhà phân tích phương Tây cho hay Nga đang tích cực sử dụng những phương pháp vận chuyển dầu thay thế, bao gồm cả “hạm đội bóng tối” của riêng mình.
Nga đã chuyển hướng thành công phần lớn hàng xuất khẩu sang những nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, đây là các đối tác không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo nhiều nhà phân tích, biện pháp mới có thể làm tăng áp lực lên nền kinh tế Nga và đây là cú ra đòn quyết liệt nhất của Tổng thống Biden trước khi rời Nhà Trắng.
Dù vậy, Shandong Port Group dự đoán lệnh cấm sẽ có tác động hạn chế đến các nhà máy lọc dầu độc lập, vì hầu hết dầu nhập khẩu bị trừng phạt đều đến trên các tàu không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.
Tuy nhiên, các thương nhân được Reuters phỏng vấn cho rằng việc thực thi lệnh cấm chặt chẽ hơn có thể làm tăng chi phí cho các nhà máy lọc dầu.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, đóng góp 1/3 thương mại nước ngoài của Nga vào năm ngoái và cung cấp các mặt hàng như thiết bị công nghiệp, hàng tiêu dùng giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, Trung Quốc còn mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nga, từ dầu khí đến nông sản.
Tuy nhiên, nhiều công ty Nga hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng tài khoản bị khóa tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc. Nguyên nhân chính được cho là do địa chỉ đăng ký của các công ty này trùng với những tổ chức nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Các báo cáo gần đây cho biết phần lớn giao dịch xuyên biên giới giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện thông qua các bên trung gian và cơ quan thanh toán chuyên biệt. Trong khi đó, nhiều công ty tham gia vào hoạt động thương mại Nga – Trung cũng được cho là đang chuyển sang các bên môi giới ngoại hối chợ đen và các ngân hàng nhỏ dọc biên giới Trung Quốc với Nga.
T.P