Sunday, January 26, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKế hoạch “ly gián” của ông Trump

Kế hoạch “ly gián” của ông Trump

Sau 5 ngày ông Donald Trump ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ lần thứ hai, tình hình thế giới đã có những thay đổi. Sự thay đổi giống như tính khí ồn ào, thất thường của ông Trump.

Đáng chú ý hơn cả là mối quan hệ giữa ba cường quốc Mỹ-Nga- Trung Quốc, dường như đã xuất hiện những vết rạn nứt, không như những gì công khai trên báo chí, truyền thông. Những rạn nứt ấy bắt đầu từ việc áp thuế quá cao của chính quyền Trump lên một số nước, trong đó có Trung Quốc. Một vấn đề hóc búa khác là tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine và Nga.

Hôm 21/1, hai nhà lãm đạo Nga và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm trực tuyến, kéo dài 1 giờ 35 phút. Thông tin ra ngoài thì cuộc trao đổi ý kiến diễn ra rất tốt đẹp, thế nhưng sự thật không phải thế. Chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Donald Trump đã quay ngoắt với Nga. Thậm chí Trump ngầm đe dọa rằng, ông Putin đang phá hủy nước Nga.

Trước hết xin nói về con bài sở trường của ông Trump: đánh thẳng vào dạ dầy, nhưng không phải là cách “chém một nhát chết tươi”. Ngay trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ không đề xuất kế hoạch thuế đối với Trung Quốc, mà lại áp thuế 25% đối với các đồng minh truyền thống là Canada và Mexico.

Sao lại có sự lạ này? Tờ Wall Street Journal (Mỹ) giải thích: Sở dĩ ông Trump đánh thuế cao đối với Canada và Mexico nhằm vào giới doanh nghiệp Mỹ, là vì các công ty Mỹ đã chuyển sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp khác sang Mexico và Canada để giảm chi phí. Ông Trump muốn chấm dứt tình trạng này kéo dài, nếu để kéo dài sẽ làm suy yếu nước Mỹ. Khi đánh thuế cao, các công ty đánh thuê này sẽ “không chịu được nhiệt” buộc phải quay về chính quốc.

Đối với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc kể từ tháng 2/2025. Không chỉ có ông Trump, những người thân cận ông đều cùng xu hướng “chúng tôi muốn tấn công Trung Quốc; muốn tách rời kinh tế với Trung Quốc”. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ bắt đầu trong năm nay.

Đấy là ông Trump nói, còn làm thì chưa thể biết được. Trump là con người của những quyết định tùy hứng, bất ngờ. Vì vậy, chính sách này có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Bắc Kinh hiểu rõ điều đó. Họ muốn câu giờ, muốn tranh thủ chính quyền ông Trump.

Cách đánh thuế nặng đối với Trung Quốc không phải là một đòn chí mạng mà bắt đầu từ 10%, sau đó lại từng bước gây áp lực. Tổng thống Mỹ sẽ dùng thuế để làm món hàng trao đổi với ông Tập về nhiều thứ khác. Trong khi vấn đề thuế vẫn còn treo lơ lửng, Tập Cận Bình đã có động thái lớn nhằm vào Trump.

Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Putin “gặp” ông Tập lần này là nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Sau khi Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, dưới áp lực của ông ta, Ukraine và Nga có thể sớm đạt được ngừng bắn và bắt đầu đàm phán.

Do vậy việc sắp xếp cuộc điện đàm dài giữa Putin và Tập nhằm để hai bên trao đổi và chuẩn bị nội dung cho các cuộc đàm phán. Putin muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Còn ông Tập cũng cần để phía Nga hiểu, trong quá trình đàm phán, Nga cần phải “chăm sóc” đến lợi ích cụ thể của Trung Quốc.

Sau cuộc đàm phán này, chỉ vài giờ sau, Tân tổng thống Donald Trump đã có buổi họp báo tại Nhà Trắng. Ông tập trung phân tích tình hình Nga-Ukraina. Ông thể hiện sự bức xúc, thái độ nghiêm khắc, khác hoàn toàn sự mềm mỏng trước đó. Donald Trump nói: “Tổng thống Ukraina Zelensky đã nói với tôi rằng ông ấy muốn đạt được thỏa thuận. Nhưng tôi không biết Tổng thống Putin có cùng ý định không, ông ấy có thể không muốn… Nhưng tôi nghĩ rằng nếu không đạt được thỏa thuận, ông ấy đang phá hủy nước Nga”.

Tổng thống Trump cũng nhắc đến việc quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề, chính điều này sẽ khiến Putin sa lầy. Phải chăng từ thông báo này, Trump đang ngầm ám chỉ việc xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga?

Có nhà bình luận cho rằng, mặc dù ông Tập và Putin đã có cuộc điện đàm, nhưng thật ra cả hai đều muốn nhượng bộ trước Tổng thống Trump. Họ đều muốn lấy lòng Washington, muốn sử dụng nhau như một quân bài để “bán” bên kia cho Tổng thống Trump.

Trong cuộc “gặp”, ông Tập đã gọi Putin là “người bạn tốt nhất”. Tuy nhiên, Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã lại không đề cập đến điều này. Mặc dù ông Tập cố gắng xoa dịu Putin, nhưng các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc lại muốn che giấu điều này. Và thái độ của Putin thể hiện rõ sự miễn cưỡng, lạnh nhạt.

Mặc dù Moscow và Bắc Kinh đều cố ý phát hành rộng rãi video cuộc gặp để thể hiện mối quan hệ thân thiện của họ trước Tổng thống Trump, nhưng từ nội dung cuộc đối thoại có thể thấy, cả Tập Cận Bình và Putin đều có mưu đồ riêng.

Ai đó cho rằng, kế hoạch “ly gián” Nga và Trung Quốc của Trump đã được thực hiện ngay từ ngày đầu ông nhậm chức. Và có thể thấy ông đã ít nhiều thành công.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới